Xuất khẩu sắt thép sang EU tăng mạnh nhờ lực đẩy EVFTA Xuất khẩu sắt thép sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam giảm mạnh cả về lượng và trị giá |
Xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong tháng 10/2023 tăng trở lại. |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong tháng 10/2023 tăng trở lại, đạt 908.142 tấn, tăng 5,% so với tháng 9 và tăng mạnh 71,5% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 656,41 triệu USD tăng 7,5% so với tháng 9/2023 và tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, năm 2022 Việt Nam nhập siêu sắt thép 3,93 tỷ USD. Như vậy sau lần xuất siêu đầu tiên vào năm 2021, Việt Nam đã quay trở lại nhập siêu trong năm 2022 và 2023.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 9,1 triệu tấn, tương đương 6,95 tỷ USD, kim ngạch đạt 6,95 tỷ USD, tăng 30,7% về lượng và tăng 0,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân 10T/2023 đạt 760 USD/tấn, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng xuất khẩu thép của các thành viên VSA 10 tháng năm 2023 đạt trên 6,7 triệu tấn thép các loại, tăng trưởng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó dấu ấn tăng trưởng 201% so với cùng kỳ năm 2022 ghi nhận ở mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) với mức sản lượng xuất khẩu đạt trên 2,8 triệu tấn; tiếp sau đó là xuất khẩu tôn mạ đạt trên 1,8 triệu tấn, tăng trưởng 2,8%; ống thép đạt 0,25 triệu tấn, tăng trưởng 17%. Hai mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ là thép xây dựng đạt 1,4 triệu tấn giảm 27% và thép cuộn cán nguội đạt 0,36 triệu tấn giảm 16,4%.
10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 tính tới hết tháng 10 lần lượt là Ý, Campuchia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bỉ, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.
Tỷ trọng các thị trường nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam trong 10T/2023. (Đơn vị: % theo sản lượng) |
Khu vực Đông Nam Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thép Việt Nam, chiếm 31,5% tỷ trọng. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang khu vực này giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu là do xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Campuchia giảm 13%. Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là thép xây dựng. Theo các nhà xuất khẩu, lượng thép xây dựng xuất sang Campuchia giảm một phần do từ sau đại dịch Covid-19 thị trường bất động sản tại quốc gia này đã không còn sôi động như giai đoạn 10 năm trước đó. Các chuyên gia kinh tế từng cảnh báo thị trường bất động sản Campuchia đang đối mặt với không ít rủi ro do nguồn cung bất động sản cao hơn cầu.
Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thép là thị trường EU, chiếm 24,1% tỷ trọng về kim ngạch, đạt 2,2 triệu tấn, tăng mạnh 86,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Ý tăng tới 127,7%, đạt 1,355 triệu tấn, Bỉ tăng 30,1%, Tây Ban Nha tăng 70,2%... Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng đột biến.
Xuất khẩu sắt thép sang thị trường Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng đột biến. Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại sang Ấn Độ tháng 10 đạt 198.418 tấn, trị giá 139,6 triệu USD, tăng mạnh 2.346% về lượng và tăng 1.103% về kim ngạch so với tháng 10/2022. Đây cũng là tháng ghi nhận sản lượng xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Sản lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Ấn Độ 10T/2023. (Đơn vị: tấn) |
Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu sắt thép sang thị trường này đạt hơn 733.830 tấn, tương đương hơn 539,8 triệu USD, tăng 1.464% về lượng và tăng 682% về trị giá, đưa Ấn Độ trở thành thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 4 của Việt Nam. Giá xuất khẩu trung bình trong 10 tháng đầu năm đạt 735,6 USD/tấn, giảm mạnh 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ kẽm. Ngành thép Việt Nam trải qua gần một năm khó khăn, thị trường ảm đạm. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm này ngành thép đang có những tín hiệu tích cực, thị trường khởi sắc hơn.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng rằng, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có thể bắt đầu duy trì tích cực kể từ đầu năm 2024 nhờ: mặt bằng lãi suất tương đối thấp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; mức nền thấp của giá thép kích thích nhu cầu tiêu thụ; các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng; tiềm năng từ thị trường xuất khẩu.