Cây lộc bình giúp nông dân Hậu Giang khá lên |
Cây lục bình (tên khoa học: Eichhornia crassipes solms), hay còn gọi với các tên khác như cây bèo Tây, bèo Nhật Bản, phù bình… là loại cây có năng suất rất cao nhưng đồng thời cũng được liệt kê vào danh sách 10 loài cỏ dại đáng sợ trên thế giới.
Cây lục bình, miền Bắc gọi là cây bèo Tây. Loài cây hầu như chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc lại được đánh giá là có nhiều công dụng rất hay, có nhiều ích lợi cho đời sống.
Cây bèo tây mọc cao khoảng 30 cm với dạng lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt, gân lá hình cung dài, hẹp. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Ba lá đài giống như ba cánh. Rễ bèo trông như lông vũ sắc đen buông rủ xuống nước, dài đến 1 m.
Sang hè cây bèo nở hoa sắc tím nhạt, điểm chấm màu lam, cánh hoa trên có 1 đốt vàng. Có 6 nhuỵ gồm 3 dài 3 ngắn. Bầu thượng 3 ô đựng nhiều noãn, quả nang. Dò hoa đứng thẳng đưa hoa vươn cao lên khỏi túm lá.
Cây bèo tây sinh sản rất nhanh nên dễ làm nghẽn ao hồ, kinh rạch. Một cây mẹ có thể đẻ cây con, tăng số gấp đôi mỗi 2 tuần.
Chế biến nhiều món ăn ngon
Mấy năm gần đây, cũng từ loài cây này, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, còn biến tấu để làm ra món ăn mới, vừa lạ vừa quen nhưng độ ngon thì miễn bàn. Bà Nga nhớ lại: “Tình cờ được người quen chiêu đãi món gỏi lục bình, ăn thấy ngon nên tôi mày mò, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn để làm ra món dưa lục bình. Ban đầu, chỉ làm thử vài keo để ăn, dần dần sản phẩm được nhiều người thích, tin dùng nên làm số lượng lớn để bán, có thêm thu nhập”.
Để làm dưa lục bình thì phải lựa chọn kỹ nguyên liệu ngó lục bình mà người dân quen gọi là cọng lạp xưởng (nối giữa hai nhánh lục bình). Cắt về, rửa sạch, thêm ít gia vị, ngâm chua vậy là có ngay món ngon cho cả nhà.
“Cây lục bình có công rất lớn đối với sự đổi thay của quê hương, nhất là giúp nhiều người thoát nghèo. Thân, ngó và rễ lục bình đều được tận dụng, không bỏ thứ gì hết. Chúng tôi đã thành lập tổ hợp tác, nhưng chưa lên được OCOP. Hễ có khách đặt là làm. Hiện tại, tôi có một mối ở Thủ đô Hà Nội đặt đều đều 30 ký để bán lại, giá mỗi ký 120.000 đồng. Mỗi đợt làm, gia đình cầm chắc 3,6 triệu đồng (chưa trừ chi phí), đó là chưa kể những mối ngoài”, bà Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Nga, có khi khách đặt hàng liên tục, ngày làm 30kg, cả nhà làm không ngơi tay. Khách hàng chủ yếu là do người này giới thiệu người kia hoặc khách hàng mua về dùng thử thấy ngon nên đặt hàng tiếp và bán online.
Ít vốn, nhẹ công nhưng hiệu quả kinh tế từ món dưa ngó lục bình mang lại đủ để chi tiêu trong nhà. Cứ như vậy, không chỉ bà Nga mà nhiều chị em khác ở Hậu Giang nhờ lục bình có thu nhập ổn định.
"Đẻ" ra bộn tiền
Nghề đan lục bình đã giúp nhiều chị em phụ nữ rủng rỉnh tiền |
Anh Trần Văn Thắng (xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Trước đây lục bình mọc dày đặc trên sông, người dân phải thay nhau đi vớt, rồi đốt bỏ. Bây giờ lục bình rất có giá trị, được các công ty thu mua về làm các sản phảm đan lát như túi xách, giỏ…
“Tui làm nghề cắt lục bình mướn, mỗi kg được 500 đồng, mỗi ngày cắt vài trăm ký, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng”, anh Thắng nói.
Chị Dương Thúy Hằng, ở ấp 8, xã Thuận Hưng phấn khởi cho biết: Lục bình sau khi cắt được mang lên bờ phơi khô, xếp thành lọn nhỏ rồi buộc lại thành bó để giao cho công ty. Thông thường nếu lục bình đẹp thì cứ 12kg tươi sẽ được 1kg khô thành phẩm. Còn lục bình non, xấu thì khoảng 13-14kg tươi được 1kg khô.
Từ những cọng lục bình xanh, xốp, sau khi phơi đủ nắng và qua khâu xử lý sẽ cho ra những sợi mềm mại, dai và bền, dễ dàng đan lát, được người tiêu dùng ưa chuộng đa dạng mẫu mã và thân thiện với môi trường. Giá thu mua mỗi kg lục bình khô của công ty là khoảng 15.000 đồng.
Không chỉ phần cọng, bây giờ rễ lục bình cũng được nhiều nơi thu mua, làm thành phân bón hữu cơ. Với 1 tấn rễ lục bình, bà con cũng có thêm khoảng nửa triệu đồng.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm ra từ lục bình |
Bà Nguyễn Hồng Thắm, chủ vựa thu gom lục bình ở ấp 10, xã Thuận Hưng, cho biết: Trước đây, cắt lục bình toàn bỏ rễ, bây giờ có công ty thu mua nên bà con có thêm tiền phụ kinh tế gia đình mà con sông cũng bớt ô nhiễm. Hiện nay, giá rễ lục bình được thu mua tại vựa từ 300-400 đồng/kg (loại tươi).
"Toàn ấp 10 có 7 chị em thu gom cọng và rễ lục bình, vô bao, vận chuyển về nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại ấp 11, thị trấn Vĩnh Viễn. Khoảng 2 tuần công ty lấy một lần, 1 tháng rưỡi khoảng 50 tấn”, chị nói.
Không chỉ giúp nông dân hái ra tiền, cây lục bình còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các chị em phụ nữ. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã mở hàng hàng lớp dạy nghề đan lục bình; với hàng trăm ngàn phụ nữ theo học.
Chị Trần Thị Mến (tỉnh Hậu Giang) cho biết, những năm trước gia đình rất khó khăn, nghề nghiệp không ổn định. Năm 2018, chị tham gia học nghề đan lục bình. Sau đó, chị được Hội LHPN xã giới thiệu nhận hàng gia công tại nhà, thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng.
Ban đầu chị Mến chỉ nhận làm gia công, nhưng hiện nay chị đã mở hẳn cơ sở thủ công mỹ nghệ, thu mua và phân phối nguyên liệu cho nhiều chị em khác cùng làm. Hiện tại mỗi tháng chị Mến có thu nhập tăng lên từ 5-7 triệu đồng.
Theo chị Mến, nghề này không làm giàu, nhưng giúp chị em có nguồn thu nhập thêm ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi, vừa tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình nên ai cũng phấn khởi.
Từ thân phận “bèo dạt mây trôi”, cây lục bình đã có bến đỗ bình yên, bước lên làm đẹp cho đời theo cách riêng của nó.
"Tím lịm tìm sim" - loại cây dại có nhiều công dụng hay ho với sức khỏe |
3 loại cây dại từng bị nhà nông nhổ bỏ nay hóa thuốc quý |
Bỏ phố về quê trồng cây dại, tưởng làm chơi hoá ra lại ăn thật |