Temu, Taobao, 1688.com... đổ bộ thị trường Việt Nam. |
Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam, đẩy các doanh nghiệp Việt vào thế khó khăn chưa từng có.
Theo trang The Low Down của Momentum Works - công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở Singapore, Temu sắp ra mắt tại Việt Nam và Brunei, nâng tổng số thị trường của nền tảng thương mại điện tử này tại Đông Nam Á lên 5 nước. Với 5 thị trường ở Đông Nam Á, Temu hiện hoạt động tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ (đến ngày 7/10).
Trước đó hơn một năm, nền tảng thương mại điện tử này đã bắt đầu mở rộng sang thị trường đầu tiên tại Đông Nam Á là Philippines và Malaysia. Vào tháng 7 năm nay, Temu cũng bắt đầu giao hàng tại Thái Lan.
Hiện phiên bản ra mắt của website Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chỉ có tiếng Anh (không có tiếng Việt); chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không chấp nhận ví điện tử địa phương) và chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển là Ninja Van và Best Express.
Hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, miễn ship
Chị Phương Trang (ngụ TP HCM) vừa tải ứng dụng Temu, đăng ký tài khoản. Trong nháy mắt, chị đã "săn" được chiếc áo thun nữ chất liệu vải cotton đang khuyến mãi với giá chỉ 130.000 đồng (đã bao gồm phí ship 0 đồng); thời gian giao hàng chỉ 4 ngày, còn nhanh hơn cả mua hàng trong nước.
Chị Trang cho biết nếu so với áo thun cùng loại trên các sàn Shopee, Lazada hay TikTok Shop, chiếc áo thun nói trên rẻ hơn 7%-10%. Nếu so với cửa hàng thì mức giá rẻ hơn tới 60.000 - 80.000 đồng/áo.
"Tín đồ" săn sale này còn hồ hởi cho biết Temu cam kết bồi thường cho khách 25.000 đồng nếu giao hàng trễ hạn. Thậm chí, nền tảng này còn có chính sách nếu đơn hàng của khách không cập nhật theo dõi trong hơn 15 ngày và không được giao, khách có thể yêu cầu gửi lại miễn phí hoặc hoàn tiền. Nếu nhận được hàng sau khi nộp yêu cầu, người dùng có thể giữ nó miễn phí mà không cần trả lại; hoàn trả hàng trong vòng 90 ngày…
Chị Quỳnh Trân, nội trợ tại TP.HCM, cho biết từng mua một nồi cơm điện Việt Nam với giá 300.000 đồng, còn phải trả thêm 20.000 đồng phí ship.
Trong khi đó nồi cơm điện Trung Quốc tương tự chỉ có 180.000 đồng và được miễn phí ship. Chênh lệch giá quá lớn khiến chị Trân chọn hàng Trung Quốc.
Với chính sách miễn phí vận chuyển, giao hàng nhanh, cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày kèm theo chương trình khuyến mãi lên đến... 90%, Temu - một tân binh trong lĩnh vực TMĐT Trung Quốc - đã nhanh chóng thu hút sự chú ý tại Việt Nam.
Thậm chí nền tảng này cũng cập nhật giao diện hỗ trợ tiếng Việt trên trang web của mình, khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn.
Khách hàng chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể mua bất kỳ sản phẩm nào, từ đồ gia dụng đến thời trang, với mức giá vô cùng rẻ. Chị Quỳnh Vy, một khách hàng tại TP.HCM, chia sẻ rằng chị không thể cưỡng lại được các chương trình giảm giá lên đến 66% và thời gian giao hàng chỉ 4 - 7 ngày.
Việc vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam chủ yếu diễn ra qua đường bộ, khiến thời gian giao hàng của Temu nhanh hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Philippines, nơi mà thời gian vận chuyển có thể kéo dài 5 - 20 ngày.
Không chỉ riêng Temu, các nền tảng bán hàng khác của Trung Quốc như Taobao và 1688 cũng đã cung cấp nguồn hàng sỉ, lẻ được người tiêu dùng Việt ưa chuộng. Điều này khiến hàng hóa Trung Quốc hiện diện khắp nơi trên các sàn TMĐT, cũng như tại các cửa hàng đồng giá ở Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Việc các sàn TMĐT Trung Quốc đồng loạt mở cửa sang Việt Nam, được lợi nhất là người tiêu dùng, trong khi người sản xuất - kinh doanh trong nước lại gặp áp lực rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nhận định cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt và Trung Quốc trên thị trường TMĐT không còn chỉ xoay quanh giá cả mà còn đòi hỏi sự thay đổi về chiến lược kinh doanh.
Nếu không thích nghi kịp thời, các doanh nghiệp Việt sẽ bị đào thải khỏi thị trường khốc liệt này.
Ông Nguyễn Quốc Anh - chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM - cho biết những nền tảng này đang làm xáo trộn sản xuất trong nước, đặc biệt trong các ngành giày, dép và hàng tiêu dùng.
"Người tiêu dùng Việt Nam giờ đây có thể mua hàng trực tiếp từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, với thời gian giao hàng chỉ vài ngày. Cách thức mua bán mới này đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các nhà sản xuất trong nước, những người vốn đã gặp khó khăn với chi phí sản xuất cao" - ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh điều bất công là những nền như Taobao, Temu và Shein bán hàng vào Việt Nam mà không phải nộp thuế và hưởng lợi từ hệ thống logistics mạnh mẽ do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả. Nguyên liệu sản xuất như cao su, hóa chất, nhựa... nhập về cảng đã phải chịu thuế VAT, muốn hoàn thì rất khó.
"Tình hình không chỉ đơn thuần là cạnh tranh nữa, nó đã trở thành vấn đề bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước. Đây là một vấn đề kinh tế vĩ mô cần sự can thiệp của Chính phủ" - ông nhấn mạnh.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp Việt và Trung Quốc. |
Cần làm gì ứng phó với "làn sóng" đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc?
Ông Nguyễn Xuân Hùng, trưởng ban logistics TMĐT của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), cho rằng để ứng phó với "làn sóng" đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, đồng thời cải thiện hệ thống logistics để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cũng cho rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hệ thống kho hàng dành riêng cho TMĐT, bởi đa phần các kho hàng hiện nay đều phục vụ cho các công ty sản xuất lớn thay vì các doanh nghiệp TMĐT. Điều này làm giảm khả năng xử lý đơn hàng và gia tăng chi phí logistics.
"Việc cải thiện hạ tầng logistics sẽ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh" - vị này nói, đồng thời khuyến cáo rằng việc xây dựng các chiến lược khuyến mãi hợp lý, miễn phí vận chuyển hoặc chiết khấu phí giao hàng cũng sẽ giúp hàng Việt cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên các sàn TMĐT.
Cũng theo vị này, việc tận dụng ưu thế về thương hiệu và chất lượng sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp Việt giành lại niềm tin từ người tiêu dùng trong nước.
"Ngoài việc doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy cũng cần có hành lang bảo vệ sản xuất, bán lẻ trong nước", vị này khuyến cáo.
để bảo vệ hàng hóa và người kinh doanh trong nước, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng cần nhanh chóng bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. Bởi lẽ, đơn hàng nhỏ nhưng cộng lại nhiều thì giá trị có thể lên tới trăm tỉ đồng.
"Quan điểm của tôi là mua hàng qua sàn phải bị đánh thuế. Vì vậy, giờ không phải thời điểm tiếp tục xem xét nên hay không nên miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ mà cần bàn phương thức, triển khai thực hiện thế nào cho hiệu quả" - ông Đức nhấn mạnh.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, thực tế, việc đánh thuế qua sàn TMĐT, kênh online không hề dễ dàng mà cần các công cụ về công nghệ, sự phối hợp của các bên. Tuy nhiên, khi đánh thuế hàng hóa nhập khẩu qua kênh online sẽ giúp tạo công bằng cho người sản xuất, người bán hàng ở các kênh thương mại truyền thống trong nước. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cần phải có quy định mới để chống thất thoát thuế trên TMĐT, không thể tính theo cách thủ công là mỗi người được miễn bao nhiêu thuế, hàng thế nào thì không bị đánh thuế.
Ông Trần Hòa Nam - quản lý và phát triển dự án Công ty TNHH Truyền thông và Quảng cáo SW Channel - nhận xét các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chỉ tập trung sản xuất sản phẩm sao cho tốt rồi đem bán sỉ mà không quan tâm đến marketing, thương hiệu. "Nếu sản phẩm không có thương hiệu thì chỉ có thể cạnh tranh về giá, mà giá thành hàng Việt Nam lại khó có thể so với hàng Trung Quốc" - ông Nam thẳng thắn.
Do đó, nếu DN không thay đổi tư duy trong việc bán hàng, xây dựng thương hiệu, phát triển kênh online thì sẽ rất dễ thua ngay trên sân nhà. Hiện nhiều chủ DN vẫn xem marketing, truyền thông, xây dựng thương hiệu là chi phí mà không nghĩ đó là hoạt động đầu tư dài hạn trong bối cảnh thị trường đang thay đổi quá nhanh.
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử |
Muốn phát triển thương mại điện tử phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
6 tháng đầu năm, người Việt chi gần 150.000 tỷ để mua sắm online |