Trái mù u |
Mù u thuộc họ cồng, có nguồn gốc từ Đông Phi, bờ biển Nam Ấn Độ đến Malaysia và Úc. Ngày nay, cây được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới, nhiều nhất là trên đảo Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, cây mù u mọc hoang ở khắp nơi và được người dân nhiều nơi trồng khá phổ biến, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Bến Tre, Cà Mau…). Sản lượng hạt lên đến hàng trăm tấn mỗi năm.
Về miền Tây, chúng ta không khó để bắt gặp những rặng mù u, loài cây gần gũi với người dân Nam Bộ, đi vào đời sống ca dao, dân ca: "Bướm vàng đậu trái mù u/ lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn"; "Nhánh mù u con bướm vàng quanh quẩn, Anh bao chiều tàn thơ thẩn qua sông"… Những buổi sáng nắng lên, những chùm mù u nở trắng trong vườn. Mỗi khi có làn gió thổi qua, làn hương của hoa cứ nhè nhẹ thoảng thơm, một mùi thơm rất dễ chịu. Cây mù u đã gắn bó với dân vùng quê bao đời nay bởi những ích lợi mà nó mang lại cho cuộc sống của họ.
Hoa mù u mọc thành từng cụm |
Mù u là loài cây to, chiều cao khoảng từ 20 - 25 m, cành thấp và tán rộng. Cành non màu lục, tròn, nhẵn, khi về già cành càng chuyển sang màu nâu. Lá mọc đối, phiến lá dày và tương đối cứng. Hoa màu trắng mọc ở kẽ lá và đầu cành, kích thước khá to, rộng chừng 25 mm. Hoa có 4 cánh, có mùi thơm. Quả hạch, hình cầu, vỏ ngoài mỏng, vỏ trong dày, nhân cứng màu xanh, khá tròn. Quả mù u khi chín sẽ chuyển sang màu vàng hoặc đỏ nâu..
Thời xưa, người dân miệt vườn Nam Bộ thường trồng mù u quanh vườn để dùng vào nhiều công việc. Cây gỗ lớn được dùng làm cột dựng nhà, cây nhỏ hay không thẳng được xẻ lấy ván đóng tủ, bàn… Loại gỗ này rất bền, ít bị mối mọt, thời gian sử dụng lâu dài. Lá mù u rụng, được nhóm lại rồi đốt lên đuổi muỗi. Để thắp sáng, người ta nhặt trái mù u rụng, phơi khô, xỏ xâu rồi đốt lên hoặc ép dầu thắp đèn. Đèn mù u tỏa sáng những xóm nghèo, thắp lên niềm hy vọng đổi đời.
Thành phần hóa học trong hạt và nhựa mù u
Quả mù u thường được ép lấy tinh dầu |
Người ta thường thu hoạch quả mù u và ép lấy tinh dầu. Bên cạnh đó, nhựa của cây cũng có thể sử dụng như một bài thuốc dân gian. Nhựa từ cây mù u thu hoạch quanh năm, làm khô rồi tán thành bột.
Theo phân tích thì trong hạt mù u chứa khoảng 41% đến 51% tinh dầu, ngoài tinh dầu thì trong hạt mù u cũng chứa cả nhựa.
Lúc mới ép, tinh dầu mù u nhìn rất sánh, có màu xanh lục, vị hơi đắng. Tuy nhiên đến khi loại bỏ nhựa, tinh dầu bắt đầu lỏng hơn, màu sắc chuyển sang nâu vàng. Loại tinh dầu này chứa nhiều nhóm axit như linoleic, oleic, palmitic, stearic và một số thành phần khác.
Phần nhựa mù u phân tách từ tinh dầu sở hữu màu nâu sẫm đặc trưng. Nhựa tách từ quả mù u có khả năng tan trong một số chất dung môi như dầu, cồn, Benzen. Trong khi phần nhựa lấy từ thân cây hay được dùng làm thuốc, màu xanh lục hơi nhạt.
Tác dụng của mù u trong điều trị bệnh
Cho đến nay cả Đông y, Tây y đều công nhận phần nào tác dụng điều trị bệnh của tinh dầu và nhựa mù u.
Tinh dầu từ cây mù u trị mụn nhọt rất tốt |
Theo Tây y
Sau quá trình nghiên cứu, người ta nhận thấy rằng mù u sở hữu khá nhiều dược tính đặc biệt. Chẳng hạn như:
Hợp chất Calophyllolid trong mù u có khả năng giảm phù nề (theo thực nghiệm trên chuột bạch).
Tinh dầu mù u hỗ trợ làm lành vết thương nhẹ khá nhanh.
Trong vỏ và thân của cây mù u chứa một hợp chất dễ tương tác với amphetamin và barbituric làm hạ huyết áp, giúp người dùng ngủ ngon hơn.
Các hợp chất tìm thấy trong rễ mù u hỗ trợ hạ huyết áp, làm mát cơ thể.
Tinh dầu mù u hỗ trợ trị ghẻ lở khá hiệu quả, là thành phần có mặt trong nhiều loại thuốc trị bỏng, trị mụn nhọt.
Hiện nay, không ít cơ sở y tế đã ứng dụng chế phẩm chứa tinh dầu mù u vào phác đồ điều trị vết thương, điều trị bỏng. Kết quả cho thấy những loại tinh dầu này kháng khuẩn khá hiệu quả, giúp làm sạch mủ và ngăn chặn mùi hôi xuất hiện trên vết thương.
Theo Đông y
Trong Đông y, từ lâu người ta đã biết sử dụng nhựa và tinh dầu mù u điều trị các chứng bệnh thường gặp. Nhựa mù u nguyên chất thường có màu xanh lục nhạt, vị đắng hoặc hơi mặn, tính hàn hỗ trợ giải độc tốt.
Tinh dầu ép từ quả mù u hat được dùng để điều trị chứng bệnh da liễu. Trong khi đó nhựa mù u cũng có khả năng trị mụn nhọt khá hiệu quả, trị chứng họng sưng gây khó nuốt.
Nhựa mù u khi kết hợp cùng một vài loại thảo dược khác còn hỗ trợ điều trị chứng loét chân răng, cầm máu chân răng. Tuy vậy, quá trình điều trị chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn áp dụng đúng bệnh, đúng hướng của thầy thuốc.
Một số bài thuốc dân gian từ mù u
Trong dân gian, người ta chủ yếu dùng mù u để trị bệnh ngoài da và răng miệng. Sau đây là 3 bài thuốc cụ thể.
Bài thuốc trị loét chân răng: Trộn nhựa mù u cùng bột đại hoàng rồi bôi vào vị trí chân răng, thực hiện liên tục trong ngày.
Bài thuốc trị ghẻ lở: Dùng hạt mù u giã dập hoặc lấy tinh dầu kết hợp cùng với vôi và đem đun nóng. Sử dụng hỗn hợp này bôi lên vùng da bị ghẻ lở 2 đến 3 lần trong ngày cho tới khi khỏi bệnh.
Bài thuốc trị chảy máu chân răng: Sử dụng rễ mù u kết hợp cùng rễ câu kỷ tử theo tỷ lệ 1:1, đem cả 2 nguyên liệu này sắc lấy nước. Ngậm nước vừa sắc trong một vài phút.
Một số bài thuốc hướng dẫn trên đây mặc dù đơn giản nhưng chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng. Bởi nếu lạm dụng bừa bãi, tình trạng bệnh dễ trở nặng, khiến thuốc phản tác dụng.