Khu vườn kỳ thú trên sân thượng toàn cây ăn thịt độc lạ biết tự bắt mồi, hoa thích ăn thịt Bất ngờ với loài cây có khả năng “săn mồi” |
Loài cây "ăn thịt” nhưng được nhiều người yêu thích
Trên sân thượng nhà chị Nguyễn Thị Hồng Thu (31 tuổi, trú tại Quận 8, TP Hồ Chí Minh) trồng rất nhiều loại cây “ăn thịt” nhỏ nhắn, đáng yêu. Chị Thu vui vẻ giới thiệu: "Đây là cây bẫy kẹp, các em nhỏ hay người lớn đều rất thích, thấy nhỏ nhắn vậy nhưng bắt mồi rất nhạy. Còn đây là cây bẫy keo, cỏ bơ, gọng vó, nắp ấm,… Cây này là hố bẫy, nó là đàn anh, đàn chị cao lớn nhất trong vườn, cao nhất có thể đạt được độ dài hai ngón tay người trưởng thành. Trong khi cây hố bẫy nằm im chờ con mồi rơi vào hố, thì cây bẫy kẹp sẽ đóng lại khi con mồi tới nhờ những chiếc gai tinh nhạy của mình."
Loài cây "ăn thịt” được cả trẻ em và người lớn đều yêu thích. |
Trong khu vườn rộng hơn 30m2 trên sân thượng, chị Thu thiết kế nhà lưới bao phủ toàn bộ. Tấm lưới này không chỉ bảo vệ cây khỏi những giọt mưa nặng hạt, mà còn điều tiết lượng ánh sáng vừa đủ cho cây. Không những vậy, chị còn thiết kế hệ thống tưới tiêu nối trực tiếp ở phía trên. Dòng nước từ hệ thống sẽ làm trôi giọt mưa, giúp cây không bị nhiễm khuẩn, nhiễm phèn.
Mỗi loại có giá thành khác nhau, tùy thuộc vào kích thước, loại cây, thường dao động từ 150.000-400.000 đồng/chậu. Chỉ với quy mô không quá lớn ngay trên sân thượng, các loại cây "ăn thịt" của chị Thu đã được bán cho những khách hàng trên khắp cả nước. Từ đó, công việc kinh doanh dễ dàng đem lại cho chị nguồn thu nhập từ 12-18 triệu đồng/tháng.
Cơ duyên với những loại cây bắt mồi
Cô gái 9X chia sẻ, từ lâu chị đã có niềm đam mê mãnh liệt với các loại cây bắt mồi thông qua những bộ phim nước ngoài. Thấy vậy, chồng chị mới tìm hiểu trên mạng xã hội, đem hạt về trồng thử.
Thời điểm đó là năm 2008, tại Việt Nam có rất ít người trồng loại cây này nên hầu như không có sách, báo hay bất kỳ ai có thể hướng dẫn. Song, chị Thu và chồng không ngờ cây bắt mồi đầu tiên mà hai người trồng lại phát triển thành công mà không cần tốn nhiều công sức chăm sóc.
"Lần đầu nhìn thấy cây bắt mồi bên ngoài đời thật tôi thấy vui lắm. Từ một cây, vợ chồng tôi theo đuổi sở thích này và trồng lên vài chục, vài trăm cây. Để lên bàn làm việc, lâu lâu về nhà ghé ngang thăm các bé một lát cũng thấy tinh thần thoải mái", chị Thu bộc bạch. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, do không thể đi làm hay ra ngoài, chị Thu cùng chồng trồng hơn 100 cây bắt mồi trên sân thượng. Không chỉ vợ chồng chị Thu, con gái 8 tuổi của anh chị cũng xem loại cây độc đáo này như người bạn thân trong suốt thời gian giãn cách. Từ đó, vợ chồng chị thấy được rằng việc gắn kết giữa trẻ em với cây cối có thể giúp việc giáo dục con cái trở nên tốt hơn.
Chị Thu bên khu vườn cây "ăn thịt" của mình |
"Bản thân tôi khi theo đuổi sở thích này có thể nhận được rất nhiều lợi ích về tinh thần. Tôi cảm thấy rèn được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, bản thân cũng trong tâm trạng vui tươi vì được tiếp xúc với nguồn năng lượng xanh mỗi ngày. Cả gia đình cũng có dịp quây quần bên nhau, cùng chăm sóc và tìm hiểu về đặc tính của cây", chị Thu tâm sự.
Sau khi tham gia vào nhiều diễn đàn yêu thích cây ăn thịt, chị Thu có cơ hội giao lưu với những người có cùng đam mê. Từ đó, chị tận dụng cơ hội thu hút nhiều người đến tìm hiểu và mua cây. Thấy sở thích có thể tạo ra thu nhập, chị Thu quyết định suy nghĩ nghiêm túc về nó và bắt đầu đầu tư hơn 500 cây về để kinh doanh.
Cô gái ưu tiên đặt những giống cây từ Thái Lan, với giá lên đến 800.000 đồng/cây. Không những vậy, Thu còn bỏ thời gian để tìm hiểu thêm kiến thức trồng, chăm sóc cây ăn thịt từ những diễn đàn nước ngoài, rồi chia sẻ với người yêu thích loại cây đặc biệt này. Tưởng chừng như loại cây còn mới lạ, không mấy ai quan tâm nhưng không ngờ trong thời gian ngắn, cô gái 9X đã bán được gần hết số cây đã nuôi. Sắp tới, cô gái 9X sẽ tiếp tục mở rộng vườn cây, đầu tư thêm nhiều dòng cây ăn thịt hơn để những người trong và ngoài cộng đồng biết tới, càng quan tâm về cây ăn thịt hơn.
Kỹ thuật nuôi trồng loại cây ăn thịt
Chị Thu cho biết, không cần phải mất quá nhiều công sức để chăm sóc. Bởi vốn dĩ, chúng là loại cây có sức sống mạnh mẽ. Trong đó, người trồng chỉ cần lưu ý ba đặc điểm quan trọng nhất.
Ánh sáng
Những loại cây ăn thịt rất ưa ánh nắng mặt trời tự nhiên từ 4-8 tiếng, nếu trồng trong nhà thì có thể sử dụng đèn chiếu từ 12 tiếng để cây phát triển tốt hơn, kích thích lên màu, quang hợp. Song, người trồng cần tránh phơi dưới ánh nắng trực tiếp, cây sẽ dễ chết khô vì thiếu nước.
Chị Thu xem cây bắt mồi như là bạn của mình. |
Lượng nước
Người chăm sóc nên tưới cây 2 lần/ngày, mỗi lần từ 3-5 phút. Nếu không có thời gian tưới cây, chúng ta có thể đặt một chiếc dĩa có sẵn nước bên dưới rồi tiến hành quá trình ngâm chậu. Cây ăn thịt sẽ tự hút nước lên để nuôi bản thân. Lưu ý loại cây này khá kén nước. Chúng sẽ không phát triển hoặc thậm chí chết do nước nhiễm phèn chua, có độ pH cao hay có các hợp chất như Clo. Những ngày nắng gắt chỉ cần đổ nhiều nước hơn bình thường một chút, cây sẽ tự sống được mà không cần bón phân.
Chất dinh dưỡng
Điều đặc biệt, cây ăn thịt càng thiếu chất dinh dưỡng càng tốt. Vì vậy, người trồng chỉ cần trộn dớn và một ít đá Perlite để cây bám rễ. Bởi tập tính của cây là tự bắt mồi, tự nuôi từ chất dinh dưỡng của côn trùng. Nếu con người chủ động bắt mồi cho cây ăn thì chúng sẽ đóng nắp lại sớm, khiến cho cây mau chết hoặc chỉ ra lá. Sau một năm, người dùng có thể thay phần đất khác để các cây con tiếp tục lớn lên.