Cận cảnh một đàn yến sa lưới tàng hình. |
Khi chim yến trở thành mồi trên bàn nhậu
Thời gian gần đây các địa phương như Long An, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận giáp biên giới với Campuchia xuất hiện nhiều người cắm cọc tre cao hơn 3m tạo thành hàng dài hơn 100m, sau đó lấy lưới cao 2 - 3m gắn vào rồi dùng loa phát âm thanh dụ chim yến đến rồi dùng lưới chụp bắt.
Loại lưới này gọi là "tàng hình" do sợi nhỏ, treo lên cách mặt đất một mét, chim yến không nhìn thấy nên lao vào và dính bẫy. Tình trạng bẫy chim yến bằng lưới "tàng hình" thường nở rộ trong thời điểm mùa chim non ra ràng.
Ngoài bắt bằng lưới "tàng hình", nhiều thợ săn dùng lưới rộng 2m, dài 5m, hai đầu lưới buộc vào cây sào và được cố định với hai sợi dây trên mặt đất để lật qua, lật lại. Dưới đất, thợ săn dùng hai con yến làm mồi nhử, mở loa phát ra âm thanh dụ yến đến. Khi chim bay đến, thợ săn lật lưới chụp bắt.
Lưới tàng hình dăng khắp nơi để bắt chim trời khiến hủy diệt đàn yến. |
Một người chuyên bẫy chim yến cho biết, bắt chim yến vào 5 - 7 giờ và 17 - 18 giờ hàng ngày vì thời điểm này yến đi ăn nhiều. Chim yến thường đến các ruộng lúa có nhiều côn trùng như kiến cánh, ong, chuồn chuồn kim... để bắt mồi. Do không phát hiện được lưới của thợ săn, chim thường mắc vào và không cách nào thoát ra được.
Ông Đinh Viết Thuận, chủ đầu tư nhiều nhà yến tại Khánh Hòa và Đồng Nai, bức xúc: "Nạn săn bắt chim yến xuất hiện khắp nơi. Mỗi ngày, một người bẫy yến có thể bắt hàng trăm con, bán cho thương lái 5.000 đồng/con để phóng sinh, hoặc bán vào cho nhà hàng, quán nhậu. Lợi ích của họ không đáng bao nhiêu, nhưng gây thiệt hại đến môi trường tự nhiên và nhiều người khác".
Theo Hội Yến sào Phú Yên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 8 vụ giăng lưới bẫy bắt chim yến và chim hoang dã, nóng nhất tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa. Trong đó, 2 vụ xảy ra tại xã Hòa An (Phú Hòa) đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Các đối tượng vi phạm đã bị lập biên bản, tịch thu tang vật gồm xe máy, hơn 600m lưới tàng hình và nhiều dụng cụ khác nhằm thực hiện hành vi giăng bẫy chim yến và tận diệt tất cả loài chim khác khi mắc lưới.
Bắt chim bố mẹ sẽ hủy hoại cả đàn chim yến non
Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh Phú Yên, Phó chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết: Theo thống kê, hiện nghề dẫn dụ chim yến của nước ta tập trung trên 42 tỉnh, thành với khoảng 24.000 nhà yến. Trong đó, nhiều tỉnh có nhà yến lớn như Kiên Giang 3.000 nhà, An Giang 2.000 nhà, Đồng Nai gần 1.500 nhà. Bên cạnh đó, các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai là những địa phương phát triển sớm về dẫn dụ chim yến và có sản lượng phát triển đáng kể.
Nghề nuôi yến hiện thu hoạch sản lượng khoảng 120 tấn tổ yến, giá trị thu về mỗi năm trên 500 triệu USD và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, sản lượng đàn chim yến cũng như chất lượng tổ yến năm nay có phần giảm sút. Trong đó, số lượng đàn chim yến giảm mạnh ở vùng ven biển từ Bình Thuận đến Đà Nẵng.
Nạn săn bắt chim yến không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà nhiều năm trước đã từng rộ lên, khiến rất nhiều nhà yến ở khu vực Đông Nam bộ, Tây nguyên và các tỉnh lân cận rơi vào tình trạng số lượng đàn chim trong nhà giảm mạnh. Không những thế, tình trạng chim non đói chết cũng xuất hiện nhiều tại các nhà yến do chim bố mẹ bị bẫy bắt.
Một người dân chở hàng trăm con chim yến mang đi bán ở xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 595 về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép…
Trong đó, tổ chức tuyên truyền người dân không bẫy bắt, tiêu thụ chim yến; kịp thời tố giác hành vi săn bắt chim yến trái phép; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện bẫy, bắt; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán chim hoang dã, chim yến trái pháp luật...
Chim yến thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, cấm săn bắt, thường sống thành bầy đàn ở hang đá trên các đảo, không đậu trên cành cây hay mặt đất. Sáng sớm chúng rời đảo bay vào đất liền, vừa bay vừa bắt côn trùng, chập tối bay về đảo trú ngụ. Tổ yến có giá trị kinh tế do chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, glucose, vitamin, khoáng chất và lipid.
Kiểm lâm Quảng Nam tịch thu lưới tàng hình ở huyện Thăng Bình. |
Chim yến thường đến các ruộng lúa có nhiều cào cào, kiến, ong, mối, chuồn chuồn kim... để săn mồi. Do không phát hiện được lưới của thợ săn, chim thường mắc vào và không cách nào thoát ra được. Ngoài bắt bằng lưới tàng hình, nhiều thợ săn dùng lưới rộng 2 m, dài 5 m, hai đầu lưới buộc vào cây sào và được cố định với hai sợi dây trên mặt đất để lật qua, lật lại. Dưới đất thợ săn dùng hai con yến làm mồi nhử, mở loa phát ra âm thanh mô phỏng dụ yến đến. Khi chim bay đến, thợ săn lật lưới chụp bắt.
Hành vi săn bắt chim yến dẫn tới nguy cơ hủy diệt đàn yến, ảnh hưởng tới nghề nuôi yến tại các địa phương. Đây cũng là hành vi vi pháp pháp luật. Việc săn bắt chim yến trái phép mức phạt được áp dụng theo điều 27 Nghị định 14/2021 từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim để sử dụng vào mục đích khác ngoài việc nuôi để khai thác tổ, hoặc nghiên cứu khoa học./.