Anh Khưu Văn Chương (bên trái) chia sẻ về kỹ thuật lựa chọn trái nhàu chất lượng. |
Về quê khai phá giá trị của trái nhàu
Cây nhàu mọc đầy ở đất U Minh hạ, nhiều sản phẩm từ loại cây này đã được biết đến, nhưng sản xuất bài bản, quy mô thì chưa có ai triển khai. Năm 2018, anh Khưu Văn Chương ấp Công Nghiệp (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) quyết định bỏ phố về quê quyết tâm làm giàu từ cây nhàu.
Theo anh Chương, cây nhàu không xa lạ với người dân nông thôn ở các tỉnh miền Tây. Trước đây loài cây này thường mọc hoang ở những khu đất trống. Về sau, trái nhàu được khai thác để làm thuốc nhiều hơn nên đã có người trồng bán trái.
"Từ xưa, trái nhàu được xem là một loại dược liệu trong việc chữa trị, làm giảm các cơn đau nhức xương khớp, tăng cường sức đề kháng… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thói quen sử dụng và biết được giá trị của loại trái này nên trái nhàu ít được chú ý. Chính điều này càng thôi thúc tôi thực hiện ý tưởng của mình" - anh Chương cho hay.
Trái nhàu được lựa chọn kỹ lưỡng để chưng cất thành nước cốt. |
Qua mày mò tìm hiểu và với vốn kiến thức có được, Chương dành số tiền tích lũy gần một tỷ đồng để chuyển đổi 5ha đất nuôi tôm của gia đình sang trồng hơn 100.000 cây nhàu giống. Sau khoảng 1-1,5 năm, cây nhàu bắt đầu cho những lứa trái đầu tiên và thu hoạch quanh năm. Trung bình mỗi đợt thu hoạch cách nhau từ 20-30 ngày, Chương thu về ít nhất 1kg trái/cây.
Theo anh Chương, cây nhàu sinh trưởng tốt ở vùng đất địa phương. Đây là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Sau khi trồng từ 1-1,5 năm, cây nhàu bắt đầu cho trái; nếu chăm sóc tốt, cây có thể cho trái quanh năm với sản lượng mỗi đợt hái khoảng 1kg/cây (mỗi đợt từ 20-30 ngày).
Anh Chương cho hay, trong thời gian chờ cây lớn, anh tận dụng những cây nhàu có sẵn trong vườn nhà đã cho trái để sản xuất thủ công thử nghiệm nước cốt nhàu. Qua nhiều lần như vậy, gia đình anh chọn được sản phẩm ưng ý nhất, sau đó gửi tặng bạn bè, người thân dùng thử.
Tạo ra sản phẩm nước cốt nhàu được thị trường ưa chuộng
Ðể biến ý tưởng thành hiện thực, anh bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu trồng nhàu hữu cơ trên diện tích 5ha của gia đình tại ấp Công Nghiệp, xã Lợi An và thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SK NONI.
Năm 2020, khi đã tạo dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ ổn định và có được quy trình sản xuất chuẩn, vợ chồng anh Chương quyết định thành lập Công ty SK NONI ngay tại quê nhà, đồng thời đầu tư lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất, có thể cho ra 15.000 lít nước cốt nhàu/năm. Để có được 1 lít nước cốt nhàu thành phẩm, gia đình anh tuyển chọn từ 3-4kg trái nhàu già đã chín. Qua công đoạn làm sạch, trái nhàu được ủ trong khoảng một năm, sau đó lọc lấy nước, pha chế, chiết rót rồi cho ra thành phẩm đem đóng gói, đóng chai.
Hiện tại, sản phẩm nước cốt nhàu nguyên chất SK NONI JUICE đang được tiêu thụ tại 3 thành phố lớn gồm: Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, với khoảng 80% lượng khách hàng. Ngoài ra, sản phẩm cũng đã thâm nhập một số thị trường khác như: Bình Ðịnh, Gia Lai, Biên Hoà, Cần Thơ. Nước cốt nhàu cũng đã được nhiều bà con Cà Mau biết đến và thường mua làm quà tặng bạn bè, người thân trong các dịp lễ, Tết.
Anh Chương cho biết, công ty vừa được tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ. Bên cạnh đó, việc đa dạng hoá sản phẩm phù hợp từng đối tượng khách hàng cũng là yếu tố mà SK NONI đang nghiên cứu và phát triển.
Sản phẩm nước cốt nhàu đã được xuất khẩu. |
Hiện tại Công ty SK NONI đã giải quyết việc làm thời vụ cho một số lao động tại địa phương. Sắp tới, khi việc mở rộng nhà xưởng sản xuất hoàn thiện, SK NONI sẽ hỗ trợ người dân quanh vùng có thêm thu nhập từ việc trồng và bán trái nhàu cho công ty.
Chỉ tính riêng năm 2022, công ty của anh Chương đã bán ra thị trường khoảng 2.000 chai nước cốt nhàu; trong số này đã có các đơn hàng xuất đi nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, anh Chương sản xuất 3 định dạng đóng chai, gồm loại 1.000ml với giá 300.000 đồng, loại 750ml trong chai thủy tinh với giá 380.000 đồng và loại 500ml với giá 180.000 đồng.
Anh Chương cho biết, tới đây, công ty sẽ hoàn thiện cơ sở sản xuất và thiết bị máy móc đạt chuẩn để xuất khẩu chính ngạch, đưa sản phẩm tiến xa ra các thị trường quốc tế như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Úc.
Đánh giá về mô hình sản xuất nước cốt nhàu của anh Chương, Phó chủ tịch UBND xã Lợi An Võ Văn Lạc cho biết: “Đây là mô hình tuy mới ở địa phương nhưng hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích cho tập thể khi góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Thời gian tới, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sẽ đảm bảo tính bền vững cho cây trồng. Nước cốt nhàu là một trong những sản phẩm chúng tôi chọn đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương sắp tới"./.