Thanh toán không tiền mặt thúc đẩy kinh tế số Tăng trưởng kinh tế và áp lực tái cấu trúc nền tảng OCOP – Chuyển hóa giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế |
Động lực phục hồi hiện rõ qua các chỉ số
![]() |
5 tháng đầu năm 2025, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. |
Bức tranh kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, cho thấy sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế tiếp tục được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,21%, phản ánh nỗ lực điều hành linh hoạt để kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước đạt gần 58% dự toán, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước – một kết quả nổi bật trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cùng với đó, chi ngân sách nhà nước tăng 27,7%, nhưng bội chi, nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài vẫn nằm trong giới hạn an toàn, thể hiện sự chủ động trong quản lý tài khóa. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14%, mang về mức xuất siêu ước đạt 4,67 tỷ USD – một chỉ dấu cho thấy năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam đang được khẳng định.
Ở góc độ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 199,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 24,13% kế hoạch năm, cao hơn 2,5% so với cùng kỳ cả về tỷ lệ và tuyệt đối. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 18,4 tỷ USD, tăng tới 51,2%; vốn thực hiện đạt khoảng 8,9 tỷ USD, tăng 7,9%, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.
Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi ấn tượng, với chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tăng 8,8%; riêng ngành chế biến, chế tạo tăng tới 10,8%, khẳng định vai trò đầu tàu của lĩnh vực này trong tăng trưởng. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp giữ được nhịp độ ổn định, bảo đảm an ninh lương thực và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng lẫn xuất khẩu.
Tiêu dùng nội địa phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,7%. Du lịch quốc tế ghi nhận hơn 9,2 triệu lượt khách, tăng 21,3%, nhờ các nỗ lực xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường. Hơn 111,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng 11,32%, phản ánh sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, dột nát đạt kết quả rõ rệt: đã xóa gần 209 nghìn căn nhà, trong đó 111,1 nghìn căn được khánh thành, 97,9 nghìn căn khởi công mới; hiện 23/63 tỉnh thành không còn nhà dột nát. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng cao, nhất là trong kiểm soát dịch bệnh mùa nóng và ứng dụng công nghệ hiện đại trong y học.
Tăng tốc cải cách để bứt phá chặng cuối năm
![]() |
Dây chuyền sản xuất trong ngành chế biến, chế tạo – lĩnh vực tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp trong những tháng đầu năm. |
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nền kinh tế vẫn đối diện với không ít thách thức trong phần còn lại của năm. Áp lực từ tỷ giá, lãi suất, kiểm soát lạm phát vẫn hiện hữu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sức mua trên thị trường nội địa còn yếu, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn với giá thế giới, gây ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.
Lĩnh vực bất động sản vẫn trầm lắng; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ triển khai chậm. Giải ngân vốn ODA chưa đạt kỳ vọng. Một số quy định thủ tục hành chính còn chồng chéo, chưa thống nhất với thông lệ quốc tế, gây cản trở cho hoạt động kinh tế.
Đáng lưu ý, đời sống một bộ phận người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trực tuyến tiếp tục tiềm ẩn rủi ro. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn chịu áp lực lớn; trung bình mỗi tháng có 22,4 nghìn doanh nghiệp thành lập hoặc quay lại thị trường, nhưng cũng có tới 22,3 nghìn doanh nghiệp rút lui.
Trước thực tế đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường tổ chức thực hiện theo tinh thần 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”. Mục tiêu là chuyển động mạnh mẽ hơn, quản lý linh hoạt hơn và hành động quyết liệt hơn từ trung ương đến địa phương.
Cùng với việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, trọng tâm là nâng cao tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ đặt ra yêu cầu cụ thể: tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chưa cấp thiết, có kịch bản ứng phó phù hợp với mọi diễn biến trong nước và quốc tế.
Các điểm nghẽn về thể chế cần tiếp tục được tháo gỡ. Việc cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phải được thực hiện thực chất, không hình thức. Môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, công bằng.
Đồng thời, nguồn lực phải được tập trung cho các trụ cột phát triển: hoàn thiện thể chế, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy thị trường xuất khẩu, tăng cường khai thác thị trường nội địa. Tăng cường rà soát lại cơ sở vật chất hành chính nhà nước, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các trụ sở công vụ.
Song song đó là duy trì vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhất là với Mỹ, khi hai bên đang hoàn thiện dự thảo Hiệp định thương mại đối ứng theo hướng hài hòa lợi ích.
Tăng cường truyền thông chính sách, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội cũng là yêu cầu quan trọng để chống lại các thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc. Mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 sẽ là đích đến đầy thách thức nhưng cũng là động lực hành động. Thành công chỉ đến nếu từng nguồn lực, từng chính sách, từng hành động được tổ chức thực thi một cách đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt.