Với những người lớn lên ở các miền quê của Việt Nam, chắc hẳn không còn xa lạ với cá rô phi. Theo tìm hiểu, cá rô phi là tên thông thường của một nhóm loài cá nước ngọt phổ biến, một số ít sống cả trong môi trường nước lợ hoặc nước mặn. Loài cá này có nhiều ở ao hồ, đầm lầy, ruộng đồng, chúng thường vùi sâu dưới lớp bùn.
Về đặc điểm nhận dạng, cá rô phi có thân hình màu hơi tím, vảy sáng bóng, có 9-12 sọc đậm song song nhau từ lưng xuống bụng. Con cá rô phi có thể dài tới 0,6m và nặng 4 kg, sau 4-5 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 0,4-0,6 kg/con. Giữa con cái và con đực có tốc độ lớn khác nhau. Cá rô phi hầu như sinh sản quanh năm, khoảng cách giữa hai lần đẻ cách nhau 20-30 ngày.
Cá rô phi trước đây được xem là món "nhà nghèo", nó gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ ở quê, có mặt trong mâm cơm dân dã của người dân. Chỉ cần ra đồng khoảng một tiếng là có thể bắt được cả mớ cá rô phi về chế biến món ăn. Lúc đó, cá rô phi không được ưa chuộng vì nhiều xương, mà xương lại cứng, không ai mang cá rô phi ra mua bán ở chợ.
Giờ đây, cá rô phi đồng lại là đặc sản nổi tiếng ở thành phố, nhiều người tìm về chợ quê để mua những mớ cá rô phi đồng để nướng, rán, thịt cá thơm phức, dai, ngọt.
Trên thị trường, cá rô phi được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Trên thế giới cá rô phi được nhiều thị trường ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản và gần đây là Anh, Canada. Việt Nam đang phát triển rộng rãi nghề nuôi cá rô phi đặc biệt là sản xuất tập trung tạo hàng hoá cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Công dụng của cá rô phi
Theo tài liệu, cá rô phi giàu vitamin và khoáng chất, protein, axit béo omega-3, selen, phốt-pho, kali, vitamin B12, niacin, vitamin B6 và axit pantothenic… đều là dưỡng chất rất cần thiết cho sức khỏe…
Theo Đông y, thịt cá rô phi vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ thận, dưỡng xương khớp... Dùng bổ dưỡng cho người già suy giảm trí nhớ, trẻ em còi cọc chậm lớn, thiếu máu, nhức mỏi, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy nhược dùng đều tốt. Sau đây là một số món ăn - thuốc từ cá rô phi.
Chữa huyết hư suy giảm trí nhớ: Dùng bài “Lẩu cá rô phi”: cá rô phi, xương heo, nấm rơm, nấm hương, cà chua, đậu phụ, dứa, cà chua, rau ăn cần, hoa lý, giá đỗ, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Tác dụng: dưỡng khí huyết, ích ngũ tạng, tăng kháng thể… Trị chứng huyết kém, mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, nhức mỏi, ngoại cảm nội thương dùng đều tốt.
Chữa trẻ em còi cọc chậm lớn: Dùng bài “Cháo cá rô phi”: cá rô phi, gạo tẻ ngon, đậu xanh, hành hoa, rau mùi, gừng, hành, mắm, gia vị vừa đủ nấu ăn. Cá rô phi hấp lấy thịt xào mỡ hành cho thơm. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín nhừ cho cá, rau gia vị vào là được. Tác dụng: Bổ tỳ vị dưỡng khí huyết, ích ngũ tạng… Trị chứng khí huyết hư, trẻ em còi, người lớn mệt mỏi khó lên cân.
Chữa đau nhức xương khớp: Dùng bài “Cá rô phi kho lá lốt”: cá rô phi, lá lốt, hành, tiêu, mắm, gia vị vừa đủ kho nhừ ăn. Tác dụng: dưỡng khí huyết, ích tỳ thận, trừ thấp… Trị các chứng phong thấp nhức mỏi, gân cơ yếu.
Chữa tăng huyết áp: Dùng bài “Canh cá rô om rau cần”: cá rô phi, rau cần, hành tím, tiêu, mắm, muối, dầu ăn, gia vị vừa đủ om ăn. Tác dụng: Kiện tỳ hóa đàm, lợi thấp, hạ áp... Trị chứng đau đầu chóng mặt, khó ngủ, có tuổi suy giảm trí nhớ, suy nhược.
Chữa đái tháo đường: Dùng bài“Cá rô phi nấu canh rau cải”: cá rô phi, rau cải canh, gừng, hành, mắm, muối, dầu ăn gia vị vừa đủ. Cá rô phi hấp hoặc nướng lấy thịt xào mỡ hành cho thơm nấu canh ăn. Tác dụng: Bổ khí huyết, kiện tỳ thận… Trị chứng tỳ vị hư ăn kém, mệt mỏi, đái tháo đường.
Chữa phụ nữ sau sinh ăn kém ít sữa: Dùng bài “Cá rô phi kho nghệ”: cá rô phi, thịt chân giò lợn, nghệ, hành tím, đường, tiêu, mắm muối gia vị vừa đủ kho ăn… Tác dụng: Bổ tỳ vị dưỡng khí huyết, lợi sữa… Trị chứng tỳ hư, mệt mỏi do thiếu đạm
Chữa thiếu máu mệt mỏi: Dùng bài “Canh chua cá rô phi”: cá rô phi, cà chua, dứa, me, giá đậu, rau ngổ, hành lá, ớt, mắm, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Tác dụng: bổ khí huyết, ích tỳ thận… Trị chứng suy nhược ăn kém, chứng vàng da thấp nhiệt.