Dưới đây là cách nhận biết một số loại hải sản có độc tố mạnh và cách sơ cứu khi ngộ độc hải sản do Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo.
Các loài cá nóc cực độc
Có 5 loại cá nóc có độc: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang, trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất.
Vẻ bề ngoài của cá nóc chuột vằn mang không có gì đáng sợ: thân có dạng hình trứng, vây lưng viền đen, bụng màu trắng nhưng trong trứng lại chứa chất độc cực mạnh. Chất độc trong 100g trứng có thể giết chết 200 người. Cá nóc chuột vằn mang có hàm lượng độc chất cao nhất từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm.
Cá nóc chấm cam (Torquigener gallimaculatus) cũng có lượng chất độc rất đáng sợ. Cứ 100g trứng hoặc gan loài cá này có thể giết chết 60 – 70 người.
Độc tố có trong cá nóc chuột vằn mang tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Trong thịt cá nóc cũng có thể chứa độc tố.
Chỉ cần 4 mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1kg. Với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 1000 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 2000 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá huỷ hoàn toàn.
Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.
Biểu hiện ngộ độc cá nóc
Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngộ độc: ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu.
Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, chảy nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, đau bụng, buồn nôn, nôn, liệt các cơ gồm cơ vùng đầu mặt cổ (nói khó, nói ngọng, sụp mi, đồng tử giãn, không nuốt được, không ho khạc được, ứ đọng đờm rãi ở họng, liệt các cơ hô hấp gây khó thở, liệt chân tay cả hai bên.
Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, cuối cùng suy hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu cấp cứu chậm.
Các loài cá gây ngộ độc ciguatera
Cá Hồng là loại thủy sản ăn tảo |
Ngộ độc ciguatera thường gặp nhất trong các trường hợp ngộ độc do độc tố từ cá biển, tỷ lệ gặp ở các nước có thể tới ít nhất 50%.
Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong những năm gần đây khi vấn đề được chú ý chẩn đoán, số lượng các bệnh nhân được phát hiện tăng rõ, gặp nhiều nhất trong các trường hợp ngộ độc hải sản.
Ngộ độc có thể riêng lẻ nhưng thường thành từng nhóm bệnh nhân sau khi đi du lịch có ăn hải sản, hoặc ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loài cá nhập khẩu về ăn. Thường gặp với các loài cá ở rặng san hô: cá nhồng, cá hồng, cá trình, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược,...
Có tới hàng trăm loài cá có chứa độc tố ciguatera nhưng với tần xuất gặp ít hơn.Độc tố trong mẫu cá gây ngộ độc ciguatera, có 5 độc tố được phát hiện gồm có ciguatoxin (độc tố chính), maitotoxin, scaritoxin, palytoxin, okadaic acid. Độc tố không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu, bền vững trong môi trường a xít, muối.
Biểu hiện ngộ độc ciguatera
iêu hóa: tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng, phần lớn trong 2-6 giờ đầu, hầu như tất cả trong vòng 24 giờ, thường tự khỏi sau 1 – 4 ngày.
Tim mạch: loạn nhịp nhanh, có thể nhịp tim chậm và tụt huyết áp, thường trong giai đoạn đầu.
Thần kinh: thường trong vài ngày đầu sau triệu chứng đường tiêu hóa. Triệu chứng khác nhau giữa các bệnh nhân, bao gồm: dị cảm, tê, ngứa ran ở tứ chi (bàn chân, bàn tay) và vùng miệng, viêm ngứa toàn thân, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi.
Một số bệnh nhân rối loạn nhận cảm về thay đổi nhiệt độ nóng/ lạnh, ví dụ bề mặt lạnh bệnh nhân lại thấy nóng và ngược lại, hoặc chạm với vật thể lạnh lại thấy rát hoặc buốt.
Các triệu chứng thần kinh khác có thể gặp: lo lắng, trầm cảm và mất trí nhớ. Thay đổi về trạng thái tâm thần, thậm chí hôn mê. Một số trường hợp có thể gây tử vong, do suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.
Các bước sơ cứu khi ngộ độc hải sản
Khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, xử lý các bước sơ cứu nhanh như sau:
Bước 1: Sơ cứu ổn định nạn nhân, cố gắng hạn chế tử vong
Nếu nạn nhân co giật, hôn mê: đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã, va đập.
Thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái: hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ.
Nôn, tiêu chảy mất nước: nếu nạn nhân tỉnh táo, nói và ho khạc tốt, vẫn tự uống được, cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng.
Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 2: Các biện pháp tẩy độc
Các biện pháp này chỉ áp dụng ngoài cộng đồng khi nạn nhân còn tỉnh táo, không khó thở, toàn trạng còn ổn định, còn nói rõ và ho khạc tốt.
Gây nôn: chỉ nên thực hiện với trẻ em lớn và người lớn. Nạn nhân tự thực hiện bằng cách uống nước mỗi lần 300 - 500ml nước, sau đó nằm nghiêng sang bên trái, tự dùng ngón tay sạch chạm vào phần sau lưỡi hoặc họng để gây nôn.
Uống than hoạt: thực hiện với trẻ em có thể tự thực hiện và ngưới lớn. Nếu có than hoạt mang theo trên tàu thuyền hoặc ở nhà, đặc biệt loại than hoạt dạng lỏng (ví dụ Antipois-Bmai) thì rất tốt. Uống than hoạt với liều 20-40g.
Đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.