Ngành điều cần chính sách bảo vệ Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 715,55 tỷ USD Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD |
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng mốc 800 tỷ USD. |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm ngoái; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%. Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản 11 tháng ước đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng tới 52,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản về đích sớm là nhờ một số sản phẩm đã có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong 11 tháng, như: Gạo đạt 5,31 tỷ USD tăng 22,4%, càphê đạt 4,84 tỷ USD tăng 32,8%; chè đạt 2,95 tỷ USD tăng 17,1%; hạt điều đạt hơn 4 tỷ USD tăng 21,4%; hạt tiêu đạt 1,22 tỷ USD tăng 46,5%...
Theo dự kiến, nếu trong tháng 12, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về khoảng 5 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 có thể vượt 61 tỷ USD - một kỷ lục mới.
Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đánh giá, đến hết tháng 11, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hơn 15% là mức tăng khá cao so với giai đoạn trước đây. Việc này cũng cho thấy khả năng thích ứng, linh hoạt, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp. Sự hỗ trợ với vai trò kiến tạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kim ngạch xuất nhập khẩu cao như vậy.
Cũng chính từ hoạt động xuất nhập khẩu đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế. Theo đó, chỉ số tăng trưởng công nghiệp, sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo đã được hỗ trợ rất lớn nhờ hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng.
Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ cho ngành kinh tế và được duy trì trong nhiều năm gần đây, đóng góp không chỉ cho xuất khẩu, mà còn ổn định lạm phát, ổn định sinh kế của hàng triệu nông dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã phát huy được lợi thế so sánh, thích ứng được nhu cầu và thị hiếu của thị trường toàn cầu.
“Con số kỷ lục về xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường, trong đó có các thị trường khó tính, ngoài việc phát huy được lợi thế so sánh, lợi thế tuyệt đối, đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế,” chuyên gia Lê Duy Bình phân tích.
Xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD?
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. |
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết, đà tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kết hợp với việc ký kết các FTA. Có thể khẳng định, với 17 FTA, thị trường xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, do đó, chúng ta đã tạo được lợi thế đầu tiên đó là thu hút FDI để đẩy mạnh xuất khẩu. Con số này chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thứ hai, thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua có chuyển biến khá mạnh, đặc biệt là về giá nông sản và quy mô xuất khẩu, tức là chúng ta được cả về giá và lượng. Thứ ba, một số mặt hàng như dệt may, gỗ, thủy sản đều có kim ngạch tăng trưởng cao. Thứ tư, các chính sách của Việt Nam trong thời gian vừa qua khá “mượt” và nhìn tổng thể rất thành công trong chính sách xuất nhập khẩu.
Thứ 5, nỗ lực của doanh nghiệp ngày càng hiểu sâu hơn về thị trường, biết làm ăn theo chuỗi và phản xạ rất nhanh với những biến động và đặc biệt là những đòi hỏi của các thị trường khó tính, nhất là EU và Mỹ; biết cách tránh các vụ phòng vệ thương mại. Những yếu tố này tạo nên bức tranh “rất đẹp” của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024 và sang năm chắc chắn sẽ còn đẹp hơn năm nay.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định, đà tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm 2024 đã rất lớn, dự báo sang năm 2025, 'mưa thuận, gió hòa', tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể vượt con số 1.000 tỷ USD.
Vậy đâu là lý do để đưa ra con số này? Tôi cho rằng, các hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đang khai thác đã đi vào thực chất, các doanh nghiệp Việt Nam chuyển động mạnh. Có rất nhiều mặt hàng tiềm năng và đang trỗi dậy đó là hơn 10.000 sản phẩm OCOP của các địa phương, nếu chúng ta làm chuẩn, đầy đủ, chuyên nghiệp hóa, cộng với các nền tảng thương mại điện tử mà chúng ta đã tạo dựng được thì sự đột phá nằm trong tầm tay. Chưa nói đến việc các doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm học hỏi cũng “bắt nhịp” được nền tảng thương mại điện tử, công nghệ số, từ đó tạo sự bứt phá trong hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến.
Đặc biệt, sang năm 2025, khi các FTA đi vào chiều sâu thì hoạt động xuất nhập khẩu sẽ ngày càng được mở rộng, lợi thế quy mô càng lớn. Do đó, xuất nhập khẩu năm 2025 chắc chắn tốt hơn và cao hơn năm nay.
Hải Quan tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thông quan hàng hóa |
Giải pháp nào gỡ khó cho xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc? |
Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng |