OCOP tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hải Dương phát triển 19 sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương đạt chứng nhận |
Hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh của Cơ sở sản xuất Thiết bị cơ y hoá giới thiệu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo. |
Sản phẩm OCOP được định vị bằng chất lượng
Đã có bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm sản xuất thiết bị y tế nhưng với mong muốn thêm nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe của người dân mang thương hiệu Bình Dương nên Cơ sở sản xuất Thiết bị cơ y hoá ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên đã nghiên cứu, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Sau 4 năm triển khai, đến nay sản phẩm Nấm đông trùng hạ thảo CYH và Rượu đông trùng hạ thảo CYH đã được nhiều người tin dùng. Năm 2021, hai sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và mới đây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2022.
Ông Lưu Nguyên Quảng, Giám đốc Cơ sở sản xuất Thiết bị cơ y hoá chia sẻ, bằng kinh nghiệm và sức sáng tạo không ngừng, sản phẩm của công ty đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước và đang chinh phục khách hàng bằng chính chất lượng sản phẩm.
“Tới đây, những sản phẩm của đông trùng hạ thảo CYH sẽ vươn xa hơn, có những mặt hàng đa dạng, thiết thực phục vụ bà con. Nó sẽ hữu ích cho bà con khi sử dụng để tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe cho bà con” - ông Quảng chia sẻ.
Sản phẩm của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Từ mô hình trang trại tổng hợp và cung cấp vật tư nông nghiệp, năm 2012, bà Tăng Thị Hằng ở xã An Long, huyện Phú Giáo đưa mô hình nuôi chim yến về địa phương. Đến nay, với 3 nhà nuôi yến diện tích hơn 1.600m2, mỗi tháng cho thu khoảng 15kg tổ yến thô, với giá từ 20-22 triệu đồng/kg, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/năm. Năm 2019, sản phẩm Tổ yến Hiếu Hằng của công ty bà đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương, đến năm 2021 đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng cho biết, để đạt chứng nhận OCOP các quy trình từ thu hoạch đến chế biến được thực hiện theo các bước, đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Hiện nay, ngoài tổ yến tổ thô, cơ sở còn đẩy mạnh chế biến yến tươi, chè yến, cháo yến.
“Lúc nào cũng đưa chất lượng yến lên hàng đầu, 100% nguyên chất không pha lẫn tạp chất, không dùng chất bảo quản. Yến là sản vật vàng nên lúc nào cũng theo tiêu chí sản vật vàng-chất lượng vàng” - bà Hằng cho biết.
Đến nay Bình Dương có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 31 chủ thể, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là 3 sao. So với các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp trong tỉnh thì số lượng được công nhận OCOP còn ít. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương lí giải, địa phương chú trọng chất lượng hơn là chạy theo số lượng sản phẩm đạt chứng nhận nên các quy trình xét duyệt, thẩm định khắt khe.
Theo ông Phạm Văn Bông: “Hội đồng chứng nhận hướng dẫn cho các địa phương, đặc biệt tuyên truyền, vận động nhiều đợt trên các kênh thông tin đại chúng để cho người tham gia chứng nhận OCOP hiểu được và nắm vấn đề để khi thực hiện đạt các quy định. Cũng vì vậy, sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Dương ít nhưng chất lượng trên thị trường đảm bảo thương hiệu, nhãn hiệu và uy tín lâu dài”.
Nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát ở huyện Bắc Tân Uyên vui mừng khi giá thành bưởi tăng cao khi được công nhân OCOP.. |
Xây dựng thương hiệu tạo đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới trong tỉnh Bình Dương đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện, chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ông Trịnh Minh Thạnh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát ở huyện Bắc Tân Uyên cho biết, hợp tác xã có sản phẩm bưởi da xanh được công nhận OCOP 3 sao năm 2021 và đang hướng đến tạo thêm sản phẩm là tinh dầu bưởi, cam. Được công nhận OCOP sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, vì thế sản lượng và doanh thu cũng tăng theo từng năm.
“Thương lái, hoặc doanh nghiệp đến mua khi thấy sản phẩm được công nhận OCOP thì họ cũng yên tâm vì được trồng theo theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó giá cả cũng bằng, hoặc hơn những sản phẩm chưa đạt OCOP. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các thành viên khác thấy lợi ích cùng tham gia vào hợp tác xã” - ông Thạnh bày tỏ.
Song song với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, sở ngành, địa phương trong tỉnh Bình Dương đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi sản phẩm.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm chuối đạt OCOP 3 sao năm 2022. |
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội chợ triển lãm “Bình Dương EXPO 2022” với hơn 100 gian hàng giới thiệu đủ các sản phẩm OCOP.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Qua sự kiện EXPO năm 2022, Sở Công Thương mong muốn việc kết nối giao thương ngày càng mở rộng, từ đó tạo điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại liên kết, tiêu thụ hàng hóa một cách tốt nhất. Trong tương lai EXPO Bình Dương sẽ tiếp tục được triển khai, mở rộng về quy mô”.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bình Dương sẽ có 109 sản phẩm OCOP theo các nhóm chủ lực và tiềm năng như nhóm thực phẩm, đồ uống, dược liệu, đồ lưu niệm nội thất trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Để các sản phẩm đủ điều kiện được công nhận, các đơn vị, địa phương đang hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP với phương châm “chất lượng hơn số lượng”./.