Tăng cường giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép chim yến Nhà dụ chim yến xây khắp nơi, người dân bức xúc vì ô nhiễm, tỉnh Bình Phước có động thái bất ngờ |
Tăng "nóng" về lượng
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện cả nước có 40/63 tỉnh, thành phố có nhà nuôi chim yến. Nếu năm 2017 có 8.304 nhà yến, thì đến năm 2023 cả nước đã có 26.561 nhà yến. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Nghề nuôi chim yến tại Đắk Lắk đã phát tiển mạnh trong 10 năm trở lại đây. Ảnh: M.Thuận. |
Tại Đắk Lắk, nghề nuôi chim yến bắt đầu phát triển hơn 10 năm trở lại đây và hiện đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng nhà yến cũng như số lượng cá thế yến. Hiện toàn tỉnh có gần 1.800 nhà yến, sản lượng tổ yến đạt khoảng 8 – 10 tấn; chiếm khoảng 8% số lượng nhà yến và khoảng 5% sản lượng tổ yến của cả nước.
Tỉnh Đắk Lắk hiện đang đứng đầu khu vực Tây Nguyên về số lượng nhà yến và đứng trong top 10 tỉnh, thành có số lượng nhà yến lớn nhất cả nước. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk được đánh giá cao và được ưa chuộng tiêu thụ trong và ngoài nước.
Việc gây nuôi chim yến đã và đang mang lại lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người dân. Tuy nhiên, việc phát triển ngành yến trong thời gian gần đây còn mang tính tự phát, việc xác định vùng nuôi, cũng như công tác quản lý trật tự xây dựng các công trình phục vụ nuôi chim yến tại các địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Một trong những địa phương phát triển mạnh nghề nuôi chim yến là TP. Buôn Ma Thuột, với 213 nhà yến đang hoạt động. Các cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư chiếm tỷ lệ 70%, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân, môi trường sống và mỹ quan đô thị (phần lớn các nhà yến này xây dựng và hoạt động trước khi có Luật Chăn nuôi năm 2018).
Hay tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), mặc dù phát triển sau nhưng hoạt động xây dựng công trình nhà dẫn dụ chim yến của người dân phát triển rất mạnh và cũng mang tính tự phát, với 284 nhà yến, dẫn đầu tỉnh về số lượng. Với hiệu quả kinh tế cao từ kinh doanh sản phẩm tổ yến mang lại nên nhiều hộ dân đã đổ xô đầu tư xây dựng nhà yến, tự cải tạo nhà ở sang kết hợp dẫn dụ chim yến...
Tuy nhiên, số lượng nhà yến đáp ứng các điều kiện về đất đai, xây dựng, chăn nuôi... theo đúng quy định của pháp luật thì rất ít. Mặc dù UBND huyện, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, xử lý ngăn chặn, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn không quản lý hết, các nhà yến xây dựng trái phép vẫn cứ mọc lên…
Gỡ khó cho ngành hàng yến sào
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, việc gây nuôi chim yến đã và đang trở thành ngành hàng nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao của tỉnh. Tuy nhiên, ngành nuôi yến ở Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn và thách thức về định hướng quy hoạch vùng nuôi trọng điểm, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Do chưa có quy chuẩn về nhà yến nên các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan về việc xây dựng nhà yến. Ảnh: M.Thuận. |
Cũng theo ông Hà, đa số người nuôi chim yến còn thiếu và yếu về kỹ thuật gây nuôi, sơ chế, chế biến, trang thiết bị lắp đặt, thông tin thị trường tiêu thụ. Việc kiến tạo, dẫn dắt và quản lý nhà nước đang còn nhiều hạn chế, có lúc lúng túng do còn thiếu các quy trình, quy chuẩn ngành hàng, các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách hỗ trợ.
Chim yến chính thức đã được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật. Đồng thời, sản phẩm của yến được đưa vào định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045. Sản lượng tổ yến Việt Nam ước đạt 150 - 200 tấn/năm, với khoảng trên 3 tấn yến đảo.
Hiện nay, dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, từ 1.500 - 2000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200 - 300 triệu USD/năm, đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu được sản phẩm tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để ngành hàng yến sào phát triển, trở thành một trong những ngành hàng mũi nhọn của ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế này cũng đặt ra cho người nuôi yến, doanh nghiệp chế biến và nhà quản lý trong nước nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc quản lý nuôi chim yến đã được quy định tại Điều 64 Luật Chăn nuôi năm 2018 và tại Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 (có hiệu lực từ ngày 23/8/2021) quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Nghị quyết số 09).
Sở NN-PTNT cũng đã chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để chủ cơ sở chăn nuôi, chủ nhà yến và người dân nắm rõ các quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay cho các địa phương là Trung ương chưa ban hành quy chuẩn nhà yến, gây khó khăn cho địa phương và cơ quan quản lý trong việc thực hiện thủ tục liên quan đến xây dựng nhà yến.
Theo đó, Sở NN-PTNT kiến nghị Trung ương sớm ban hành các quy định về cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn; môi trường, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ công tác xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển ngành hàng yến bền vững; UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi bảo đảm quy định để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng yến bền vững.
Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk cho rằng, cần có quy hoạch cụ thể, phù hợp về vùng nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh để bà con yên tâm đầu tư. Đồng thời cần cho phép một quy định riêng về việc cấp phép xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp đa chức năng, hay đất nông nghiệp khác để giúp phát triển kinh tế, tăng hiệu quả khai thác trên đất nông nghiệp…
Theo Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Kim Đăng, UBND các tỉnh nên khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn để xin ý kiến HĐND tỉnh quy định vùng nuôi phù hợp theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết trong ngành yến, quản lý theo mã định danh của nhà yến uy tín bằng phần mềm chuyên dụng, hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác. Trong đó, các tỉnh cần sớm ban hành hướng dẫn cấp mã số cơ sở nuôi yến để thực hiện việc đăng ký xuất khẩu tổ yến.