Giá sầu riêng đang tăng cao kỷ lục tại một số địa phương. |
Giá sầu riêng lập đỉnh, mỗi ha thu gần 1 tỷ
Từ khi được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung quốc, đầu ra trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang thuận lợi, giá đạt mức kỉ lục. Do đó, hiện nay có hiện tượng nhiều nông dân ở tỉnh Tiền Giang ồ ạt trồng loại cây này kể cả ngoài vùng quy hoạch, vùng đất lúa.
Ở thời điểm này, giá trái sầu riêng Mon Thong gần 100.000 đồng/kg, các giống khác trên dưới 80.000 đồng/kg. Với mức giá này mỗi ha vườn cây sầu riêng cho thu hoạch ổn định sẽ đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Do lãi quá cao nên hiện nay, nông dân ở tỉnh Tiền Giang đầu tư phát triển mạnh cây sầu riêng kể cả trồng ngoài vùng quy hoạch, trồng trên nền đất lúa.
Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích vườn cây sầu riêng toàn tỉnh Tiền Giang đến nay hơn 17.000 ha, vượt kế hoạch đề ra và đạt kế hoạch đến năm 2025 về phát triển cây ăn trái này. Diện tích cây sầu riêng nhiều nhất là huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành…
sự phát triển quá "nóng" của diện tích sầu riêng ở Tiền Giang cũng cảnh báo nhiều nguy cơ. |
Những hệ lụy khi ồ ạt trồng sầu riêng
Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nhà vườn phát triển ồ ạt cây sầu riêng, không được trồng ngoài vùng quy hoạch và khi chưa nắm bắt kỹ thuật thì không nên trồng. Thực tế cho thấy, khi nước lũ về và triều cường dâng cao một số diện tích vườn sầu riêng trồng ngoài quy hoạch bị thiệt hại nặng. Trước đây, nhà vườn địa phương đã chạy theo “phong trào” nhân rộng diện tích thanh long, mít mà ít quan tâm về chất lượng, nay rơi vào cảnh đầu ra bấp bênh.
“Ngành nông nghiệp khuyến cáo trồng ở Bắc quốc lộ 1 và Nam đường cao tốc. Bà con nông dân không nên vội trồng mà cần ổn định diện tích để nâng cao chất lượng sầu riêng. Cây sầu riêng hiện nay đang có giá rất tốt, người dân đang tăng lượng trồng nên ở địa phương không quản lý được vì đây là điều rất khó", ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang chia sẻ.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên vội trồng mà cần ổn định diện tích để nâng cao chất lượng sầu riêng. |
Nhận định về hiện tượng người dân ồ ạt trồng sầu riêng, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: "Trồng rồi lại chặt; đào rồi lại lấp; ế thừa rồi lại mất giá" - gần như là căn bệnh kinh niên trong sản xuất nông nghệp ở Việt Nam. Người nông dân cứ thấy lãi thì đổ xô vào làm, mất mùa thì cả làng cùng bỏ . Khi thị trường trở lại, muốn khôi phục thì có đánh thủng kẻng cũng không mấy ai đến họp hành”.
Nhìn nhận căn nguyên của vấn đề, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho biết thêm: Chung quy lại là "QUẢN LÝ", chúng ta phải có tầm nhìn xa, nhìn bao quát đối với thị trường, định hướng được sự phát triển của thị trường không thể để người nông dân “ăn xổi” theo cách thị trường cần gì thì ồ ạt trồng loại đó, đến khi cung nhiều hơn cầu lại lo đi giải cứu. Không nhanh chóng thay đổi, sửa chữa từ người sản xuất đến người thu mua, chế biến, xuất khẩu và bộ máy làm việc của cả hệ thống chính trị thì ắt 1 ngày nào đó " sầu riêng sẽ thành sầu chung".
Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội rất lớn của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi phải tuân thủ các quy định rất khắt khe. Hiện tượng người dân ồ ạt trồng sầu riêng mà không tuân thủ các khuyến cáo của chính quyền địa phương sẽ dẫn tới vỡ quy hoạch. Khâu quản lý, cấp mã số nếu không làm chuẩn mực sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, nguy cơ mất thị trường. Khi đó, câu chuyện về trái sầu riêng sẽ lại đi vào vết xe đổ của nhiều loại nông sản khác, khi trái ngọt trở thành trái đắng./.