Còn gặp nhiều khó khăn, bất cập
Trên thực tế tại Phú Thọ việc khó khăn trong phát triển mới sản phẩm OCOP xuất phát từ các ý tưởng mới có quy mô nhỏ lẻ, khả năng phát triển sản phẩm và cung ứng ra thị trường không lớn; trong khi đó, việc đánh giá lại và nâng sao sản phẩm OCOP lại gặp khó do tiêu chuẩn đánh giá giai đoạn mới khắt khe hơn giai đoạn trước, kinh phí đánh giá và hoàn thiện sản phẩm lớn khiến nhiều chủ thể của sản phẩm không mặn mà.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ phát triển mới, đánh giá lại, nâng sao sản phẩm OCOP chưa đủ sức hấp dẫn các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.
Được biết, Công ty TNHH Làng Gáp Xanh (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Theo anh Nguyễn Thành Vững, Phó giám đốc Công ty TNHH Làng Gáp Xanh: “Nhiều khách hàng hiện không biết chứng nhận OCOP là gì, vì sao sản phẩm rau có chứng nhận OCOP lại đắt hơn các sản phẩm cùng loại. Vì vậy, dù được bày trên kệ nhìn bắt mắt nhưng sức tiêu thụ của các sản phẩm vẫn rất khiêm tốn”.
Đến nay toàn quốc có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. (Ảnh minh họa) |
Tại tỉnh Thái Nguyên, tỉnh hiện có có 129 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm chè chiếm gần 90%, nhưng chỉ có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Điều đó cho thấy việc phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn quốc gia còn không ít khó khăn. Như tại Hợp tác xã (HTX) Trà Cao Sơn ở xã Bình Sơn, TP.Sông Công (Thái Nguyên) có 5 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Giai đoạn 2021-2022, HTX được thành phố hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng thực hiện dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm. Thông qua dự án, HTX đã xây dựng được 8ha chè an toàn, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu an toàn của đơn vị lên 50ha. Thế nhưng, hiện các sản phẩm chè của HTX vẫn chưa thể xuất khẩu, đây cũng là một trong những khó khăn để sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.
Còn tại Vĩnh Phúc, năm 2019, sản phẩm tương nếp Thủy Phương của HTX Sản xuất và Chế biến lương thực - thực phẩm sạch Thủy Phương, xã Tiên Lữ (Lập Thạch) được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP, xếp hạng 3 sao. Sau hơn 3 năm phát triển, sản phẩm Tương nếp Thủy Phương vẫn chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, chưa tiếp cận được thị trường lớn.
Quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận…
Đánh giá về khâu liên kết tiêu thụ của sản phẩm OCOP, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhận định, trong thời gian qua sản phẩm OCOP có 3 vấn đề cản trở cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM)
Cụ thể, đối tượng chủ thể của chương trình OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ; tính ổn định trong chất lượng sản phẩm; năng lực XTTM, năng lực tổ chức của các chủ thể OCOP còn yếu. Minh chứng rõ nhất là thị trường quốc tế đang đặt ra rất nhiều những yêu cầu về bao bì, thiết kế, kiểu dáng sản phẩm… theo xu hướng mới nhưng phần lớn các chủ thể OCOP vẫn chưa đáp .ứng được.
Cần có các giải pháp giúp tháo gỡ "điểm nghẽn" đầu ra cho các sản phẩm OCOP
Những năm qua, hầu hết các tỉnh đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Với hàng loạt các tiêu chuẩn được đảm bảo về chất lượng, quy định về ATTP, môi trường, được chứng nhận sản phẩm OCOP là tiền đề vững chắc để sản phẩm của HTX Nấm Tam Đảo có chỗ đứng trên thị trường. |
Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, các địa phương, doang nghiệp HTX cần thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ. Đối với các chủ thể cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng.
Các ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP vươn xa…
Ben cạnh đó, triển khai lồng ghép các chính sách của tỉnh, địa phương để hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trao đổi, thông tin kết nối với các thị trường ngoài tỉnh.
Đối với những đơn vị, cá nhân đã có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao muốn tăng lên 4 sao hoặc từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, thẩm định theo theo tiêu chuẩn mới, đồng thời hướng dẫn các đơn vị tập hợp hồ sơ tạo điều điện tốt nhất cho các đơn vị thực hiện theo đúng quy định, lộ trình kế hoạch đề ra…
Song song với đó là công tác truyền thông cần đi trước một bước. Làm sao khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng địa phương để bảo tồn, phát triển sản phẩm đó. Làm sao để các cơ quan quản lý nhà nước thấy trách nhiệm của mình trong triển khai mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển bền vững..
Đặc biệt, hoạt động kết nối tiêu thụ có vai trò rất quan trọng đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó, thông qua hội chợ, triển lãm sẽ mang đến hình ảnh các sản phẩm OCOP của mỗi vùng miền, mỗi địa phương đến với người tiêu dùng, thị trường. Qua đó nâng cao được nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, chất lượng OCOP và thương hiệu sản phẩm OCOP.
Cần chú trọng chất lượng, quảng bá
Thời gian qua, tại tỉnh Thanh Hóa, một số sản phẩm OCOP cũng đã có bước phát triển tích cực, giúp nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Theo đồng chí Hoàng Viết Chọn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong 236 sản phẩm được công nhận OCOP của địa phương thì có hơn 80% sản phẩm đã được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, hệ thống thương mại điện tử… doanh thu, lợi nhuận tăng qua từng năm.
“Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh xác định trọng tâm là chất lượng, xây dựng uy tín chứ không chạy theo số lượng. Nhiều sản phẩm OCOP là kết quả của việc phát triển sản xuất, khai thác vùng nguyên liệu của địa phương, lao động truyền thống và đặc biệt là các nhãn hiệu tập thể, các chỉ dẫn địa lý được xây dựng nhiều năm nay. Những sản phẩm này được tiêu thụ tốt, góp phần tăng thu nhập cho người dân”, đồng chí Hoàng Viết Chọn khẳng định.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, một trong những địa phương “đầu tàu” của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, để khơi thông đầu ra cho sản phẩm, tỉnh đã tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm với đầy đủ thông tin về chất lượng cũng như quy trình sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, các chủ thể sản xuất OCOP cũng rất tích cực đưa sản phẩm của mình lên website và một số sàn thương mại điện tử. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh là: Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản ở mỗi vùng quê, mỗi địa phương; chú trọng quảng bá, kết nối thị trường; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các hộ cũng như doanh nghiệp, HTX. Đó cũng là những vấn đề cần làm tốt để các sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước vươn xa.
Thống kê của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy,: Đến nay toàn quốc có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Đã có gần 4.400 chủ thể OCOP; trong đó, 38,3% là hợp tác xã, 25,8% là doanh nghiệp, 33% là cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. |