Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ USD Xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ bị tác động ra sao khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống? Xuất khẩu tôm năm 2024 hoàn toàn có thể đạt 4 tỷ USD |
Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ: Cơ hội đi kèm với thách thức |
Cơ hội lớn
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn và chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 646 triệu USD, tăng 10%. Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực này là những thách thức lớn đối với ngành tôm Việt Nam trong việc duy trì và mở rộng thị phần tại Hoa Kỳ.
Thị trường Hoa Kỳ đang chứng kiến sự suy giảm nhập khẩu tôm từ ba nguồn cung chính là Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung, nhưng cũng mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Tâm lý thị trường lạc quan, tồn kho giảm và sự cân bằng cung cầu đang tạo điều kiện cho nhu cầu nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng cao hơn trong thời gian tới. Giá tôm trên thị trường này cũng được kỳ vọng cải thiện tích cực.
Năm nay, giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ ghi nhận nhiều biến động. Giá tôm chân trắng tăng liên tục từ tháng 2 đến tháng 7, sau đó giảm trong quý 3, đạt mức 9,9 USD/kg vào tháng 9 và tăng trở lại 10,3 USD/kg vào tháng 10. Đối với tôm sú, giá cả không ổn định, đạt mức cao nhất 18,9 USD/kg vào tháng 3 trước khi giảm xuống 15,2 USD/kg vào tháng 10. Mặc dù giá cả không đồng đều, nhu cầu với các sản phẩm này vẫn ở mức cao nhờ mức giá trung bình hợp lý, kích thích tiêu dùng tại Hoa Kỳ.
Thách thức nhiều
Theo VASEP, ông Donald Trump đã tái đắc cử Tổng thống, các chính sách thương mại đặc thù của Hoa Kỳ dưới thời ông Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể gia tăng đối đầu thương mại, Hoa Kỳ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.
Tôm là sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa kỳ. Việc nước này tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời ông Trump đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng.
Do đó, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ.
Khách hàng và người tiêu dùng tại Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, bà Lê Hằng khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững, như nuôi tôm sạch, và nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC) để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng.
Để tận dụng cơ hội và đối mặt với thách thức, ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của Mỹ, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Việc tăng cường đàm phán và phối hợp với các cơ quan chức năng cũng rất quan trọng để giảm thiểu tác động từ các chính sách áp thuế bất lợi.
Xuất khẩu tôm “lội ngược dòng” ngoạn mục |
Xuất khẩu thủy sản đã quay trở lại quỹ đạo và tăng tốc để về đích |
Tôm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường EU |