Cuộc sống nhiều áp lực, công việc ngồi lâu, đứng lâu, thói quen ít vận động, ít uống nước, tâm lý căng thẳng… là những nguy cơ thường dẫn đến tình trạng táo bón cơ năng. Trong Đông y, nguyên nhân gây táo bón thường gặp ở những đối tượng này đa phần có biểu hiện nhiệt chứng, nên pháp trị thường là thanh nhiệt, khử độc và thông tiện.
Như đã đề cập qua một số bài viết cùng chuyên đề về lợi ích từ rau củ trước đây, khi được sử dụng đúng cách rau củ vốn rất tốt cho sức khỏe, ngoài tác dụng chung, rau củ còn giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa một số bệnh thông thường. Trong bài viết dưới đây sẽ gợi ý một số loại rau củ có nhiều chất xơ, có tính mát, có thể dùng trong bữa ăn hằng ngày giúp bạn tránh được bệnh táo bón.
Quả bầu
Bầu chứa 94% nước trong thành phần, có nhiệt lượng thấp; giàu vitamin A, Kali, Magie; lượng chất xơ cũng nhiều. Theo Đông Y, bầu vị hơi nhạt, tính mát (có tài liệu lại cho là vị ngọt, tính lạnh), có công hiệu giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, cũng có tác dụng thông tiện. Tuy nhiên, những người bị phong hàn, khó tiêu nên hạn chế vì bầu có tính mát nên sẽ gây lạnh bụng nếu ăn nhiều. Bầu có thể hấp, nấu canh hoặc dồn thịt.
Rau giá
Trong Đông y, giá là vị thuốc có tính mát, vị nhạt hơi the dùng thanh nhiệt, hạ hỏa, chỉ khát, lợi tiểu, tiêu thực, sinh tân. Giá đậu xanh hoặc giá đậu nành với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ, vitamin C, nhiệt lượng và lượng chất béo có tác dụng thông tiện lợi tiểu. Ngoài ra ăn gía thường xuyên cũng giúp đẹp da, trị đờm.
Cách sử dụng: Giá có thể ăn sống, nấu canh, luộc, xào hoặc trộn gỏi.
Một số lưu ý khi ăn giá:
Cần chọn giá tươi không dập úng vì môi trường sống của giá có độ ẩm cao dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella hoặc E.coli gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hay nôn mửa.
Nên ngâm giá với nước muối loãng.
Ngoài ra, nên tránh xào giá với gan heo vì chất đồng trong gan sẽ làm giảm lượng vitamin C trong giá. Trẻ nhỏ và người già, người mới bệnh khỏi nên ăn giá hấp.
Củ cải
Củ cải trắng hoặc củ cải đỏ, có thể ăn sống hoặc chế biến thành món ăn. Đông y cho rằng củ cải có tính ngọt, mát, vị cay, công dụng giải độc, giải nhiệt, hóa đờm. Lượng vitamin C nhiều giúp đẹp da, thông tiện, giảm huyết áp, là thực phẩm có thể sử dụng để phòng ngừa táo bón.
Cải thảo
Theo Đông y, cải thảo cũng có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng trừ nhiệt, giải độc, thông tiện. Cải thảo giàu chất xơ, hàm lượng vitamin A, C phong phú. Cải thảo có thể dùng hấp, luộc, nên lựa chọn loại đảm bảo vệ sinh trước khi dùng.
Bắp cải
Bắp cải là thực phẩm giúp loại bỏ các độc tố từ đường tiêu hóa để làm sạch hệ tiêu hóa. Bắp cải các loại đều có thể sử dụng để làm phong phú và đa dạng hơn bữa ăn hằng ngày. Lưu ý những bệnh nhân có bệnh về tuyến giáp nên tham khảo ý kiến chuyên gia.
Bông cải xanh
Chứa nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin K, vitamin B9 (Folate) và một số khoáng chất như Kali, phốt-pho, sắt và selen. Bông cải xanh chứa lượng chất xơ dồi dào giúp hỗ trợ thông tiện, ngoài ra còn tốt cho người bị bệnh tim mạch, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm cholesterol, giảm đường huyết. Có thể chế biến bằng cách nướng, xào, luộc, hấp hoặc hầm canh nhưng tốt nhất là nên luộc hoặc hấp vừa chín bông cải xanh để giữ nguyên các giá trị dinh dưỡng.
Khi bị táo bón do thói quen sống không đúng, việc bổ sung rau củ nhiều chất xơ từ lâu đã mang lại lợi ích nhiều cho bệnh nhân. Song song đó cũng cần bổ sung thêm các loại trái cây như bơ, táo, chuối, đu đủ và ghi nhớ uống nước đúng, đủ vì nước là thành phần không thể thiếu để trị chứng táo bón, nước hỗ trợ nhu động ruột giúp bạn đi ngoài dễ dàng hơn.
Nếu bạn là người có bệnh lý nền, hoặc tình trạng táo bón kéo dài không giảm, hoặc kèm theo cái triệu chứng như tiêu ra máu hãy đến Bệnh viện để được các Bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị tránh các biến chứng của táo bón cũng như loại trừ được các bệnh lý nguy hiểm khác của hệ tiêu hóa.