Xây dựng thương hiệu nông sản Phù Yên Bảo hộ thương hiệu: Giấy thông hành để nông sản Việt vươn xa Việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt vẫn rất “mờ nhạt” |
Sầu riêng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. |
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tỉ đô
Theo số liệu sơ bộ mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tới hết tháng 7, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 64,66 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 31,34 tỷ USD. Chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu đạt 212,97 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng 33,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 14,52 tỷ USD sau 7 tháng, tương ứng giảm 1,98 tỷ USD so với mức thặng dư 16,5 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Thống kê hải quan ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, với mức tăng lên tới hai con số. Đáng chú ý, một số mặt hàng dù có số lượng xuất khẩu sụt giảm, nhưng trị giá xuất khẩu tiếp tục tăng - cho thấy chúng ta đã bán được hàng với giá tốt hơn đáng kể so với năm trước.
Ví dụ, mặt hàng cà phê dù giảm 12,4% về lượng nhưng có mức tăng tới 33,5% về trị giá xuất khẩu, đạt hơn 3,6 tỷ USD. Hay với hạt tiêu, dù giảm nhẹ 2,5% về lượng nhưng tăng tới 40,7% về trị giá xuất khẩu, đạt hơn 760 triệu USD...
Ghi nhận sự khởi sắc trong xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, trước các diễn biến khó lường của thị trường, nhiều chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu thô
Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap |
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap, cho biết Việt Nam tự hào với nền nông nghiệp phát triển, là ngành xuất khẩu tỉ đô. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô.
"Nếu biết cách gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá trị xuất khẩu gấp đôi, thậm chí gấp ba lần" ông Tùng khẳng định.
Nhớ lại thời điểm 6 năm trước, ông Tùng chia sẻ trà Ô Long của Việt Nam khi đó chỉ bán được với giá 9 đô/kg, trong khi Đài Loan xuất khẩu cùng loại trà này sang Mỹ với giá lên tới 100 đô/kg.
"Đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của việc xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị sản phẩm. Chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia của Đài Loan đã giúp họ tạo ra sự chênh lệch giá trị lớn như vậy", ông Tùng nhấn mạnh.
Nhà sáng lập FoodMap xác định rõ, hành trình chinh phục thị trường quốc tế sẽ rất nhiều khó khăn. Trước hết là năng lực làm việc với các đối tác quốc tế, cần phải chuyên nghiệp, không chỉ là trong các vấn đề về giấy tờ, thủ tục, mà từ chính dịch vụ và con người của mình phải ngang tầm với họ, để trong các cuộc thương lượng, mình sẽ luôn ở vị thế bình đẳng.
Cùng với đó, khi bước vào “cuộc chơi” xuất khẩu, yêu cầu nguồn hàng rất lớn, cần phải có sự chuẩn bị về nguồn lực tài chính, kỹ năng chuyên môn và sự am hiểu thị trường.
“Chúng tôi cũng rất mong muốn thời gian tới sẽ giúp nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam có tên tuổi, chỗ đứng trên thế giới. Trong 3 – 5 năm nữa, người tiêu dùng quốc tế sẽ thay đổi cách nhìn về nông sản Việt Nam. Họ sẽ công nhận nông nghiệp Việt Nam là một nền nông nghiệp phát triển, tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, có thể phục vụ mọi nhà hàng, khách sạn hoặc chuỗi siêu thị khó tính nhất thế giới”, ông Tùng nói thêm.
Cũng tại toạ đàm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nhấn mạnh nông nghiệp bền vững, chất lượng cao là chìa khóa nâng cao giá trị nông sản Việt.
Bà dẫn chứng từ bài học của Thái Lan trong việc nâng cao thương hiệu sầu riêng. Việc nghiên cứu tăng độ khô của sầu riêng từ 32 lên 35 độ không chỉ đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc mà còn tạo dựng uy tín quốc tế cho sầu riêng Thái.
"Để nông dân trở nên chuyên nghiệp, họ chỉ cần tập trung duy nhất một nhiệm vụ là đảm bảo chất lượng sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế chứ không phải tìm kiếm thị trường hay nghiên cứu khoa học" bà Hạnh nhấn mạnh.
Xây dựng thương hiệu nông sản Phù Yên |
Bảo hộ thương hiệu: Giấy thông hành để nông sản Việt vươn xa |
Việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt vẫn rất “mờ nhạt” |