![]() |
Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (Vietnam Economic Growth Forum – VEGF) - Ảnh: VGP |
Từ chiến lược tăng trưởng đến định vị thương hiệu quốc gia
Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025, do Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chủ trì, được tổ chức với mục tiêu hiến kế cho Đề án phát triển kinh tế "hai con số" đến năm 2030 và xa hơn tới 2045. Trong phát biểu khai mạc, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương – nhấn mạnh phương pháp tiếp cận ngược: không áp đặt tư duy hoạch định từ trên xuống, mà lắng nghe doanh nghiệp, chuyên gia, địa phương để thể chế hóa sáng kiến thực tiễn thành chính sách.
Tư duy này mang đến một cơ hội hiếm có cho doanh nghiệp Việt nói chung và thương hiệu Việt nói riêng. Việc được chủ động góp tiếng nói vào quá trình chính sách không chỉ giúp tháo gỡ nút thắt thể chế – vốn là rào cản lớn nhất hiện nay – mà còn giúp doanh nghiệp xác lập lại chiến lược dài hạn trong bối cảnh thị trường biến động.
Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk – thẳng thắn cho rằng: "Cải cách thể chế, đặc biệt là sự lắng nghe và chia sẻ từ phía cơ quan quản lý, sẽ là động lực lớn nhất để doanh nghiệp đầu tư và đổi mới sáng tạo". Theo bà, chi phí đầu vào ngày càng cao và những thủ tục chồng chéo đang là lực cản vô hình khiến doanh nghiệp ngại thay đổi, dẫn đến trì trệ trong việc nâng cấp thương hiệu, mở rộng thị trường và cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế.
Trong bối cảnh đó, "niềm tin vào cải cách" không chỉ là khẩu hiệu chính trị mà cần trở thành nguồn vốn mềm của doanh nghiệp. Khi niềm tin được nuôi dưỡng bằng hành động cụ thể – từ một quy định tháo gỡ vướng mắc, một gói tín dụng đúng lúc, đến việc công nhận giá trị thương hiệu trong chính sách – đó chính là điều kiện tiên quyết để thương hiệu Việt bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững.
Đầu tư vào giá trị gia tăng: Lối đi của thương hiệu Việt trong kỷ nguyên mới
Tại diễn đàn, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – đưa ra cảnh báo đáng chú ý: Nếu tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, mục tiêu xuất khẩu 80 tỷ USD đến năm 2030 là bất khả thi. Nguyên nhân đến từ việc tổng cầu dệt may thế giới chỉ tăng chưa đến 2% trong một thập kỷ qua, trong khi nguồn cung lao động tại Việt Nam đã đạt ngưỡng.
Từ thực tiễn này, ông Trường kiến nghị chuyển hướng sang tăng trưởng theo chiều sâu, bằng cách đầu tư vào công nghệ, tự động hóa và nội địa hóa nguyên liệu. Đây cũng là bước chuyển chiến lược đối với thương hiệu ngành dệt may – một trong những ngành hàng chủ lực của Việt Nam – từ chỗ gia công sang làm chủ thiết kế, chuỗi cung ứng và thương hiệu.
![]() |
Ông Trần Lưu Quang – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề xây dựng Đề án "Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "hai con số" trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" - Ảnh: VGP |
Không chỉ dệt may, những ngành hàng chủ lực khác như sữa, thực phẩm, điện tử, cơ khí… cũng đang đứng trước yêu cầu tương tự. Trong mô hình tăng trưởng mới, thương hiệu không thể chỉ là bao bì đẹp hay chiến dịch truyền thông hấp dẫn, mà cần được xây dựng trên nền tảng giá trị gia tăng thật sự: chất lượng sản phẩm, minh bạch xuất xứ, năng lực đổi mới sáng tạo, và khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – nhấn mạnh: Để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng hai con số, cần chuyển từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang khai thác năng suất và đổi mới công nghệ. Theo ông, đầu tư chỉ hiệu quả khi được phân bổ đúng vùng – ngành, tạo ra giá trị vượt trội và tránh trùng lặp năng lực sản xuất. Đối với doanh nghiệp, đây chính là lời kêu gọi tái cấu trúc sản phẩm, đầu tư dài hạn vào năng lực cốt lõi, thay vì chạy theo quy mô.
Một đề xuất đáng chú ý khác đến từ ông Đặng Hồng Quang – Trưởng đại diện VinaCapital tại Hà Nội: Việt Nam cần xây dựng hệ thống tín dụng riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp họ tiếp cận vốn trung và dài hạn. Đây là lực lượng chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp, là nơi hình thành nên hàng nghìn sản phẩm và thương hiệu nội địa đang khát vốn để phát triển bền vững.
Niềm tin cải cách và vai trò dẫn dắt của thương hiệu quốc gia
Tổng kết diễn đàn, ông Trần Lưu Quang khẳng định: Tăng trưởng hai con số là khả thi nếu có sự đồng lòng của Chính phủ – doanh nghiệp – xã hội. Quan trọng hơn, phát triển bền vững không có nghĩa là tất cả ngành hàng đều phải tăng trưởng hai con số, mà là hiệu quả tổng thể, bao trùm và có chiều sâu.
Bốn điều kiện được ông Quang nêu ra – gồm sự đồng thuận, tháo gỡ thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, và khả năng ứng phó với cú sốc bên ngoài – chính là bộ khung hành động cho cả hệ sinh thái doanh nghiệp. Trong đó, thương hiệu quốc gia có vai trò dẫn dắt: là kết quả của mô hình tăng trưởng đúng đắn, và là động lực để các doanh nghiệp nội địa nâng cấp năng lực cạnh tranh.
Việt Nam đang đứng trước một thời cơ lịch sử. Nếu thể chế đủ mở để khuyến khích đổi mới, nếu niềm tin đủ lớn để khơi nguồn đầu tư dài hạn, và nếu doanh nghiệp đủ dũng cảm chuyển mình sang chiến lược giá trị – thì thương hiệu Việt hoàn toàn có thể trở thành trụ cột trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ tăng trưởng hai con số.
![]() |
![]() |
![]() |