Cây sim rừng, hay còn được biết đến với nhiều cái tên khác như hồng sim, đào kim nương, cương nhẫm, dương lê,… Đối với thế hệ 8X, 9X, đây là thức quà vặt quá đỗi thân thuộc của tuổi thơ. Sim rừng thường mọc dại, xuất hiện nhiều tại các cánh rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi hay tại các vùng đảo như Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Nhưng theo thời gian, người dân khai hoang đất để làm nông, diện tích cây cũng bị thu hẹp đi nhiều.
Khoảng 10 năm trước, quả sim rừng không được mấy ai dùng đến, cho rằng đây chỉ là loại quả dại không có giá trị kinh tế. Thế nhưng có những người lại đi ngược với suy nghĩ này, đem loài cây dại về trồng với quy mô lớn để làm giàu.
Trong khi cả làng đổ xô đi trồng quế, sắn để phát triển kinh tế, gia đình chị Nông Thị Phiến lại chặt bỏ bồ đề để trồng sim |
Gia đình chị Nông Thị Phiến là “hiện tượng hiếm” ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) trồng thành công cây sim thu tiền triệu mỗi ngày.
Đây là năm thứ 2 gia đình chị thu trái ngọt sau từ khi đưa các gốc sim về trồng thử nghiệm. Mỗi ngày gia đình chị còn đón hàng chục lượt khách đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch quả sim chín tại vườn.
Chị Nguyễn Thị Phiến chia sẻ: Năm 2019, qua tìm hiểu trên internet, tôi biết đến mô hình trồng sim thu hoạch quả ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nên đã “khăn gói” vào tận nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tham khảo thực tế, tôi quyết định mua hơn 3.000 cây giống về trồng thử nghiệm trên khoảng 1 ha đất đồi của gia đình. Tất cả chi phí của chuyến đi cùng với mua cây giống hết khoảng 50 triệu đồng.
Năm 2021, gia đình chị Phiến đã thu hoạch được vụ quả đầu tiên với sản lượng khoảng 1 tấn, bán với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 40 triệu đồng. Vụ quả sim năm 2022, đồi sim cho nhiều quả hơn năm trước, ước tính sản lượng đạt khoảng 3 tấn, dự kiến gia đình chị Phiến có thu nhập khoảng 120 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Dám bỏ công việc ổn định ở Hà Nội, anh Khiêm về quê khởi nghiệp với loài cây dại |
Anh chàng cử nhân đại học Nông Chí Khiêm (Bắc Giang) quyết định bỏ công việc tốt ở thành phố để về quê trồng cây dại. Tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, khi ra trường, anh Khiêm xin vào một Đài truyền hình phụ trách kỹ thuật. Đến năm 2014, anh xin nghỉ việc để về quê trồng sim, khởi nghiệp.
"Những ngày đầu bắt tay vào làm sim quả thực là vô cùng vất vả. Vì chẳng có bất cứ một giáo trình, thông tin gì trên mạng về việc trồng sim. Hơn nữa, lấy sim giống ở đâu cũng là một vấn đề, vì không phải loại sim nào cũng cho chất lượng tốt. Nên tôi đành liều một phen là đào tất cả những gốc sim có ở mọi nơi về trồng, qua quá trình làm sẽ đúc rút ra kinh nghiệm" - anh kể.
Theo anh Khiêm, sim có rất nhiều loại nhưng loại mà bán được cho các nhà máy rượu thường phải là sim nếp. Dòng này có ưu điểm là quả to, thịt dày, có mùi thơm và không chát. Anh chia sẻ: “Nếu chọn giống trồng là cây sim tơ thì trồng rất dễ và đạt năng suất cao, ngược lại cây sim già rất khó chăm sóc và dễ chết. Quá trình trồng sim cũng cần chăm sóc và tưới nước thường xuyên để đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển. Hơn nữa, do khí hậu thời tiết hiện nay thất thường nên sim rừng xuất hiện bệnh cháy lá và đốm trắng trên bông ảnh hưởng đến sản lượng trái thu hoạch”.
Sim thường ra hoa vào tháng 3 và cho quả chín thu hoạch vào tháng 6 âm lịch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 9. Trung bình, mỗi cây sim sẽ cho thu hoạch từ 5 - 7kg quả, 1ha sẽ trồng được 1.600 cây sim, trừ hết chi phí sẽ thu về 200 triệu đồng/ha.