Bên trong nhà dụ chim yến. |
Hàng nghìn nhà dụ yến rải rác khắp tỉnh
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện tình trạng người dân tự ý xây nhà yến trong khu dân cư, thống kê của UBND tỉnh này cho thấy có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ chim yến nằm rải rác trên địa bàn.
Một số địa phương có nhiều nhà dẫn dụ chim yến như thị xã Chơn Thành 302 nhà, TP Đồng Xoài 157 nhà, thị xã Phước Long 200 nhà, huyện Bù Đăng 218 nhà; còn lại dao động trên dưới 100 nhà mỗi huyện, thị xã.
Trong số này, có không ít các nhà yến được xây dựng kết hợp với nhà ở và các công trình dân dụng khác ở tầng lầu. Nhiều nhà yến được xây dựng trong khu dân cư nên ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là về tiếng ồn.
Một nhà yến ở thị xã Chơn Thành mọc ngay một bên nhà dân. |
Các nhà yến trên địa bàn tỉnh chủ yếu nằm trong khu vực dân cư và được xây dựng trước thời điểm Nghị định 13/2020 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành, từ ngày 5-3-2020.
Cùng với đó, đa số hộ chăn nuôi chim yến nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Việc xây dựng nhà dẫn dụ chim yến dựa vào kinh nghiệm và phong trào dẫn đến hiệu quả dẫn dụ không đồng đều, một số nhà khai thác không hiệu quả.
Đó là chưa kể, thời gian gần đây, nhiều người dân sống gần các nhà yến trong khu dân cư rất bức xúc vì tiếng ồn của chim yến ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của họ, đặc biệt là ô nhiễm về tiếng ồn từ máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến.
Theo ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ triển khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh theo quy định của luật Chăn nuôi, phát triển vùng nuôi chim yến phù hợp, không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.
Đối với các cơ sở dẫn dụ, khai thác chim yến phải có trang thiết bị bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến. Cơ sở phải có trang thiết bị nhà xưởng, có quản lý theo dõi, được cấp mã số để truy xuất nguồn gốc. Song song đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh thú y, môi trường, dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở và sản phẩm tổ yến.
Lần đầu tiên Bình Phước ra nghị quyết về nuôi chim yến
Trước tình trạng trên, lần đầu tiên tỉnh Bình Phước vừa ban hành nghị quyết về quy định vùng nuôi chim yến. Theo đó, vùng nuôi chim yến phải là vùng nằm ngoài khu dân cư và quy hoạch đất khu dân cư, khu vực quy hoạch đất quốc phòng, quy hoạch đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị quyết cũng yêu cầu đảm bảo khoảng cách từ nhà yến đến khu dân cư tối thiểu 300 m. Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại nghị quyết này phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới.
Loa phóng thanh dẫn dụ chim yến gây phiền toái cho người dân trong các khu dân cư. |
Cụ thể, ngoài giữ nguyên trạng, chủ cơ sở nuôi yến còn phải có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; có hồ sơ ghi chép, lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA; thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5h-11h30 và từ 13h30-19h mỗi ngày…
Nhờ có khí hậu ôn hòa, những năm qua, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ chim yến về làm tổ và thu hoạch sản phẩm tổ yến, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc đô thị hóa phát triển nhanh, quy hoạch phát triển đô thị được mở rộng, dẫn đến các cơ sở chăn nuôi chim yến nằm trong khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của nguời dân, đặc biệt là ô nhiễm về tiếng ồn từ máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến.
Nuôi chim yến trong nhà là một nghề mới xuất hiện nhưng đang phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên việc nuôi chim yến là tự phát, chưa có chính sách, quy hoạch cụ thể về phát triển. Do đó, cần phải xây dựng kỹ thuật dẫn dụ (nuôi chim yến), các thông số kỹ thuật: nhà nuôi yến, quy mô đàn/m2 xây dựng, các chính sách liên quan đến nuôi yến.
Các Bộ, ngành liên quan cần ban hành các Tiêu chuẩn; Quy chuẩn kỹ thuật đặc thù về xây dựng nhà nuôi yến, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý việc nuôi chim yến để các địa phương làm cơ sở quản lý.
Nhiều hộ dân bức xúc vì tiếng ồn của chim yến và máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chim yến được chính thức công nhận là động vật trong chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi năm 2018. Trong thời gian qua, ngành nuôi yến đã có bước phát triển mạnh mẽ; đến nay 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nuôi chim yến với khoảng trên 24.000 nhà yến, sản lượng 120 - 150 nghìn tấn/năm, tạo nhiều công ăn việc làm và nguồn thu nhập lớn cho người dân. Việt Nam là một trong những được Trung Quốc chấp thuận cho phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến. Giá trị xuất khẩu tổ yến mang lại khoảng 500 triệu USD/năm.
Trước đó, ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg ngày 30/6/2023 về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến./.