Một số công dụng chữa bệnh từ cây rau rút Một số bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ cây núc nác Một số công dụng chữa bệnh của cây huyết dụ |
Cây ngâu |
Cây ngâu còn có tên gọi khác là mộc ngưu.
Tên khoa học: Aglaia odorata Lour.
Họ: Xoan (Meliaceae).
Đặc điểm
Cây ngâu là loại cây nhỡ, có chiều cao trong khoảng 4 – 7m. Lá kép lông chim, mọc so le, có chiều dài từ 4 – 9cm, rộng 1,5 – 3cm, có 5 – 7 lá chét nhỏ. Lá tận cùng lớn hơn, có hình trứng ngược, đầu tù, gốc thuôn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, cuống lá có cánh.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, có cuống mảnh, đơn hoặc phân nhánh. Hoa nhỏ màu vàng, thơm.
Quả hạch, hình cầu, khi chín màu đỏ tươi. Mùa hoa quả thường từ tháng 5 – 7.
Phân bố
Cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á.
Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại và đã được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Được trồng với mục đích làm cảnh và lấy hoa ướp trà...
Dược liệu thuộc loại cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, mọc tự nhiên ở các kiểu rừng thưa, có bộ rễ rất phát triển và có khả năng chịu hạn tốt.
Bộ phận dùng, thu hái
Hoa và lá là 2 bộ phận chính của cây ngâu được sử dụng rất phổ biến để làm vị thuốc.
Lá cành thường được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm, dùng tươi là chủ yếu.
Hoa và lá được dùng để làm thuốc |
Thành phần hóa học
Lá cây có chứa aglaiastatin A, aglaiastatin B, aglaiastatin C, rocaglaol, pyrimidinon, rocaglamid.
Ngoài ra lá còn chứa tinh dầu, trong đó có linalol, hendecan…Các chất có hàm lượng cao nhất là β – caryphylen 22,25%, α – humulen 17,58%, caryophylenon I 17,21%.
Một số bài thuốc từ cây ngâu
Giải rượu: Cho 10g hoa ngâu, 10g hoa sắn dây vào rồi rót nước sôi nóng già vào ngâm uống.
Đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết: Cành lá ngâu 30g, dây đau xương 20g, cốt toái bổ 10g, ké đầu ngựa 10g. Tất cả cho vào ấm, đổ 700ml nước, đun nhỏ lửa còn 200ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.
Chữa chứng bế kinh: Hoa ngâu 10g, rượu 50g. Cho hoa vào rượu, thêm vào chút nước, nấu cách thủy đến khi hoa chín nhừ, để nguội uống. Uống trước ngày có kinh 5 ngày, ngày uống một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, uống liền 5 ngày.
Hỗ trợ điều trị hen suyễn: Uống trà có ướp hoa ngâu hoặc hoa ngâu ngâm nước sôi già để nguội uống đều có kết quả tốt.
Chữa sưng đau, bầm tím do ngã: Hoa ngâu, lá ngâu mỗi thứ 50g. Gộp chung cả hai thứ, cho 700ml nước, đun nhỏ lửa cô thành cao. Mỗi lần dùng, bôi một ít cao này lên vải mỏng đắp vào chỗ vết thương sưng đau, 2 giờ thay băng một lần, ngày 2 lần. Đắp đến khi vết thương giảm sưng đau.
Cây ngâu có tác dụng hỗ trợ làm giảm đau nhức hiệu quả |
Chữa sốt, vàng da: Dùng lá ngâu, mã đề, lá hoặc quả dành dành, mỗi vị 10 – 16g, sắc uống.
Gây nôn, giải độc thực phẩm, đờm tích lâu ngày: Lá ngâu 20g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, hoặc 30g sắc uống. Sau khi xổ đờm, hoặc nôn được chất độc ra, cho bệnh nhân ăn cháo đậu xanh, tiếp tục dùng các thuốc khác để điều trị các triệu chứng khác.
Một số lưu ý khi sử dụng cây ngâu làm thuốc
Không nên sử dụng quá nhiều trong ngày vì có thể gây ra tình trạng đầy bụng, ợ hơi.
Đối với người bị đái tháo đường cần hạn chế sử dụng quả ngâu để ăn hàng ngày vì sẽ ảnh hưởng đến đường huyết trong máu.
Không sử dụng đối với phụ nữ mang thai.
*Những thông tin về dược liệu bài viết đề cập chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào từ dược liệu này bạn nên tham khảo người có chuyên môn để đảm bảo tính an toàn.