Anh Chương giới thiệu về trái nhàu |
Sinh ra và lớn lên ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), Khưu Văn Chương, theo đuổi ngành công nghệ thông tin hơn 10 năm ở TPHCM nhưng đến năm 2018, Chương táo bạo rẽ lối, bỏ phố về quê lập nghiệp với trái nhàu, một trong những loại trái rất nhiều và… tầm thường ở quê mình.
Với tâm niệm công việc hạnh phúc là công việc mang lại lợi ích cho mình và mọi người xung quanh đồng thời có thể hỗ trợ bà con quê nhà, Chương đau đáu với suy nghĩ: “Trong nam y, trái nhàu từ lâu được biết đến như một loại dược liệu quý với hơn 150 hoạt chất giúp nâng cao sức khoẻ và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như đau nhức xương khớp, mất ngủ, tim mạch, tiểu đường. Ngoài ra, ít ai biết trái nhàu còn có công dụng hỗ trợ làm đẹp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại Việt Nam, trái nhàu chưa được khai thác tối đa giá trị, đa phần người dân chỉ sử dụng nhàu để ngâm rượu trị đau nhức. Tại Cà Mau, một số nông dân trồng nhàu cung cấp nguyên liệu thô cho thương lái, nhưng giá trị không cao, đầu ra thiếu ổn định. Nước cốt nhàu có quá nhiều lợi ích, cũng đã xuất hiện trên thị trường nhưng đây là sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ với giá thành quá cao, vì sao mình không tận dụng sản vật quê mình để sản xuất ra những sản phẩm hữu ích?”.
Từ đó, Chương mày mò tìm hiểu công thức chế biến trái nhàu thành nhiều sản phẩm. Sau một thời gian thử nghiệm và được thị trường chấp nhận, Chương quyết định đầu tư quy trình sản xuất hẳn hoi để chế biến ra những sản phẩm tinh chế vừa nâng cao giá trị cây nhàu, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Trong quá trình học hỏi, tìm hiểu, Chương tiếp cận với nhiều cán bộ khuyến công, khuyến nông tỉnh Cà Mau, anh bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu trồng nhàu hữu cơ trên diện tích 5 ha của gia đình tại ấp Công Nghiệp, xã Lợi An và thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SK NONI.
Trong quá trình xây dựng nhà xưởng, anh được sự hỗ trợ rất lớn từ vợ, chị Văn Kim Loan, từ việc thiết kế bao bì, nhãn hiệu đến việc xúc tiến quảng bá sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội, xây dựng thương hiệu... Hầu hết các công đoạn sản xuất, cả vợ chồng anh đều trực tiếp làm cùng với nhân công của mình.
Chị Văn Kim Loan, vợ anh Chương cho biết, để xây dựng thương hiệu nước cốt trái nhàu uy tín và chất lượng trên thị trường, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SK NONI đã triển khai thủ tục cần thiết như: tiến hành kiểm nghiệm mẫu sản phẩm theo định kỳ, kiểm tra an toàn vệ sinh cơ sở sản xuất, công bố sản phẩm trước khi lưu hành. Được Sở Công thương tỉnh giới thiệu, vợ chồng chị đã đưa sản phẩm tham gia các hoạt động quảng bá như dự các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, tham gia các chương trình khởi nghiệp do tỉnh Cà Mau tổ chức. Công ty cũng đã triển khai việc đăng ký bảo hộ thương hiệu SK NONI công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Hiện tại, sản phẩm nước cốt nhàu nguyên chất SK NONI JUICE đang được tiêu thụ ở nhiều nơi trên cả nước và có mặt trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki…
Sản phẩm nước cốt trái nhàu |
Anh Chương và chị Loan phấn khởi cho biết, tới đây, công ty sẽ hoàn thiện cơ sở sản xuất và thiết bị máy móc đạt chuẩn GMP (hệ thống các tiêu chuẩn thực hành sản xuất với mục đích kiểm soát các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành chất lượng của sản phẩm, nhằm đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng tốt nhất), để xuất khẩu chính ngạch, đưa sản phẩm tiến xa ra các thị trường quốc tế như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Úc.
Với sự hỗ trợ của ngành khuyến công tỉnh Cà Mau về mẫu mã sản phẩm, các loại thủ tục, giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm cũng như kinh phí, công ty đang xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ và đa dạng hoá sản phẩm để phù hợp từng đối tượng khách hàng như trái nhàu khô, bột nhàu, cao nhàu, nước uống đóng lon hương nhàu
Tiến tới việc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, ngoài việc gia tăng chất lượng sản phẩm, công ty đang làm chứng nhận vùng trồng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nâng cấp máy móc, mở rộng nhà xưởng, tạo ra các sản phẩm theo định hướng phát triển bền vững và bám sát tiêu chuẩn hữu cơ theo mô hình khép kín từ sản xuất đến thương mại hoá sản phẩm với triết lý sản xuất tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của cây trồng, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
Sản phẩm rượu trái giác |
Với đam mê về cá đồng, yêu thích những cánh rừng, vợ chồng cô Nguyễn Hồng Nhẫn - người từ xứ Đầm Dơi về miệt U Minh (Cà Mau) sinh sống từ năm 1996 - quyết định mua mảnh rừng với diện tích khoảng 30ha để lập nghiệp. Đất không phụ lòng người, sau thời gian canh tác, cải tạo, mảnh rừng của gia đình cô ngày càng trù phú, dẫn gọi được nhiều loại chim, cò về đây sinh sống, làm tổ. Kể từ đó, vợ chồng cô quyết định mở khu du lịch sinh thái ngay trên mảnh rừng của gia đình để giới thiệu với du khách về rừng và những món ngon dân dã nhưng không kém phần đặc sắc của U Minh.
Trong quá trình canh tác trên đất rừng, cô Nguyễn Hồng Nhẫn nhận thấy nơi đây trái giác mọc nhiều nên nhớ đến công thức gia truyền của ông nội khi xưa dạy là loại trái này có thể ủ thành rượu uống như một loại thuốc bổ tốt cho xương khớp. Vậy là cô quyết định làm thử. “Mẻ đầu tiên ủ thành phẩm, ba chồng tôi có rót ra mời một đoàn khách ghé nhà dùng cơm, những người trong đoàn đều khen rượu thơm, ngon và có vị lạ đặc trưng. Sau lần mời đó, họ có ý hỏi mua về làm quà. Từ đó, tôi mới có ý định ủ rượu trái giác để bán”, cô Nhẫn tâm sự.
Qua nhiều lần làm thử nghiệm và cải tiến quy trình, cô Nguyễn Hồng Nhẫn cùng gia đình đã cho ra rượu trái giác thành phẩm an toàn sức khỏe như ngày nay. “Gia đình tôi đặt tiêu chí an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết, nên sản phẩm làm ra phải thật kỹ lưỡng. Tôi làm theo công thức xưa do ông bà dạy, rồi gia giảm cho vừa vị. Sau đó, đứa con gái lớn của tôi học về ngành hóa – sinh học sẽ đem phân tích nồng độ, thành phần trong rượu rồi mới bán”, cô Nhẫn kể tiếp.
Cô Nhẫn chọn những trái giác chín về ủ rượu |
Từ những mẻ rượu làm thử, khoảng vài lít mỗi đợt, được đựng trong chai nhựa thô sơ, thị trường là các vị khách quen đến nhà, sau 10 năm rượu trái giác của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn nay đã hoàn thiện rất nhiều về chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh cùng các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,... Với mức giá 180.000 đồng/chai, dung tích 750ml, khoảng 360.000 đồng cho một cặp rượu trái giác được đóng gói cẩn thận, sang trọng có thể làm quà tặng cho những ai một lần ghé thăm Cà Mau. Mỗi năm gia đình cô Nguyễn Hồng Nhẫn ủ 2 đợt rượu trái giác, tổng cộng khoảng 700 lít, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Việc này đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình cô. Ngoài ra, cô Nhẫn còn giúp tạo việc làm theo thời vụ cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương.