![]() |
Thời điểm này, một số vườn nhãn sớm ở xã Tân Hưng chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh Báo Hưng Yên |
Sản lượng bội thu, chất lượng đi đầu
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, địa phương hiện có hơn 5.000 ha nhãn, trong đó khoảng 1.700 ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Các vùng trồng tập trung ở những địa danh nổi tiếng như Tân Hưng, Triệu Việt Vương, Khoái Châu, Hiệp Cường, Hồng Quang, Hoàng Hoa Thám…, nơi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp với sự phát triển của cây nhãn.
Thời tiết trong những tháng đầu năm 2025 tương đối thuận lợi, ít mưa trái mùa, nhiệt độ ổn định đã giúp nhãn đậu quả cao, hạn chế sâu bệnh. Nhờ vậy, cây phát triển mạnh, quả đạt độ to, vỏ bóng, cùi dày và ngọt thanh – những yếu tố quyết định giá trị thương phẩm.
Theo ông Trần Văn Mý – Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng), năm nay diện tích nhãn của HTX đạt hơn 30ha, sản lượng ước tính từ 250–300 tấn, tăng 15–20% so với năm 2024. Ông Mý cho biết: “Chúng tôi xác định yếu tố tiên quyết làm nên thương hiệu là chất lượng sản phẩm. Do đó, mọi khâu chăm sóc đều được thực hiện nghiêm ngặt, từ tưới tiêu, bón phân đến kiểm soát thời điểm thu hoạch.”
Không chỉ tập trung vào năng suất, nhiều nhà vườn và hợp tác xã còn tiên phong chuyển đổi sang mô hình canh tác hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật và thay thế bằng chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt. Một điển hình là ông Bùi Xuân Sử – chủ vườn nhãn hơn 200 gốc tại xã Tân Hưng. Ông cho biết: “Sau 5 năm chuyển đổi sang hữu cơ, vườn của tôi đã đạt độ thuần hóa, quả đều, mẫu mã đẹp, ngọt dịu và đặc biệt là được khách hàng đặt mua từ rất sớm, nhiều đơn vị còn đề xuất hợp tác để xuất khẩu.”
Tại HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (Tân Hưng), năm nay có khoảng 5ha được trồng theo hướng hữu cơ, còn lại áp dụng quy trình VietGAP. HTX này đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang Mỹ và Australia. Bà Trần Thị Bắc – Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi mong muốn không chỉ đưa nhãn ra thị trường nước ngoài mà còn đến tay người tiêu dùng trong nước với tiêu chí ‘sạch – an toàn – truy xuất được nguồn gốc’. Đó là cách để giữ vững niềm tin và nâng tầm giá trị thương hiệu.”
Đặc biệt, để quảng bá sản phẩm hiệu quả, HTX Quyết Thắng còn tổ chức các tour du lịch “0 đồng” trong mùa thu hoạch. Du khách được trải nghiệm hái nhãn, thưởng thức ngay tại vườn và mua trực tiếp nếu có nhu cầu. Mô hình này không chỉ giúp quảng bá thương hiệu mà còn tạo giá trị cộng thêm cho người trồng.
Đẩy mạnh xuất khẩu và xác lập vị thế nhãn Việt trên thị trường thế giới
![]() |
Tại Hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và sản phẩm chế biến tổ chức đầu tháng 7/2025, tỉnh Hưng Yên đã mời gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, ký kết hợp tác tiêu thụ. |
Một trong những điểm sáng đáng chú ý của vụ nhãn năm nay là hệ thống mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đã được mở rộng đáng kể. Theo thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, hiện toàn tỉnh có 20 vùng trồng nhãn đạt chuẩn mã số, trong đó 2 vùng xuất sang Mỹ, 5 vùng xuất sang Nhật Bản và 13 vùng xuất sang Trung Quốc.
Việc sở hữu mã số vùng trồng giúp các lô nhãn đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và được chấp nhận tại những thị trường khó tính nhất. Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi sản xuất bền bỉ từ phía người trồng và sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước.
Tại Hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và sản phẩm chế biến tổ chức đầu tháng 7/2025, tỉnh Hưng Yên đã mời gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, ký kết hợp tác tiêu thụ. Đáng chú ý, đại diện các nhà nhập khẩu Nhật Bản đánh giá cao khả năng cung ứng nhãn của Việt Nam, đồng thời bày tỏ kỳ vọng được hợp tác dài hạn nếu chất lượng và sản lượng ổn định.
Ông Nguyễn Văn Tráng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên – nhấn mạnh: “Bằng cách tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch, các nhà vườn Hưng Yên đang ngày càng nâng tầm quả nhãn Việt trên thị trường thế giới.”
Song song với việc nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại truyền thống, ngành nhãn cũng đang được hỗ trợ mạnh trong việc phát triển các kênh tiêu thụ hiện đại. Theo đó, nhiều doanh nghiệp và HTX đã đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, Shopee..., góp phần mở rộng thị trường, tiếp cận người tiêu dùng trẻ và xây dựng hình ảnh sản phẩm trên nền tảng số.
Các siêu thị, hệ thống phân phối nông sản lớn như WinMart, Co.opmart, Bách Hóa Xanh… cũng đang chuẩn bị phương án nhập hàng từ các vùng nhãn trọng điểm trong nước để tiêu thụ tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM. Một số đơn hàng đã được chốt với giá cao hơn thị trường, đặc biệt là với các sản phẩm hữu cơ hoặc đạt chuẩn xuất khẩu.
Vụ nhãn 2025 không chỉ là câu chuyện được mùa về sản lượng mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành về tư duy sản xuất và xây dựng thương hiệu trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Từ những gốc nhãn được chăm sóc tỉ mỉ, từ những vườn cây hữu cơ đến các mô hình du lịch trải nghiệm, tất cả đang hội tụ lại để tạo nên một hình ảnh mới cho quả nhãn Việt: ngon hơn, sạch hơn và chuyên nghiệp hơn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập, ký kết các hiệp định thương mại tự do, cơ hội để nông sản nói chung và nhãn nói riêng vươn ra thị trường thế giới là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội ấy, cần sự vào cuộc đồng bộ giữa người trồng, hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc nâng chuẩn chất lượng, mở rộng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến tiêu thụ bài bản.
“Cơ hội vàng” đã đến – vấn đề còn lại là ngành nhãn Việt có kịp thời nắm bắt và chuyển hóa thành giá trị bền vững hay không.
![]() |
![]() |
![]() |