Khi sầu riêng chính thức xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng tăng vọt. |
Sầu riêng cần rút ra bài học nhãn tiền để không phải ‘trả giá’
Thông tin từ Tổ điều hành Diễn đàn 970 (Bộ NN&PTNT) đến năm 2024, mức tiêu thụ sầu riêng bình quân đầu người ở Trung Quốc sẽ đạt 93,9 kg và quy mô thị trường sẽ đạt 3,24 nghìn tỷ nhân dân tệ. Nhu cầu tiêu thụ rau quả tại thị trường Trung Quốc đươc dự báo sẽ tăng mạnh nên trái cây Việt Nam có dư địa phát triển tại thị trường tỷ dân này.
Trong khi đó, Việt Nam có hơn 85.000 ha trồng sầu riêng (50% đã cho thu hoạch), trong đó diện tích sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt mới chỉ chiếm hơn 3,5%. Nếu tính thêm phần diện tích sầu riêng đã nộp hồ sơ mã số vùng trồng chờ Trung Quốc phê duyệt lần hai thì tổng diện tích cũng chỉ mới đạt khoảng 7%, rất nhỏ so với toàn bộ diện tích ngành hàng sầu riêng Việt Nam, số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhiều nhưng rủi ro cũng không ít. Ông Cường nhấn mạnh Trung Quốc chỉ cấp nhận những quả sầu riêng được sản xuất, đóng gói tại các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan nước này phê duyệt.
“Sầu riêng là loại cây lâu năm, 3-5 năm mới cho thu hoạch, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Nếu phát triển nóng diện tích trái cây này, nông dân có thể chưa thu hoạch được trái ngọt đã phải rơi vào tình trạng dư cung, mất giá”, ông Cường nói.
Ông Cường dẫn lại bài học của ngành hồ tiêu để thấy điệp khúc “chặt – trồng” không phải là chuyện mới ở nước ta.
Cụ thể theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ duy trì diện tích hồ tiêu ở mức 50.000 ha nhưng đến năm 2017, diện tích hồ tiêu đã lên tới 150.000 ha, gấp 3 lần so với quy hoạch. Sự gia tăng đột ngột về diện tích, sản lượng khiến giá hồ tiêu rớt từ mức đỉnh lịch sử hơn 200.000 đồng/kg xuống còn gần 40.000 đồng/kg.
“Hệ lụy là nhiều nông dân từ tỷ phú thành tay trắng, bài học nhãn tiền vẫn còn nhưng hình như chúng ta mau quên, chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà quên đi cái giá phải trả”, Ông Cường nói.
Nếu phát triển nóng diện tích cây sầu riêng, nông dân có thể chưa thu hoạch được trái ngọt đã phải rơi vào tình trạng dư cung, mất giá |
Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh theo quy định hiện hành không quy hoạch với bất cứ sản phẩm, cây trồng nào. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Ngoài ra, khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp…
Bên cạnh yếu tố hiệu quả kinh tế, việc phát triển nóng diện tích sầu riêng cũng tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, điều nếu bị phát hiện, chúng ta có thể đánh mất thị trường.
Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết cơ quan đã nhận được phản ánh, một số cá nhân nhận ủy quyền làm thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. UBND tỉnh Lạng Sơn đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra vụ việc.
Việc gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hay trà trộn hàng hóa đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo.
“Nếu Trung Quốc phát hiện ra sự việc này, công sức của chúng ta sẽ đổ sông, đổ bể. Chúng ta không chỉ mất uy tín, mà có thể mất cả thị trường. Một người gian lận sẽ ảnh hưởng tới cả ngành hàng sầu riêng, 30 tỉnh trồng sầu riêng và hàng vạn nông dân”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nói.
Sầu riêng xuất khẩu tạo sức hấp dẫn lớn
Ngay sau khi được cấp ‘visa’ vào Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam đã có những dấu mốc xuất khẩu đáng chú ý. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10 vừa qua, xuất khẩu sầu riêng thu về gần 79 triệu USD, tăng 294% so với tháng 10/2021. Mức tăng kỷ lục này đưa sầu riêng trở thành trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tháng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 294 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, chỉ sau thanh long.
Sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng tại thị trường trong nước tăng gấp 2-3 lần, nhiều nhà vườn đổ xô chặt bỏ cà phê, tiêu, điều… chuyển sang trồng sầu riêng mà thiếu sự tìm hiểu về thị trường, quy trình kỹ thuật, gây nguy cơ phát triển nóng về diện tích, bất ổn về cung cầu.
Ông Bùi Phước Hòa, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao xác nhận tình trạng các vườn đang chặt bỏ cây trồng quý để trồng sầu riêng. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, nhiều người sản xuất chưa xác định được giống tốt, tiêu chuẩn thị trường để làm theo, cơ sở đóng gói chưa rõ ràng.
“Khi sản xuất ồ ạt, chúng ta sẽ phải 'giải cứu'. Do vậy, cần có một chính sách chung cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị có chức năng, nghiệp vụ để liên kết và giúp ổn định hệ thống”, ông Bùi Phước Hòa nói.
Trung Quốc chỉ cấp nhận những quả sầu riêng được sản xuất, đóng gói tại các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan nước này phê duyệt. |
Bàn về điều này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng kết quả của ngành nông nghiệp không thể nhìn vào con số tăng tưởng, mà phải xem cách chúng ta tổ chức, vận hành một ngành hàng.
Đơn cử, khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch thì giá bắt đầu tăng và xảy ra hiện tượng nông dân đốn cây, trồng sầu riêng. Đây là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, từng xảy ra với cà phê, hồ tiêu.
“Chúng ta đang quản lý kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường, chúng ta không có quyền áp đặt người dân không được trồng sầu riêng, mà cần cung cấp nhiều thông tin nhất về thị trường để nông dân không nên chuyển rủi ro của ngành hàng này sang ngành hàng khác…
Thị trường không phải một người bán và một người mua, thị trường là trăm người bán và vạn người mua. Chúng ta xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng có thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng cơ quan quản lý cần cung cấp các thông tin, dự báo thị trường, còn nông dân và doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch sản xuất linh hoạt với sự thay đổi của thị trường.
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang tạo sức hút lớn không chỉ với sầu riêng Việt Nam mà cả Thái Lan, Malaysia... Hiện giá sầu riêng tăng cao do nhu cầu thị trường lớn, tuy vậy những quy định về xuất khẩu nghiêm ngặt khiến lượng sầu riêng xuất khẩu hạn chế. Giờ đây, người dân chặt bỏ những cây trồng chủ lực để ồ ạt trồng sầu riêng bất chấp khuyến cáo sẽ tiềm ẩn những rủi ro. Chỉ cần phía Trung Quốc thay đổi “luật chơi” liệu trái sầu riêng sẽ đi về đâu?