Cá là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình, trong đó rô phi là loại cá được nhiều người lựa chọn nhất. Nguyên nhân là bởi cá rô phi giá rẻ, thịt ngọt, ít xương, dễ chế biến thành nhiều món khác nhau. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên hạn chế ăn cá rô phi vì cá này dễ bị tồn dư hóa chất và kim loại nặng.
Trước thông tin trên, các chuyên gia cho biết điều đó chỉ đúng một phần và nếu mua cá biết nguồn gốc hoặc đã được kiểm định thì sẽ loại trừ được những nguy cơ trên. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết cá rô phi thường sống ở tầng đáy, nên có nguy cơ bị nhiễm các loại kim loại nặng cao hơn các loại cá sống ở tầng nổi.
“Nếu cá được nuôi hoặc sống trong môi trường đất, nước bị ô nhiễm, hoặc thức ăn có chứa tồn dư hóa chất thì chúng sẽ bị nhiễm những chất độc hại đó. Vì thế, mọi người tuyệt đối không mua khi biết cá được đánh bắt ở nơi ô nhiễm. Chỉ nên mua cá rô phi ở nơi bán đã được kiểm định hoặc chắc chắn về nguồn gốc là an toàn nhất”, PGS Thịnh cho biết.
Ông Thịnh lấy ví dụ về việc người dân ra chợ mua cá rất khó xác định được cá trước đó từng sống ở nơi ô nhiễm hay không. Thực tế, ngay ở sông Nhuệ hay sông Tô Lịch, dù nước đen ngòm, ô nhiễm nhưng cá rô phi vẫn tồn tại được. Trường hợp người dân đánh bắt được ở những con sông đó, rồi mang ra chợ bán thì rất khó phân biệt.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta “đoạn tuyệt” với cá rô phi, bởi sẽ ảnh hưởng đến những người nuôi cá chân chính. “Nếu là người quen, họ lấy cá ở các ao đầm lớn, nước sạch sẽ, chăn nuôi theo đúng quy chuẩn và được kiểm tra liên tục thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng”, PGS Thịnh tư vấn.
Hơn nữa, cá rô phi có chứa hàm lượng axit béo omega-3 EPA và DHA khá cao. Đây đều là những chất rất quan trọng để giúp giảm viêm cho cơ thể cũng như tốt cho tim mạch và não bộ.
Ngoài ra, cá rô phi còn là một nguồn cung cấp vitamin D khá lớn cho cơ thể, một loại vitamin quan trọng cho sức khỏe hệ miễn dịch và xương khớp, mà không có nhiều loại thực phẩm có thể cung cấp lượng vitamin D dồi dào như cá rô phi. Ngoài vitamin D, loại cá này có hàm lượng vitamin B12 khá cao, đây là chất dinh dưỡng thiết yếu để sản xuất ADN giúp giữ cho máu và các tế bào thần kinh hoạt động bình thường.
Để an toàn khi sử dụng, ông Thịnh tư vấn tốt nhất chỉ ăn phần thịt cá (phi lê), phần đầu cá, mang cá và kể cả ruột hay bụng cá nên vứt bỏ. Bởi như đã nói trên, cá rô phi ăn rất tạp, thậm chí ăn cả chất thải của các loại động vật khác, đó là lý do màng bụng cá rô phi rất đen và tanh. Do vậy, tốt nhất không nên sử dụng những bộ phận này.
Ngoài ra, ông Thịnh tư vấn thêm không nên ăn quá thường xuyên cá rô phi, mà có thể đổi bữa sang những thực phẩm hay các loại cá khác để đa dạng thực phẩm và món ăn.
“Tôi vẫn khuyên mọi người nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt, vì cá cũng có chất béo, protein, các vitamin như thịt nhưng nó giàu axit béo lành mạnh hơn thịt và dễ tiêu hóa hơn thịt. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ ăn cá rô phi, mà có thể ăn các loại cá khác như cá chép, cá trắm hay một số loại cá nhỏ hoặc cá biển khác vì chúng rất tốt cho sức khỏe”, PGS Thịnh chia sẻ.