Xuất khẩu hạt điều thu về gần 3 tỷ USD trong 10 tháng Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tiếp tục tăng trưởng mạnh Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang bắt đầu tăng tốc trở lại |
Xuất khẩu quế của VIệt Nam đứng đầu thế giới
Theo số liệu từ Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 74.744 tấn quế, trị giá hơn 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng song lại giảm 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 tháng đầu năm 2023, mức giá xuất khẩu bình quân đối với mặt hàng này là 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu nhiều quế Việt Nam nhất trong 10 tháng đầu năm khi chiếm đến gần 44% tổng thị phần, tiếp đến là Mỹ, Bangladesh,... Trong mảng xuất khẩu quế, những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam phải kể đến những cái tên như: Prosi Thăng Long, Rừng Xanh T&K, Senspices Việt Nam và Gia vị Sơn Hà,...
Qua các năm, giá trị xuất khẩu quế của Việt Nam liên tục tăng cao. Riêng trong năm 2022, xuất khẩu quế đã giúp Việt Nam thu về hơn 276 triệu USD, nhiều quốc gia liên tục tăng cường nhập khẩu mặt hàng này. Đặc biệt, xuất khẩu quế sang Pakistan đã tăng hơn 200% so với năm 2021. Với diện tích khoảng 180.000 ha chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, quế Việt Nam trong năm 2022 chiếm 18,2% sản lượng và 34,4% thị phần xuất khẩu quế trên toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam còn là quốc gia xuất khẩu quế hàng đầu thế giới, kim ngạch đạt hơn 292 triệu USD. Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, tổng sản lượng quế của Việt Nam là hơn 41.400 tấn, chiếm đến 17% tổng sản lượng trên toàn cầu. Do đó, Việt Nam đang là nước xuất khẩu quế số 1 toàn cầu.
Hàng năm, nhu cầu về mặt hàng này trên thế giới cũng liên tục tăng mạnh, trong khoảng từ 8% đến 12%. Vì thế, giá quế cũng ngày được đẩy lên cao, đặc biệt là từ năm 2016 cho đến nay.
Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn là một quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là gia vị. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của mảnh đất hình chữ S đã tạo nên hương và vị đặc biệt trong tiêu, quế, hồi, hoàn toàn khác biệt so với những thị trường khác trên thế giới.
Được biết, Mỹ là thị trường nhập khẩu quế lớn thứ hai của Việt Nam. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm đến 35% tổng kim ngạch nhập khẩu quế của quốc gia này. Đồng thời, tiềm năng đối với sản phẩm quế của Việt Nam được Mỹ đánh giá cao, đặc biệt khi người tiêu dùng có xu hướng quan tâm hơn đến những sản phẩm tăng cường sức đề kháng và dễ chế biến tại nhà sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, nhu cầu tinh dầu tại Mỹ cũng ngày càng tăng cao. Đặc biệt, quốc gia này cũng không có quy định về việc hạn chế nhập khẩu sản phẩm thô, tinh chế đối với cây dược liệu, trong đó có cả cây quế.
Xuất khẩu hồ tiêu tăng về lượng và kim ngạch
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tháng 10/2023 Việt Nam xuất khẩu được 19.193 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72,7 triệu USD. So với tháng 9/2023, lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng 15,4%, kim ngạch tăng 17,3%.
Trong tháng 10/2023, thị trường Hoa Kỳ chiếm 26,9% lượng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam đạt 5.169 tấn và tăng 34,5% so với tháng trước. Tiếp theo thị trường Trung Quốc đạt 1.738 tấn, giảm 21,9% so với tháng trước; thị trường Ấn Độ đạt 1.300 tấn, tăng 31% so với tháng trước…
10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 57.723 tấn, chiếm 25,8% thị phần và tăng 265,3% so cùng kỳ, tuy nhiên lượng nhập khẩu những tháng gần đây của Trung Quốc đang có chiều hướng giảm sau khi đã mua đủ lượng hàng từ 2 quý đầu năm.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam đạt 42.600 tấn, chiếm 19,1% thị phần và so cùng kỳ giảm 6,3%.
Xuất khẩu hạt điều thu về gần 3 tỷ USD
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới 64,32 nghìn tấn, trị giá 358,18 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 15,5% về trị giá so với tháng 9/2023, tăng 47,7% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt xấp xỉ 516,87 nghìn tấn, trị giá 2,95 tỷ USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 10/2023, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hà Lan, Đức, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng rất mạnh. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều sang các tất cả các thị trường chủ lực tăng về lượng, còn xét về trị giá xuất khẩu chỉ giảm duy nhất tới thị trường Australia.
Trong đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ đạt 733 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; sang thị trường Trung Quốc đạt 522,3 triệu USD, tăng mạnh 46,6%.
Tiếp đến, xuất khẩu sang Hà Lan đạt 295 triệu USD, tăng 19,8%; sang Đức đạt 99 triệu USD, tăng 8,4%; sang Thái Lan tăng 10,2%; sang Ả rập Xê út tăng 36,1%; xuất khẩu sang Canada, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Anh tăng lần lượt 9,3%, 59,9% và 7,3%.
Xuất khẩu rau quả năm 2023 cầm chắc kỷ lục hơn 5 tỷ USD
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này vượt xa so với kế hoạch hồi đầu năm (4 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay.
10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu rau quả chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Hiện Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, một số mặt hàng trái cây có sự bứt phá ngoạn mục như: sầu riêng đạt 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh từ 45 - 150% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD. Nguyên nhân là do, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Năm nay, Hải quan Trung Quốc cũng đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân này.
“Với việc tăng cường chất lượng, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và mở cửa thêm nhiều thị trường thì con số xuất khẩu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong thời gian tới là hoàn toàn có thể đạt được” - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Một loại trái cây nữa cũng được Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá tiềm nang trong thời gian tới, đó là quả dừa tươi. Hiện, Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục xuất chính ngạch dừa sang Trung Quốc. Đây là loại trái cây được kỳ vọng nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tiếp tục tăng trưởng mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu 268,4 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tương đương 136,5,5 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với tháng 9; tăng 12,6% về lượng và tăng 33% về trị trị giá so với tháng 10/2022.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,4 triệu tấn, trị giá 1,03 tỷ USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất. Trong 10 tháng qua, Trung Quốc chi 929,6 triệu USD để mua gần 2,18 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này của Việt Nam.
Xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 10 đạt 1.102 tấn, trị giá 613,3 nghìn USD. 10 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản chi 1,85 triệu USD để nhập 3.512 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tăng tới 505,5% về lượng và tăng 432,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu dầu thô của Việt Nam lập kỷ lục mới trong tháng 10
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam trong tháng 10 lập kỷ lục với mức tăng trưởng đến 3 chữ số. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu 241.352 tấn dầu thô trong tháng 10 với trị giá hơn 189 triệu USD, tăng mạnh 176,9% về lượng và tăng 182,8% về trị giá so với tháng 9/2023. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu hơn 2,27 triệu tấn dầu thô với trị giá thu về hơn 1,54 tỷ USD, tăng 1% về lượng nhưng giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 10 là tháng ghi nhận mức giá xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay với 783 USD/tấn, tăng 13% so với tháng 1. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, giá xuất khẩu đạt bình quân 682 USD/tấn, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về thị trường, Thái Lan và Úc đang là 2 quốc gia lớn nhất của dầu thô Việt Nam. Lũy kế 10 tháng đầu năm, Thái Lan đã nhập khẩu từ nước ta 911.535 tấn dầu thô với trị giá hơn 609 triệu USD, tăng 24% so với 10 tháng đầu năm 2022. Giá xuất khẩu đạt 661 USD/tấn, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Xếp thứ 2 là Úc với 722.684 tấn dầu thô tương đương với trị giá hơn 508 triệu USD, tăng mạnh 71% về lượng và tăng 35,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 704 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ.
Nhật Bản đứng thứ 3 với 249.577 tấn dầu thô trong 10 tháng đầu năm, tương đương trị giá hơn 164 triệu USD, tăng nhẹ 2% về lượng nhưng giảm 25% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Singapore đứng thứ 4 với 76.087 tấn với trị giá hơn 60 triệu USD, giảm 26,3% về lượng và giảm 31% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.