Xuất khẩu tỉ đô, vì sao nông sản Việt chưa có thương hiệu trên trường quốc tế? Nông sản Việt rộng cửa vào thị trường Hoa Kỳ Xóa lời nguyền "vô danh" cho nông sản Việt |
6 mặt hàng nông lâm thủy sản đạt trên 1 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 5,91 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,38 tỷ USD, tăng 25,6%; sản phẩm chăn nuôi đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7%; thủy sản đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12%; lâm sản đạt 14,05 tỷ USD, tăng 19,9%; muối đạt 4,6 triệu USD, giảm 0,2%.
Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%. Thị phần của hai khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%.
So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam 10 tháng năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 17,2%; châu Mỹ tăng 24,7%; châu Âu tăng 34,1%; châu Phi tăng 2% và châu Đại Dương tăng 14,5%.
Về thị trường, Hoa Kỳ đứng đầu với thị phần 21,6%, tiếp theo là Trung Quốc 21,5% và Nhật Bản 6,5%. Đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 25,9%, Trung Quốc tăng 11,4%, và Nhật Bản tăng 5,9%.
Bộ NN&PTNT cho hay, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 36,53 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam 10 tháng ước đạt thặng dư 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 11,75 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,21 tỷ USD, tăng 17,2% và nhóm nông sản thặng dư 4,67 tỷ USD, tăng 4,2 lần.
Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt: nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 4,75 tỷ USD, tăng 7%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,64 tỷ USD, tăng 7,2% và muối thâm hụt 24,6 triệu USD, giảm 24,1%.
Đáng chú ý, đến nay, ngành nông nghiệp đang có 6 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỉ đô la là gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, cà phê, gạo, tôm và cá tra.
Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu thời gian tới
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: TTXVN |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTN Phùng Đức Tiến, kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản có được là do sản lượng và giá trị của các sản phẩm đều tăng. Các sản phẩm nông sản đang ngày càng tạo nên giá trị kinh tế cao khi đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải lưu ý là chế biến sâu vẫn chưa đạt được yêu cầu. Thứ trưởng Tiến cho biết có đọc những bài báo, xem những phóng sự khẳng định rằng nông sản Việt Nam chế biến thô là 70 %, trong khi các nước mà chế biến sâu là 70 %. Đây cũng là bài toán rất nhức nhối của ngành nông nghiệp. Nếu chúng ta gắn chế biến sâu, hạ tầng nông nghiệp, kho bãi, logitics với xúc tiến thương mại thì chúng ta sẽ hoàn thiện hệ thống xuất khẩu.
Nông nghiệp Việt Nam là lợi thế quốc gia. Nếu chúng ta giải quyết được những tồn tại, khó khăn và thách thức thì tiềm lực, lợi thế của ngành nông nghiệp sẽ được phát huy, không phải chỉ với thị trường trong nước 100 triệu dân mà còn có sức lan tỏa sâu rộng đối với thị trường thế giới. Việt Nam đang xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 thế giới, nếu khắc phục được những hạn chế, khó khăn thì chúng ta có thể vươn lên đứng thứ 9, thứ 10 trên thế giới.
Về kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn. Với việc ký thêm 3 nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được xúc tiến mạnh để xuất khẩu các sản phẩm đó sang Trung Quốc.
Với thị trường Halal có khó khăn vì đây là thị trường đòi hỏi rất cao mà các quốc gia lại không thừa nhận chứng nhận Halal lẫn nhau. Thời gian vừa qua, ngành đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Halal, đó là thuốc, vaccine thú y, thịt gà của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam… Tập đoàn De Heus Dehus cũng sẽ có sản phẩm thịt gà trong thời gian sớm nhất sang thị trường này.
Việt Nam sẽ từng bước chinh phục thị trường yêu cầu cao, nhiều tiềm năng như Halal. Như vậy, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.
Về xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Tiến nhận định, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn.
“Vừa qua, Ấn Độ đã mở cửa xuất khẩu gạo trở lại và gạo 5% tấm có sự ảnh hưởng nhất định. Nhưng ở chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn duy trì được giá xuất khẩu tương đối tốt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ thêm.
Xuất khẩu tỉ đô, vì sao nông sản Việt chưa có thương hiệu trên trường quốc tế? |
Nông sản Việt rộng cửa vào thị trường Hoa Kỳ |
Xóa lời nguyền "vô danh" cho nông sản Việt |
Phạm Văn Chiến