Chuyển đổi số mở lối phát triển cho doanh nghiệp tư nhân Chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh để phát triển bền vững Giải pháp logistics giúp doanh nghiệp vững bước |
Bắt đầu từ con số âm: Khởi nghiệp bằng niềm tin và kỷ luật sắt
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thanh Chương, Nghệ An, ông Trần Văn Lê từng trải qua đủ nghề để mưu sinh – từ bốc vác, buôn chuyến cho đến sửa chữa thiết bị cũ. “Người ta gọi tôi là Lê đồng nát, nhưng tôi luôn nghĩ mình là người làm kỹ thuật. Từ những món đồ cũ, tôi học cách phục hồi giá trị và sống bằng trí tuệ, không chỉ bằng sức lực,” ông Lê chia sẻ.
![]() |
Ông Trần Văn Lê – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh. |
Khởi đầu bằng việc tân trang động cơ, máy bơm, quạt gió đã qua sử dụng, ông Lê nhanh chóng nhận ra cơ hội lớn trong lĩnh vực thiết bị thông gió, đặc biệt là quạt công nghiệp – một thị trường còn sơ khai ở Việt Nam thời điểm đó. Năm 2000, Công ty Phương Linh ra đời, với một xưởng nhỏ kiêm cửa hàng bán đồ cũ.
Khó khăn đỉnh điểm đến vào năm 2005 khi ông Lê nhận đơn hàng đầu tiên sản xuất 7 chiếc quạt cho một công ty chè ở Sơn La. Chỉ với khoản đặt cọc ít ỏi, ông Lê vẫn quyết vay mượn để làm. Sau bốn lần sản xuất và bị trả hàng vì sai kích cỡ, ông tưởng chừng gục ngã. “Lúc đó tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ trốn vì không biết lấy gì trả nợ,” ông nhớ lại. Nhưng lần thứ năm, sau khi trực tiếp đo đạc, ông sản xuất thành công 7 chiếc quạt đường kính 1,2m, mở ra con đường phát triển thần tốc cho Phương Linh.
Từ trải nghiệm đó, ông Lê ngộ ra rằng: “Kinh doanh không thể mơ hồ. Muốn thành công, phải học, phải khảo sát, phải làm mẫu.” Cũng từ đó, ông bắt đầu hành trình học hành nghiêm túc, từ kỹ thuật đến quản trị, tài chính, marketing.
“Lúc người ta đi chơi, tôi học. Khi người ta ngủ, tôi làm. Mỗi ngày 17-18 tiếng là chuyện thường. Nhưng khi bạn có khát vọng và năng lượng, thì mọi thứ đều vượt qua được,” ông Lê nói.
Xây thương hiệu từ sự khác biệt: Quạt công nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường
Sau 25 năm, Phương Linh đã có hai nhà máy lớn ở khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) và Long An, cùng 8 showroom trên cả nước. Gần 400 nhân sự vận hành một hệ sinh thái sản xuất – kinh doanh đồng bộ, hiện đại, chuyên sâu trong lĩnh vực quạt công nghiệp và thiết bị xử lý không khí.
![]() |
Sau 25 năm, Phương Linh đã có hai nhà máy lớn ở khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) và Long An, cùng 8 showroom trên cả nước. |
Cốt lõi thành công, theo ông Lê, là khác biệt và công nghệ. “Chúng tôi không cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng, dịch vụ và uy tín. Tất cả sản phẩm đều sản xuất bằng máy móc châu Âu, ứng dụng tự động hóa cao. Kẻ làm nhái không thể theo kịp.”
Bên cạnh đó là sự đầu tư nghiêm túc vào quản trị. Phương Linh hiện vận hành theo hệ thống ERP chuẩn Đức, các bộ phận hành chính, tài chính, marketing, sản xuất… làm việc theo quy trình bài bản. “Tôi chỉ ký những thứ đặc biệt. Dù đi công tác nước ngoài, hệ thống vẫn vận hành trơn tru.”
Tầm nhìn của ông Lê là đưa Phương Linh trở thành tập đoàn sản xuất cơ điện số 1 Việt Nam và Đông Nam Á. “Chúng tôi đang hướng đến các chỉ số chất lượng theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu để xuất khẩu vào các thị trường như Canada, Đức, Mỹ và Ấn Độ. Mục tiêu từ nay đến đầu 2026 là có những đơn hàng quốc tế đầu tiên,” ông chia sẻ.
Cạnh tranh trong ngành công nghiệp phụ trợ, theo ông Lê, không nằm ở giá rẻ mà ở sự đồng hành và giá trị thực. “Thương hiệu phải tạo được niềm tin, niềm vui và hạnh phúc cho khách hàng. Khi họ tự tìm đến mình, đó là thành công bền vững.”
Khát vọng vì một Việt Nam sạch và sứ mệnh của một nhà lãnh đạo
Ông Lê luôn nhấn mạnh: “Tôi không chỉ làm kinh tế, mà đang thực hiện một sứ mệnh – vì một Việt Nam xanh.” Các sản phẩm của Phương Linh như quạt công nghiệp, máy hút – lọc bụi… đều hướng tới mục tiêu xử lý không khí, cải thiện môi trường sống. “Khi trái đất đang nóng lên, khi ô nhiễm không khí trở thành thách thức toàn cầu, đó là cơ hội để chúng tôi đóng góp.”
Để lan tỏa tư duy tích cực, ông Lê luôn chia sẻ tri thức với cộng đồng khởi nghiệp: “Các bạn trẻ cần có khát vọng, lòng biết ơn và sự kiên trì. Hãy học để thay đổi số phận, chọn con đường khó, và đi đến cùng. Tôi sẵn sàng chia sẻ để các bạn không vấp phải những bài học đau đớn như tôi từng trải qua.”
Ông cũng tâm huyết trong việc đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận – chính là các con của mình. “Sự kế thừa không thể áp đặt. Phải huấn luyện bằng đam mê, bằng gương mẫu và kỷ luật. Phương Linh có sườn giá trị rõ ràng – ai vào cũng phải tuân thủ. Đó là cách để thương hiệu sống hàng chục năm nữa.”
Gia đình, theo ông, là nền tảng quan trọng nhất. “Tôi vẫn ăn cơm vợ nấu mỗi ngày. Nếu không có một tổ ấm vững chắc, không ai có thể vươn xa. Gia đình yên ổn thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.”
Kết lại, khi được hỏi về định nghĩa thành công, ông Lê trầm ngâm: “Thành công là hiện thực hóa được khát vọng, mang lại điều tốt đẹp cho gia đình, xã hội. Chứ giàu mà không mang lại giá trị thì chỉ là phù phiếm.”