Xuất khẩu nông sản lập nhiều kỷ lục mới Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng mốc 800 tỷ USD Vui buồn xuất khẩu nông sản |
Xuất khẩu nông sản năm 2024: Kỷ lục nối kỷ lục |
Kỷ lục nối kỷ lục
Tổng cục Hải quan cho biết kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm.
Giá cà phê xuất khẩu tăng cao là nguyên nhân chính giúp cho cà phê Việt Nam đạt cột mốc quan trọng này về xuất khẩu. Bởi trong năm 2024, do sản lượng giảm khiến cho lượng cà phê xuất khẩu giảm khá nhiều. Trong 11 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu là hơn 1,2 triệu tấn, giảm tới 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh ấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 11 tháng qua lại tăng tới hơn 35% nhờ giá tăng cao kỷ lục.
Trong tháng 10, giá bình quân cà phê xuất khẩu đạt 5.720 USD/tấn, là mức cao nhất trong lịch sử và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 11, giá bình quân cà phê xuất khẩu giảm nhẹ so với tháng 10, nhưng vẫn ở mức rất cao là 5.581 USD/tấn. Nhờ vậy, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm nay đạt bình quân 4.052 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, năm 2024, cà phê là sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), năm 2024 là một năm chưa từng có trong lịch sử cà phê Việt Nam cũng như cà phê thế giới, nhất là về giá cà phê. Giá cà phê Việt Nam lên ở mức cao nhất thế giới và giá cà phê Robusta có những thời điểm cao hơn cả giá cà phê Arabica. Còn trên sàn giao dịch London, lần đầu tiên trong lịch sử, giá cà phê Robusta vượt mốc 5.000 USD/tấn.
Trong năm 2024, ngành điều cũng ghi dấu ấn khi xuất khẩu hạt điều vượt mốc 4 tỷ USD ghi nhận một bước tiến mới của ngành điều sau nhiều năm duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức hơn 3 tỷ USD. Lần đầu tiên ngành điều xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD là năm 2017. Suốt từ đó đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều luôn ở mức từ hơn 3 tỷ USD đến gần 4 tỷ USD, với năm đạt cao nhất là 2023 (hơn 3,64 tỷ USD).
Việc xuất khẩu hạt điều vượt mốc 4 tỷ USD, chủ yếu do tăng mạnh về lượng xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/12, lượng hạt điều xuất khẩu đã đạt 696 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với lượng xuất khẩu kỷ lục trong năm 2023 (644 nghìn tấn). Như vậy, đến hết năm nay, chắc chắn lượng hạt điều xuất khẩu sẽ có lần đầu tiên vượt mốc 700 nghìn tấn.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu tăng cũng góp phần vào kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.873 USD/tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường truyền thống nhìn chung tăng trưởng tốt trong năm nay, trong đó có nhiều thị trường tăng 2 con số. Cụ thể, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Hoa Kỳ tăng 33%, Trung Quốc tăng 14%, Hà Lan tăng 14%, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 75%, Đức tăng 24%, Canada tăng 30%...
Xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam với những con số tăng trưởng ấn tượng, vượt xa kỷ lục cũ đã và đang cho thấy sức mạnh vượt trội và bền vững của ngành lúa gạo nước nhà.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2024, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm trước.
Với con số này có thể thấy, khối lượng gạo xuất khẩu năm nay của nước ta tăng đột biến với con số 0,9 triệu tấn so với con số kỷ lục đạt được năm 2023 là 8,1 triệu tấn. Hơn thế nữa, giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công thương) nhận định, thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục tăng cao do tiêu thụ trong nước tăng, trong khi mùa vụ cuối năm 2024 của Philippines đã bị thiệt hại bởi thiên tai.
Kế tiếp đó, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và 3 lớn của Việt Nam lần lượt là Indonesia và Malaysia. Trong đó, Malaysia là thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất với mức tăng 2,3 lần so với năm 2023.
Đáng chú ý, tính riêng trong tháng 12, Việt Nam ước xuất khẩu hơn 520 nghìn tấn gạo, thu về 390 triệu USD. Tuy nhiên, điều đáng nói là, giá gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12 này. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 485 USD/tấn, giảm 17 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (501 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 459 USD/tấn và 388 USD/tấn.
Xuất khẩu rau quả năm 2024 cũng ghi dấu ấn khi đạt 7,2 tỷ USD, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Đây sự tích lũy thành quả của các năm trước khi các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, kết quả xuất khẩu 7,2 tỷ USD của năm 2024 là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.
Thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.
Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Theo đánh giá của ông Bình, trong thành công của ngành rau quả có sự đóng góp không nhỏ các đơn vị chuyên môn của Bộ NN&PTNT. Nhờ việc thông tin thị trường, các yêu cầu về kiểm dịch, vai trò cầu nối… được duy trì, ổn định.
Nâng cao chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu
Thị trường nông sản ngày càng mở rộng. |
Các chuyên gia cho rằng, thị trường nông sản ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn. Tuy nhiên, các nước, nhất là các thị trường khó tính đòi hỏi các tiêu chuẩn về nông sản ngày càng cao.
Để nông sản Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp cần thiết, lâu dài.
Trong năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Bình cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. "Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn", ông nhấn mạnh.
Liên quan đến ngành gạo, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, gạo Việt đã xây dựng được hướng đi khác biệt, tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao, được quốc tế ưa chuộng. Đơn cử, dù đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống chỉ còn 15% nhưng gạo Việt Nam bán tại thị trường Philippines vẫn duy trì ở mức cao, do người dân quốc gia này ưa thích gạo Việt bất chấp giá cao.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bổ sung, hiện 95% giống lúa và 89% sản lượng gạo của Việt Nam đạt chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường xuất khẩu gạo.
Hiện nay, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tiếp tục mở ra phương hướng mới cho ngành lúa gạo chinh phục những thị trường khó tính. Cùng với đó, những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác lớn cũng là nền tảng thuận lợi giúp gạo Việt giữ vững thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, để vượt qua các khó khăn trong xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho rằng, cần có sự hỗ trợ kịp thời từ các ngân hàng và cơ quan thuế, nhằm giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường mới cho gạo Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các vùng trồng lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
Theo bà Hương, dù xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 đạt kỷ lục mới, các thách thức trong năm 2025 vẫn là một bài toán khó. Việc duy trì chất lượng gạo, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là yếu tố quan trọng để giữ vững thị trường và tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ khi đó, gạo Việt Nam mới có thể duy trì được đà tăng trưởng và vươn lên trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,5 - 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là 60%... Để tiếp tục phát triển và hướng tới các mục tiêu mới, năm 2025 ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào 6 giải pháp chính. Thứ nhất, tập trung kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất. Thứ hai, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Thứ ba, tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường. Thứ năm, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai. |
Nông sản trong nước và quốc tế thu hút người tiêu dùng ở Thủ đô Hà Nội |
Nhiều ngành hàng xuất khẩu về đích sớm |
Giải pháp nào gỡ khó cho xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc? |