Người Việt chi 9,5 tỉ USD mua sắm trực tuyến trong 9 tháng đầu năm. |
Nền tảng dữ liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn vừa ra mắt Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024. Báo cáo cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227.7 nghìn tỷ đồng (9,5 tỷ USD), tăng 37.66% so với cùng kỳ 2023.
Đặc biệt, riêng quý 3 đã đóng góp 84.75 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 18.15% so với quý liền kề, khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này.
Sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ lên ngôi
Theo báo cáo từ Metric, một trong những điểm nhấn nổi bật của thị trường trong quý 3 năm 2024 là sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ.
Các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với năm ngoái.
Đặc biệt, phân khúc sản phẩm dưới 100.000 đồng ghi nhận mức tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 đến 200.000 đồng cũng tăng thêm 4%.
Sự phát triển này cho thấy sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng chỉ có Tiktok Shop và Shopee ghi nhận mức tăng trưởng khả quan so với cả quý 2 năm 2024 và cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Tiktok Shop đã đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Một xu hướng mua sắm trực tuyến nổi bật khác trong quý 3/2024 là sự phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng shop mall (cửa hàng chính hãng). Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng số cửa hàng, shop mall đã đóng góp gần 1/3 tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 53.11% so với cùng kỳ 2023.
"Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm chính hãng và chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm có giá thành cao - phản ánh xu hướng dịch chuyển tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam", chuyên gia Metric nhận định.
Trong số các sàn TMĐT, Shopee và Tiktok Shop là hai nền tảng ghi nhận mức tăng trưởng cả về số lượng bán lẫn doanh số từ shop mall. Tiktok Shop mặc dù sở hữu số lượng cửa hàng chính hãng ít hơn Shopee, nhưng lại có mức tăng trưởng doanh số cao gấp 3 lần.
Ngành hàng làm đẹp tiếp tục dẫn đầu về doanh số
Ngành hàng làm đẹp tiếp tục dẫn đầu khi sở hữu doanh số 15,508 tỷ đồng. |
Số liệu cho thấy, ngành hàng làm đẹp tiếp tục dẫn đầu khi sở hữu doanh số 15,508 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần doanh số trong quý, tăng 26.58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích từ Metric, ngành hàng làm đẹp thường tăng trưởng mạnh mẽ vào nửa cuối quý 3 và quý 4 nhờ nhu cầu quà tặng trong các dịp lễ hội cuối năm và yếu tố thời tiết, làm tăng nhu cầu mua sắm các sản phẩm chăm sóc da, cơ thể và tóc.
Metric dự báo cho quý 4/2024, ngành hàng làm đẹp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi Tết Nguyên đán đến sớm hơn thường lệ.
Theo dự báo, tổng doanh số của ngành hàng này trên Shopee sẽ đạt 10.300 tỉ đồng, với 90 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra trong quý, tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài làm đẹp, quý 3/2024 còn chứng kiến sự bứt phá của một số ngành hàng khác. Trong đó giày dép nam là ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng 73,94% so với quý trước. bách hóa - thực phẩm đứng thứ hai với doanh số tăng 51,9%, trong khi phụ kiện thời trang ghi nhận mức tăng 50,38%.
Quý 3/2024 cũng đánh dấu sự xuất hiện của một số sản phẩm hottrend, với sự tăng trưởng đột biến cả về doanh số lẫn sản lượng bán ra. Đáng chú ý nhất là sữa gấu và đồ chơi Labubu, hai sản phẩm đã trở thành hiện tượng nhờ vào sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Sữa gấu bất ngờ trở thành xu hướng từ tháng 7/2024, nhờ yếu tố hoài niệm và sự tương tác sôi động trên các nền tảng như Facebook, TikTok và Instagram.
Người tiêu dùng chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ về sữa gấu, đồng thời sáng tạo các công thức pha chế độc đáo, đặc biệt là món cà phê sữa gấu, thu hút hàng triệu lượt xem.
Từ tháng 7 đến hết quý 3-2024, doanh số của sữa gấu trên các sàn TMĐT đạt 6,14 tỉ đồng với 123.500 sản phẩm bán ra, tăng trưởng ấn tượng 687% về doanh số và 975% về sản lượng so với quý 2.
Đồ chơi Labubu cũng không kém phần nổi bật, với sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thiết kế độc đáo và số lượng giới hạn, tạo nên làn sóng sưu tầm trong cộng đồng. Các video unboxing và quảng bá trên TikTok, Instagram đã giúp Labubu nhanh chóng trở thành hiện tượng.
Trên các sàn TMĐT, doanh số của Labubu đạt đỉnh vào tháng 8-2024. Trong tổng quý 3, doanh số đạt 6,9 tỉ đồng và 49.400 sản phẩm được bán ra, tăng 741% về doanh số và 834% về sản lượng so với quý 2.
Temu nhanh chóng thu hút sự chú ý tại Việt Nam
Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa công bố chính thức vào Việt Nam. Nhưng người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Trước đó, những nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein cũng đã tiếp cận thị trường Việt Nam. Đây đều là những sàn thương mại điện tử truyền thống của Trung Quốc, nơi người bán của họ có sẵn gian, giỏ hàng. Giới doanh nhân Việt dự báo sẽ có sự tấn công ồ ạt của hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Với chính sách miễn phí vận chuyển, giao hàng nhanh, cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày kèm theo chương trình khuyến mãi lên đến... 90%, Temu - một tân binh trong lĩnh vực TMĐT Trung Quốc - đã nhanh chóng thu hút sự chú ý tại Việt Nam. Thậm chí nền tảng này cũng cập nhật giao diện hỗ trợ tiếng Việt trên trang web của mình, khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn. Khách hàng chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể mua bất kỳ sản phẩm nào, từ đồ gia dụng đến thời trang, với mức giá vô cùng rẻ. Chị Quỳnh Vy, một khách hàng tại TP.HCM, chia sẻ rằng chị không thể cưỡng lại được các chương trình giảm giá lên đến 66% và thời gian giao hàng chỉ 4 - 7 ngày. Việc vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam chủ yếu diễn ra qua đường bộ, khiến thời gian giao hàng của Temu nhanh hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Philippines, nơi mà thời gian vận chuyển có thể kéo dài 5 - 20 ngày. Không chỉ riêng Temu, các nền tảng bán hàng khác của Trung Quốc như Taobao và 1688 cũng đã cung cấp nguồn hàng sỉ, lẻ được người tiêu dùng Việt ưa chuộng. Điều này khiến hàng hóa Trung Quốc hiện diện khắp nơi trên các sàn TMĐT, cũng như tại các cửa hàng đồng giá ở Việt Nam. |