Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng của Hà Nội được cải thiện Dấu hiệu cơ thể đang "kêu cứu" vì thiếu chất Trứng gà và trứng cút, loại nào giàu dinh dưỡng hơn? |
Su hào là một thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ |
Đặc điểm su hào
Su hào hay còn được gọi là cải bông, phiết làn, giới lan, giá liên. Tên khoa học là Brassica oleracea var. gongylodes. Một loại cây thuộc họ Cải.
Su hào là một giống cây trồng thân thấp và mập của cải bắp dại. Được chọn lựa vì thân mập, gần như dạng hình cầu, chứa nhiều nước của nó. Su hào được tạo ra từ quá trình chọn lọc nhân tạo để lấy phần tăng trưởng của mô phân sinh ở thân, mà trong đời thường được gọi là củ.
Củ su hào có dạng hình tròn dẹp, phần vỏ củ màu xanh nhạt. Phần ruột màu trắng có ngả xanh, khi ăn giòn và vị ngọt. Phần củ mọc trên mặt đất, có kích thước từ nhỏ đến trung bình.
Lá dài, cuống lá tròn và phân chia rõ ranh giới với phiến lá, phiến lá có răng cưa, răng cưa sâu và không đồng đều. Gân lá nhỏ và thưa hơn lá cải bắp, lá su hào thường mỏng hơn lá cải bắp và súp lơ. Lá trên thân sắp xếp theo hình xoáy ốc, khoảng cách giữa các lá phụ thuộc và đặc điểm của giống.
Thân củ đặc biệt tạo nên tên củ su hào |
Hoa su hào mọc thành cụm, thường ở phần ngọn của thân hoặc cuống dài nhô cao khỏi phần củ. Hoa có màu vàng, giống với các loại cải khác trong họ Cải. Hoa su hào nhỏ, có bốn cánh xếp đối diện, tạo thành hình chữ thập. Đường kính trung bình của hoa từ 1,8-2,8cm
Quả su hào thuộc loại quả giác 2 mảnh vỏ, quả sài trung bình từ 8-10cm. Mỗi quả chứa nhiều hạt nhỏ, tròn nâu sẫm hoặc đen. Một cây có tới 800 quả, khi khô quả thường bị tách đôi do vậy cần thu hoạch khi quả bắt đầu chín vàng.
Hoa và quả su hào ít được nhắc và biết đến vì trong thực tế cây thường được thu hoặc để lấy củ trước khi ra hoa và kết quả.
Su hào thường được trồng vào mùa đông hoặc đầu xuân. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch su hào khoảng 50 – 70 ngày.
Su hào thường được trồng phổ biến ở miền Bắc Việt Nam và trồng ở những nơi có nhiệt độ thấp như Lâm Đồng, Đà Lạt.
Thành phần dinh dưỡng có trong su hào
Thành phần hóa học trong thân củ su hào như sau:
Nước: 88%;
Protein: 2,8%;
Gluxit: 6,3%;
Tro: 1,2%.
Các chất khoáng chủ yếu:
Ca: 46 mg%;
P: 50 mg%;
Fe: 0,6 mg%.
Các loại vitamin chủ yếu: carotene -0,15, B1-0,06, B2-0,05; PP-0,2 và vitamin C-40,0mg%.
Công dụng hữu ích khi ăn su hào
Su hào trong đông y có tính mát và vị ngọt thanh, do vây su hào được lựa chọn chế biến thành nhiều món ăn. Không chỉ ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Su hào chứa lượng lớn chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, hỗ trợ chức năng của ruột. Chất xơ trong su hào giúp duy trì vi khuẩn có lợi trong đường ruột ở mức cân bằng, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như táo bón, bệnh trĩ và ung thư ruột kết.
Hỗ trợ giảm cân
Su hào chứa đến 91% là nước và chất xơ, cùng với lượng calo rất thấp, nên rất phù hợp cho người muốn giảm cân. Bổ sung su hào trong bữa ăn không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn hỗ trợ sức khỏe tim mạch vì không chứa cholesterol và chất béo bão hòa.
Ngăn ngừa ung thư
Su hào có chứa các hợp chất phytochemical, đặc biệt là glucosinolates, có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Tăng cường hệ miễn dịch
Su hào chứa nhiều vitamin B6, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein, phát triển tế bào hồng cầu và chức năng miễn dịch. Vitamin B6 tham gia vào quá trình sản xuất tế bào bạch cầu và tế bào T, những loại tế bào miễn dịch chống lại các chất lạ và giúp tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch.
Ngoài ra, su hào còn chứa hàm lượng vitamin C dồi dào, hỗ trợ chức năng của tế bào bạch cầu, từ đó giúp hệ thống miễn dịch thêm khỏe mạnh.
Điều hòa huyết áp
Hàm lượng kali trong su hào giúp điều hòa huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu, giảm căng thẳng trên hệ tuần hoàn, động mạch và mạch máu, từ đó tăng cường tuần hoàn máu. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Củng cố sức khỏe xương
Su hào giàu các khoáng chất như mangan, sắt, và canxi, cần thiết cho sự phát triển và duy trì độ chắc khỏe của xương. Việc bổ sung su hào trong chế độ ăn có thể giúp người cao tuổi phòng ngừa loãng xương và hỗ trợ người trẻ trong việc duy trì hệ xương khỏe mạnh.
Tăng cường thị lực
Hàm lượng carotenes và beta-carotene trong su hào có lợi cho sức khỏe mắt, giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và làm chậm sự phát triển của đục thủy tinh thể.
Chống cảm cúm trong mùa đông
Su hào giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ các vitamin và chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại các loại virus tấn công, đặc biệt là trong mùa lạnh, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, ho và sổ mũi.
Những ai không nên ăn su hào?
Tuy su hào tốt cho sức khỏe nhưng có một số người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn củ su hào:
Người đau dạ dày, trẻ em: Su hào là thực phẩm có thể chế biến được với nhiều cách. Tuy nhiên, nếu ăn sống hàm lượng các chất sẽ cao hơn, song có thể gây đau bụng cho một số người khó tiêu hóa.
Người bị bệnh tuyến giáp: Su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp. Vì thế, những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế dùng su hào.
Người có cơ địa yếu: Theo Đông y, su hào có tính mát, vị ngọt, có tác dụng giải độc, lợi tiểu. Vì vậy các bác sỹ Đông y vẫn khuyên bạn không nên ăn quá nhiều su hào bởi khi ăn nhiều quá trình thanh lọc diễn ra quá mạnh sẽ khiến cơ thể bị hao tổn khí huyết.