Cá rô phi "khan" nguồn cung, cơ hội cho cá tra Việt Nam Sự bất ổn về thuế quan bao trùm thị trường cá rô phi, cá tra Cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi từ thương chiến? |
![]() |
Gần một nửa lượng cá rô phi xuất khẩu sang Mỹ. |
Người Mỹ "chốt đơn" chục triệu USD
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết quý đầu năm, xuất khẩu cá rô phi đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Số này cũng bằng khoảng một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm ngoái (41 triệu USD).
Trong đó, Mỹ là thị trường mua nhiều nhất, hơn 6 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất cá rô phi Việt Nam với giá trị mua hàng chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.
Năm ngoái, người Mỹ chi tới 19 triệu USD mua mặt hàng này của Việt Nam, tăng trưởng 572%. Các sản phẩm xuất sang thị trường này chủ yếu gồm cá đông lạnh nguyên con, phi lê đông lạnh...
Quy mô thị trường cá rô phi toàn cầu khoảng 10,6 tỷ USD năm 2024 và dự báo đạt 14,5 tỷ USD vào 2033. Tại nhiều hội nghị thủy sản quốc tế, cá rô phi còn được gọi là "cá của tương lai".
"Điều đó cho thấy, ngành cá rô phi Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu", VASEP nhìn nhận.
Theo Hiệp hội, Việt Nam có một số lợi thế trong xuất khẩu mặt hàng này khi là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Loài cá thịt trắng này có nhiều điểm tương đồng với cá rô phi, đều được nuôi và sinh trưởng trong cùng môi trường với điều kiện thuận lợi.
Bên cạnh đó, Việt Nam có điều kiện khí hậu nhiệt đới (27-32°C), diện tích mặt nước lớn (3.300 ha tại Đồng bằng sông Cửu Long), lý tưởng cho nuôi cá rô phi với chu kỳ ngắn (5-6 tháng, 600-800 gram một con) với chi phí thấp. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 ở châu Á về sản lượng cá rô phi, sau Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh và Philippines.
Song, người nuôi loại cá này trong nước cũng gặp nhiều thách thức do thức ăn cho cá phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, vấn đề về thuế quan và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, truy xuất nguồn gốc và lao động bền vững, theo VASEP.
Ngoài ra, việc cạnh tranh quốc tế với các đối thủ cung cấp khác như Brazil hay Trung Quốc cũng là thách thức với nhà xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi, chuỗi cung ứng cá rô phi trong nước còn yếu, thiếu nhà máy đạt chuẩn, chi phí logistics tăng do chiến tranh thương mại.
Cần nâng tầm cá rô phi thành sản phẩm chủ lực
![]() |
Thị phần cá rô phi trên thế giới có thể đạt 14,5 tỉ USD trong thời gian tới. |
Theo dự báo, thị phần cá rô phi trên thế giới có thể đạt 14,5 tỉ USD trong thời gian tới, trong khi tôm cũng chỉ đạt tối đa 25 tỉ USD. Do đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng nhóm toàn cầu nghiên cứu phát triển thủy sản của De Heus cho rằng Việt Nam cần nâng tầm cá rô phi thành sản phẩm chủ lực sau tôm và cá tra.
Theo VASEP, hiện nay, việc tổ chức sản xuất cá rô phi còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá rô phi Việt Nam.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong nuôi cá rô phi còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao chính sách thương mại và có chiến lược ứng phó phù hợp", chuyên gia của VASEP khuyến cáo.
Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết diện tích nuôi cá rô phi tại Việt Nam năm 2024 đạt 30.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt 300.000 tấn. Sản lượng sản xuất giống cá rô phi/điêu hồng đạt 1,09 tỷ con.
Ông Luân nêu quan điểm ngay từ bây giờ sẽ cùng các hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp tính toán ngay từ đầu để làm sao liên kết, xây dựng được thương hiệu và chiếm lĩnh được thị trường, tất cả các mắt xích trong chuỗi phải làm ngay từ đầu.
"Chúng tôi mong muốn đây là diễn đàn thường niên. Ngay từ bây giờ phải suy nghĩ xây dựng thương hiệu con cá rô phi Việt Nam. Chúng ta xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường. Rút kinh nghiệm từ những sản phẩm trước đây. Đây là buổi khởi động để xây dựng thương hiệu cá rô phi để có sức cạnh tranh tốt, làm sao giảm chi phí, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu đạt các tiêu chuẩn để làm trong thời gian tới”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.