Hà Nội dẫn đầu cả nước trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 Sản phẩm OCOP Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế Đồng Tháp: Thu hồi giấy chứng nhận đối với 47 sản phẩm OCOP |
Tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
![]() |
Dự kiến, đến hết năm 2025, cả nước có khoảng 16.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. |
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến tháng 12/2024, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) với 15.590 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Con số này đã tăng 4.534 sản phẩm so với năm 2023 và tăng 11.139 sản phẩm so với năm 2020.
Cụ thể, 76,2% sản phẩm 3 sao, 22,9% sản phẩm 4 sao, 79 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 28,8% số lượng sản phẩm OCOP của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long với 18,9%, tiếp đến là vùng miền núi phía Bắc chiếm 17,1%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 5,9%. Dự kiến, đến hết năm 2025, cả nước có khoảng 16.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,6 lần chỉ tiêu theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. ).
Cũng theo số liệu của Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương, đến nay đã có 8.476 chủ thể OCOP (tăng 2.362 chủ thể so với năm 2023 và tăng 6.047 chủ thể so với năm 2020), trong đó có 32% là hợp tác xã, 22,3% là doanh nghiệp nhỏ, 31,7% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có 2.707 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.
Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP tiếp tục được triển khai mạnh mẽ từ trung ương đến các địa phương, nhiều Diễn đàn/hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được triển khai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ,... đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.
Đến nay, đã có 674 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm đô thị, điểm du lịch ở các địa phương (tăng hơn 4,5 lần so với năm 2020); nhiều sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và các hệ thống thương mại điện tử lớn như: Voso, Lazada, Vnpost,...;
Ngoài ra, công tác kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, thương mại điện tử được quan tâm, chú trọng triển khai với nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phối hợp với các địa phương và Tiktok Việt Nam tổ chức hơn 800 phiên bán hàng trực tuyến gắn logo Chợ phiên OCOP, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về sản phẩm OCOP Việt Nam đối với người dân.
Song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã từng bước đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ra nước ngoài; phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tham gia các Hội chợ quốc tế (tại Thái Lan, Châu Âu, Nhật Bản); phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu năm 2024.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
![]() |
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận. |
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương đánh giá, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành…
Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương cũng đã chủ động làm việc với một số doanh nghiệp Việt Nam, tập đoàn đa quốc gia như: Central retail, Siêu thị Tứ Sơn (An Giang),... để đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối siêu thị, làm nền tảng để đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu qua hệ thống thương mại của các đơn vị, đặc biệt là thị trường Thái Lan, Campuchia; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP thử nghiệm đưa sản phẩm tham gia vào hệ thống siêu thị tại thị trường Mỹ,...
Ông Nguyễn Xuân Cường - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, chương trình được triển khai từ năm 2018 và với con số gần 15,6 nghìn sản phẩm OCOP thì đây là kết quả “rất đáng mừng, nhưng chưa vui” vì còn có những sản phẩm có vấn để về chất lượng, hoặc sản phẩm không đúng thông số ghi trên bao bì. Điều này ảnh hưởng đến uy tin chung của sản phẩm OCOP.
Giải đáp băn khoăn này, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương cho biết công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP trong giai đoạn này được quan tâm, chú trọng thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo chất lượng và các yêu cầu như công bố theo hồ sơ. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động: Thông báo, thu hồi các sản phẩm hết thời hạn mà các chủ thể không hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại; kiểm tra, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận….
Thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, nhiều địa phương, như: Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Cà Mau,... đã kiên quyết thu hồi các sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, thu hẹp quy mô sản xuất, không phát triển được vùng nguyên liệu, không sản xuất sản phẩm theo đăng ký… Từ đó góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể OCOP, đồng thời khẳng định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và uy tín của sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn, đề nghị các địa phương nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, tránh chạy theo thành tích, dẫn đến thiếu thực chất, ảnh hưởng đến uy tín của Chương trình OCOP và niềm tin của người dân đối với sản phẩm OCOP. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận; kiên quyết thu hồi sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm so với quy định, nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, uy tín, thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường…