Chủ tịch Hoàng Trung Kiên: Chiến lược tạo ra sự khác biệt của sản phẩm VinCaphe Từ “đồng nát kỹ thuật” đến “vua quạt đất Bắc”: Hành trình 25 năm dựng xây Phương Linh |
![]() |
Chú Ba chia sẻ mô hình trồng nhãn kết hợp nuôi ong mật cho thu nhập ổn định. |
Báo Cần Thơ đưa tin, khi mùa nhãn Ido bung nở, thơm ngọt khắp khu vườn xanh um ở khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, từng đàn ong Ý lại rộn ràng bay đi hút mật. Dưới bóng nhãn mát rượi, chú Dương Văn Ba – người được bà con gọi vui là “Ba ong mật” – vừa thong thả kiểm tra các thùng ong, vừa kể về hành trình hơn ba thập kỷ bám đất, bám vườn, tìm hướng làm ăn bền vững.
“Làm nông phải biết đổi mới thì mới sống được!” – câu nói giản dị ấy chính là kim chỉ nam giúp chú Ba năng động, nhạy bén với từng giai đoạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện gia đình, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ.
Năm 1990, rời quê Tân An, Long An sau khi xuất ngũ, chú Ba về Thới An mua 10 công đất làm ruộng. Nhưng không dừng lại ở đó, chỉ ba năm sau, thấy bà con trồng sa pô thu nhập khá, chú mạnh dạn đắp gò trên đất ruộng trồng thử vài chục cây. Khi thấy năng suất và giá bán khả quan, chú mở rộng diện tích, chăm chút cho vườn cây trĩu quả.
Thế nhưng, làm nông vốn chẳng thể đoán trước chuyện mai sau. Sa pô thu hoạch rộ khoảng bốn năm thì chú Ba lại quyết định chuyển sang trồng xen quýt tiều – loại trái “lên ngôi” thời điểm đó. Hai vụ quýt cho thu nhập cao đã giúp gia đình chú cải thiện đời sống. Nhưng rồi, khi quýt tiều bị bệnh vàng lá, không còn cạnh tranh được với quýt Lai Vung, chú Ba tiếp tục đốn bỏ, thử sức với giống nhãn da bò.
Ba công nhãn da bò đầu tiên sau hai năm đã cho gần 5 tấn trái, bán được giá từ 21.000–25.000 đồng/kg. Chú quyết định “hạ” hết diện tích quýt còn lại, mở rộng lên 8 công nhãn, thu hoạch đều đặn 15 tấn mỗi năm.
Song, chẳng có gì bền vững mãi. Sau sáu năm, vườn nhãn da bò lại bị bệnh đầu rồng, chú Ba không nản. Năm 2016, chú cải tạo toàn bộ vườn, chuyển sang giống nhãn Ido. Kết quả, chỉ sau hai năm, nhãn Ido đã cho trái trúng mùa, trúng giá. “Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch 10 tấn trên 5,5 công nhãn, bán giá từ 23.500 đồng/kg”, chú Ba vui vẻ chia sẻ. Nhờ nguồn thu ổn định, gia đình chú đã xây dựng được căn nhà khang trang, mua sắm đủ tiện nghi và thiết bị sản xuất hiện đại hơn.
Không dừng lại ở đó, trong một lần vườn nhãn trổ hoa thơm lựng, một người bạn tặng chú thùng ong “chạy đồng” nuôi thử lấy mật. Ban đầu chỉ để vui, “có tiền cà phê” sau ngày làm vườn, nhưng khi con trai chú lên mạng học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm với nhà vườn lân cận, mô hình nuôi ong mật của chú Ba ngày càng quy củ.
Chú Ba lựa chọn giống ong Italy (ong Ý), nổi tiếng hiền lành, dễ nuôi và cho mật ngon. Từ 5 thùng ban đầu, chú nhân lên hơn 20 thùng. Ong được đặt dưới tán nhãn râm mát, thoáng đãng. Mỗi đợt từ 10–15 ngày, chú thu khoảng 40 lít mật nguyên chất, bán với giá 200.000–300.000 đồng/lít. Mật ong hoa nhãn vàng sánh, ngọt thanh, được nhiều khách hàng trong và ngoài vùng ưa chuộng. Đặc biệt, con trai chú còn bán “online”, giúp sản phẩm đi xa hơn, thu nhập nhờ thế càng ổn định.
“Nuôi ong ít tốn vốn, nhẹ công chăm sóc mà hiệu quả lắm!”, chú Ba chia sẻ bí quyết: đặt ong đúng chỗ, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh tổ, xử lý bệnh hai tháng một lần để đàn ong luôn khỏe mạnh.
Trong xóm, nhiều hộ cũng bắt đầu học theo mô hình kết hợp vườn nhãn với nuôi ong mật của chú Ba. Chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội sẵn sàng hỗ trợ vốn vay, tạo điều kiện nhân rộng mô hình này. Qua đó, không chỉ riêng gia đình chú Ba mà nhiều hộ dân khác cũng có cơ hội tăng thu nhập, vươn lên khấm khá, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Một vườn cây xanh mướt, những thùng ong rộn ràng bay về tổ, những giọt mật vàng óng ánh – đó là thành quả từ bao năm kiên trì, dám nghĩ, dám làm của người lính cụ Hồ ngày nào. Hành trình ấy có lúc gập ghềnh, có lúc vất vả, nhưng tựa như chính những con ong không ngừng bay, chú Ba chưa bao giờ dừng lại trên con đường tìm kiếm hướng đi bền vững cho mình và cho cả quê hương Thới An.
![]() |
![]() |