Bài thuốc hay từ quả lê Ai không nên ăn lê? Tại sao nải chuối quả lẻ có giá đắt hơn quả chẵn ? |
Công dụng của quả lê trong việc trị ho
Quả lê có nhiều dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe được ví là thuốc bổ. |
Quả lê là được nhiều người yêu thích, ngoài vị ngọt và thanh mát khi ăn, loại quả này còn có vô vàn tác dụng với sức khỏe. Vỏ quả lê thường khá mỏng, màu vàng nhạt hoặc hồng nhạt, hơi sần sùi và có các chấm nhỏ li ti màu nâu nhạt. Hình dáng quả thon dài, phần bụng phình ra và thuôn dần về phần cuống, cũng có một số loại lê có hình tròn. Thịt lê màu trắng hoặc hơi ngả vàng, khá dày, mềm, giòn và có hương vị tươi mát, ngọt thanh.
Theo y học Trung Quốc cho rằng, quả lê có chức năng giảm ho và làm ấm phổi, thanh nhiệt, còn có tác dụng khử hỏa nên được gọi là "nước khoáng thiên nhiên". Thậm chí còn có quan điểm cho rằng, ăn một quả lê vào mùa thu còn tốt hơn uống thang thuốc bổ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tây y cũng đánh giá cao tác dụng của quả lê. Tây y cho rằng, lê rất giàu chất xơ giúp nhu động ruột của bạn tốt hơn, giúp ngăn ngừa táo bón, phụ nữ thường xuyên ăn lê có thể có làn da đẹp.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, trong y học cổ truyền, quả lê có vị ngọt, tính mát, hơi chua và có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, dưỡng huyết, nhuận trường, tiêu độc và còn rất nhiều tác dụng khác. Đây là một loại dược liệu rất phổ biến và được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh. Các bệnh thuộc nhiệt, sốt do bệnh phổi, đờm nhiều, viêm họng, viêm khí phế quản và nhiều bệnh khác cũng có thể được chữa trị bằng lê.
Theo bác sĩ Vũ, trong thành phần của quả lê cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin K, kali,... Vì thế, khi ăn quả lê chín sẽ rất tốt cho cơ thể, mọi người có thể ăn để tráng miệng, ăn khi cần bổ sung nước sau thời gian làm việc nặng hoặc ăn như một thứ quà mùa thu.
Bài thuốc trị ho từ quả lê
Ngoài ra, để có thêm nhiều tác dụng với sức khỏe, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ tư vấn, mọi người có thể làm thêm một bước đó là hấp lê cùng một số vị thuốc khác để có tác dụng chữa bệnh. Dưới đây là hai bài thuốc từ quả lê hấp được bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ tư vấn:
Hấp lê là một phương pháp dân gian rất hiệu quả trong việc điều trị ho, đặc biệt là vào những lúc giao mùa khi thời tiết thay đổi đột ngột, dễ gây cảm cúm và ho. Lê là một loại quả có tính mát, giúp làm dịu cổ họng, giảm ho, giải độc, và cung cấp độ ẩm cho cơ thể. Khi kết hợp lê với một số vị thuốc, nó sẽ càng phát huy tác dụng trong việc đánh bay cơn ho. Dưới đây là một số vị thuốc thường dùng để hấp cùng lê:
Cách làm lê hấp táo đỏ mật ong trị ho
Lê hấp táo đỏ là một bài thuốc được lưu truyền trong dân gian từ xa xưa, có tác dụng trị ho an toàn. Món ăn với cách làm vừa đơn giản, vừa ăn khá ngon miệng, đặc biệt còn có thể giải nhiệt cơ thể rất tốt. Lê hấp được kết hợp cùng với các nguyên liệu như táo đỏ, kỷ tử, gừng và mật ong. Với cách làm như sau:
Nguyên liệu: 1 quả lê, 5 trái táo đỏ, 10 hạt kỷ tử, vài lát gừng, 1 quả quất (tắc), 3 thìa cà phê mật ong, một ít muối.
Cách làm: Quả lê rửa sạch (để nguyên vỏ), cắt bỏ phần đầu quả lưu ý giữ nguyên cuống để làm phần nắp. Sau đó khoét rỗng ruột quả. Ngâm táo đỏ và kỷ tử trong nước sạch khoảng 15 phút, gừng thì băm nhỏ. Cho lần lượt từng nguyên liệu đã sơ chế vào quả lê. Hấp cách thuỷ trong khoảng 15 phút với lửa nhỏ. Đợi lê hấp táo đỏ nguội bớt thì vớt ra và thưởng thức.
Cách làm lê hấp táo đỏ đường phèn thanh nhiệt
Món lê hấp táo đỏ đường phèn sẽ có mùi thơm đặc trưng. Khi ăn thì có vị ngọt thanh mát dễ chịu của lê hoà cùng đường phèn, pha thêm chút cay nhẹ của gừng sẽ giúp giảm ho nhanh chóng.
Nguyên liệu: 1 quả lê, 1 quả táo đỏ, 2 muỗng canh đường phèn, 1/4 củ gừng cắt sợi.
Cách làm: Cắt phần đầu của quả lê để riêng rồi khoét phần ruột. Dằm nhỏ phần ruột quả lê ra, bỏ hạt sau đó cho lại vào lòng quả. Táo đỏ cắt nhỏ, gừng cắt sợi rồi cho vào quả lê. Cho thêm 2 muỗng đường phèn vào rồi đậy phần nắp của quả lê đã cắt lên phía trên. Đặt quả lê đã chuẩn bị vào tô để hấp cách thuỷ trong khoảng 30 phút, trên lửa nhỏ.
Lưu khi ý sử dụng
Thích hợp với ho khan hoặc ho có đờm nhẹ. Có thể dùng 1-2 lần/ngày, trong vài ngày liên tục.
Phương pháp này phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên nếu làm món lê hấp táo đỏ trị ho cho trẻ nhỏ thì dùng đường phèn thay cho mật ong và nên hấp lâu hơn, tầm khoảng 20 phút để quả lê chín mềm, dễ ăn hơn. Lê hấp táo đỏ thường được kết hợp với gừng, kỷ tử để tăng tính bổ dưỡng.