Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt xấp xỉ 8 triệu tấn Giá lúa nội địa duy trì ở mức cao nhờ trợ lực xuất khẩu Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh, tiếp tục lập đỉnh mới |
Giá lúa vụ Thu Đông tăng cao kỷ lục. |
Thông tin từ một số nông dân tỉnh Tây Ninh đã thu hoạch lúa vụ Thu Đông, giá lúa tươi thu mua tại ruộng đang ở mức từ 9.000 - 9.500 đồng/kg, với giá bán như hiện tại, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, nông dân có lãi trên 50 triệu đồng/ha, điều chưa từng có từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Văn Hoà, ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) cho biết, vụ Thu Đông 2023, gia đình sản xuất khoảng 1,8 ha lúa. Trong đó, ông mới thu hoạch khoảng 0,6 ha, năng suất trung bình khoảng 0,5 tấn/công (1.000 mét vuông). Theo ông Hoà, năng suất lúa vụ Thu Đông thường không cao bằng hai vụ sản xuất chính là Đông Xuân và Hè Thu, nhưng nhờ giá lúa tăng cao nên lợi nhuận sau thu hoạch vụ này đạt cao nhất.
Theo ông Hoà, từ đầu vụ, khi cây lúa vừa mới vào giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, đã có nhiều thương lái tìm đến để đặt cọc với giá 8.000 đồng/kg nhưng ông không chốt vì còn trông chờ giá lúa tiếp tục tăng thêm.
Đến lúc thu hoạch, thương lái tìm đến tận ruộng thu mua với giá 9.100 đồng/kg, khiến ông vui mừng vì quyết định “không bán lúa non” của mình. Dù mới chỉ thu hoạch 1/3 diện tích nhưng ông đã chi trả hết toàn bộ chi phí đầu tư của vụ lúa Thu Đông năm nay. Hiện gia đình ông vẫn còn trên 1,2 ha sắp thu hoạch, nếu không có sự biến động lớn của thiên tai, lợi nhuận vụ lúa này, gia đình ông sẽ thu về trên 60 triệu đồng.
Vừa mới thu hoạch xong hơn 1,3 ha lúa vụ Thu Đông 2023, với giá lúa bán tại ruộng là 9.200 đồng/kg, ông Lâm Hoàng Long, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận cho biết, vài ngày trước, mưa giông làm phần lớn diện tích lúa của gia đình ông bị ngã đổ, buộc phải thu hoạch sớm, năng suất lúa vì thế giảm khá nhiều so năm 2022, nhưng nhờ giá cao nên lợi nhuận cao hơn trước.
Ông Long cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời, vụ lúa Thu Đông cho thu nhập cao như thế. Đặc biệt là từ 2 vụ gần đây, khi lúa mới bắt đầu trổ bông thì thương lái đã đến thương lượng giá, đặt cọc.
"Hiện nay, giá lúa nhiều loại đã lên tới mức 9.400 đồng/kg nên tôi dự định sẽ tiếp tục chuẩn bị xuống giống vụ mới. Nếu giá lúa vẫn ở mức 8.000 - 9.000 đồng/kg thì vụ lúa Đông Xuân sắp tới, gia đình sẽ có một mùa xuân sung túc hơn mọi năm"- ông Long chia sẻ thêm.
Cũng giống như nông dân tỉnh Tây Ninh, vụ lúa này nông dân tỉnh Vĩnh Long phấn khởi bởi giá bán càng về cuối vụ càng cao và tiếp tục đạt mức kỷ lục trong khi năng suất cũng ở mức tốt.
Nhiều nông dân cho hay, ngay từ khi mới gieo sạ vụ Thu Đông khoảng 1 tháng, nhiều thương lái đã tìm mua lúa của nông dân với giá dao động từ 150.000-160.000 đ/giạ, tương đương 7.500-8.000 đ/kg lúa. Càng về cuối vụ, giá lúa thương phẩm càng tăng cao, có nơi được thương lái thu mua với giá 8.800-9.000 đ/kg.
Là một trong những ruộng thu hoạch muộn nhất ở cánh đồng xã Tân Long, huyện Mang Thít (Vĩnh Long), chú Lê Văn Mười cho biết: “Tôi có 4 công lúa, đã lấy tiền cọc với giá 160.000 đồng/giạ, đến lúc thu hoạch giá lúa cao hơn, nên được thương lái tăng thêm tiền do đó lợi nhuận cũng cao hơn. Vụ này lúa được 26-27 giạ/công, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 2-3 triệu đồng/công”.
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá lúa khu vực ĐBSCL nói chung trong đó có tỉnh Vĩnh Long tăng cao thời điểm cuối vụ là do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu gạo xuất khẩu vẫn còn. Mặt khác, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để có cơ sở đấu giá các gói thầu của đối tác.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Long Hồ) cho hay: “Trong khoảng 2 tuần qua, giá lúa ở ĐBSCL đã đẩy lên hơn 1.000 đ/kg lúa. Thông tin Indonesia đấu thầu 500.000 tấn gạo hạt dài thì các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để có chân hàng đấu thầu. Do đó, việc các hợp đồng đã ký trước đó tới ngày thu mua để giao cho kịp hợp đồng trong tháng 11 này”.
Nông dân thu hoạch lúa Thu Đông 2023. |
Theo các chuyên gia kinh tế, khi lệnh cấm của Ấn Độ chưa có tín hiệu bãi bỏ trong thời điểm đến đầu năm 2024 thì nguồn gạo của Việt Nam là nhà cung cấp lớn của thế giới. Do đó, các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng để tìm các đối tác phù hợp cho hoạt động giao dịch của các doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng không ít rủi ro.
Nhất là đối với các doanh nghiệp không có vùng sản xuất nguyên liệu và không có lượng gạo dự trữ trong kho phục vụ xuất khẩu vì giá lúa gạo trong nước có thể biến động tăng cao theo cung- cầu của thế giới.
Do đó, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định với mức giá hợp lý, đảm bảo có lợi khi xuất khẩu, khi ký hợp đồng xuất khẩu phải lưu ý sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào, tránh rủi ro khi ký xong hợp đồng, giá trong nước tăng đột biến và không có nguồn gạo để giao cho đối tác.