Kon Tum: Khai mạc Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế Sắp diễn ra Ngày hội ẩm thực “ 49 món rau trộn Đà Lạt” Cháo se Hạ Mỗ - món ăn độc lạ của người dân xứ Đoài |
Xứ Đoài xưa kia là nơi đặt kinh đô Phong Châu của nhà nước Văn Lang, nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn (sông Đà, sông Thao, sông Lô) để rồi tụ thuỷ đầu dòng sông Nhị Hà( sông Hồng ngày nay). Nơi hợp lưu của ba dòng sông đó nay là ngã ba Bạch Hạc thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Hiện nay qua biến động của lịch sử, xứ Đoài được hiểu là các huyện ở phía tây của Hà Nội, gồm các huyện chủ yếu ở ven quốc lộ 32 như: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì và một số vùng thuộc tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Cổng làng Đường Lâm - Sơn Tây. |
Xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam. Có thể coi đây là không gian cô đọng của văn hóa Việt Nam, đồng thời có nhiều nét đặc sắc riêng, là kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa Việt Nam.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Xứ Đoài là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có, không thấy ở bất cứ nơi đâu. Văn hóa xứ Đoài là một kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam”.
Việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài là vô cùng quan trọng. Trong đó, phải kể đến các đặc sản của xứ Đoài đã có chiều dài và bề dày lịch sử hàng trăm năm. Bài viết dưới đây, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm xin giới thiệu tới bạn đọc một số đặc sản của người dân xứ Đoài xưa mà còn lưu giữ đến ngày nay.
Bánh tẻ Phú Nhi - Sơn Tây
Theo người dân Phú Nhi, bánh tẻ có từ lâu đời. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Bánh tẻ Phú Nhi được nhắc đến từ khi khánh thành ngôi đình làng Phú Nhi (năm 1802 - niên hiệu Gia Long nguyên niên), nhân dân làm bánh dâng cúng Thành Hoàng làng. Đây là loại bánh được đánh giá là một lễ vật rất đơn sơ, giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống thường ngày của nhân dân và dần trở thành một món ăn, một tặng phẩm không thể thiếu trong các dịp giỗ - tết - lễ hội truyền thống của quê hương Phú Nhi. Bánh tẻ Phú Nhi bắt nguồn từ câu chuyện tình đẹp nhưng có cái kết buốn của đôi trai gái làng Giáp Đoài - Sơn Tây xưa, chàng thì tên Phú và nàng tên Nhi. Vì thương nhớ người yêu, mà khi làm ra chiếc bánh tẻ thơm ngon, chàng trai đã đặt tên ghép của hai người là một, đó là Phú Nhi. Kể từ đó bánh tẻ mà chàng trai làm ra có cái tên là bánh tẻ Phú Nhi và được lưu giữ đến ngày nay.
Bánh tẻ Phú Nhi - Sơn Tây. |
Gà mía Đường Lâm - Sơn Tây
Theo các cụ cao niên của làng cổ Đường Lâm kể lại, gà mía có hình thức đẹp (nét đẹp phảng phất con công, con phượng) nên xưa nay gà mía thường được nuôi, với mục đích là thờ cúng (cúng đình), tế lễ (tế Thành Hoàng), giỗ chạp, biếu xén và ăn tết.
Thịt gà mía thơm, có vị ngọt, đậm, dai, da gà ăn rất giòn, nhất là gà trống thiến. Thịt gà mía ngon là do cách chăn nuôi của người Sơn Tây, thịt gà mía có thể chế biến thành nhiều món như luộc, nướng, quay, xào… Thời xưa, gà mía là một trong những đặc sản dùng để tiến vua của người dân xứ Đoài.
Gà mía Đường Lâm - Sơn Tây. |
Tương Đường Lâm - Sơn Tây
Tương Đường Lâm là một đặc sản của người xứ Đoài xưa, tương do người làng Mông Phụ làm ra. Tương Đường Lâm bởi có hương vị đặc biệt là do quá trình làm ra loại tương này rất cầu kỳ, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách thức làm. Vì vậy đây được coi là một trong những đặc sản của người dân xứ Đoài còn lưu lại đến ngày nay. Đó là thứ quà quê hương giản dị, mộc mạc được chắt chiu từ nguyên liệu đơn sơ, gần gũi dễ kiếm, dễ tìm nhưng chan chứa cả tình yêu, tấm lòng chân thành của người dân quê. Có lẽ bất cứ du khách nào đã từng ghé thăm Đường Lâm và thưởng thức tương Mông Phụ dù một lần rồi nhớ mãi chằng thể quên hương vị nồng đượm tình quê.
Người dân Đường Lâm đang làm tương. |
Thịt quay đòn Đường Lâm - Sơn Tây
Nhắc đến Đường Lâm, mảnh đất hai vua, không thể không nhắc tới món thịt quay đòn. Cũng là thịt quay nhưng người Đường Lâm có cách chế biến độc đáo, mang lại cho món ăn hương vị đặc biệt có một không hai. Thịt quay đòn là món không thể thiếu trong mâm cơm của người Đường Lâm những dịp lễ tết, đãi khách.
Thịt quay đòn Đường Lâm - Sơn Tây. |
Rau muống tiến vua Sen Chiểu - Phúc Thọ
Chuyện kể rằng; Một lần vua kinh lý qua làng Linh Chiểu (xã Sen Chiểu), ngài nghỉ trưa ở đây. Dân chúng vốn nghèo không có sơn hào hải vị đành dâng món rau muống mà họ ăn hằng ngày hy vọng nhà vua xá tội. Ăn thử, ngài ngạc nhiên vì rau không chát, ăn giòn, vị đậm và từ đó cứ đến ngày vua đến làng, dân trong vùng lại chọn những cây rau thân trắng, lá thưa dâng lên đức vua. Từ đó dân quanh vùng gọi rau muống Linh Chiểu là "rau muống tiến vua".
Rau muống tiến vua Sen Chiểu - Phúc Thọ. |
Cà tiến vua Hoà Thôn - Phúc Thọ
Cà tiến vua Hoà Thôn có cái tên dân dã là cà dầm tương, một món ăn được làm rất cầu kì mất thời gian, đây là đặc sản mà người làng Hòa Thôn, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội dùng làm quà biếu trong các dịp lễ tết. Cà dầm tương Hoà Thôn được làm từ cà bát, loại cà to như cái bát con. Cà bát là cà một năm chỉ có 1 lứa, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 là hết vụ. Trong dịp chính vụ này, quả cà sẽ to, bóng và không bị sơ già. Xưa kia đây là một trong đặc sản dùng để tiến vua, vì vậy còn có cái tên là cà tiến vua.
Cà dầm tương. |
Chè lam Thạch Xá - Thạch Thất
Chè lam Thạch Xá thuộc huyện Thạch Thất - Vùng đất xứ Đoài xưa, đây là món ăn được làm từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương, là một thứ quà thắm đượm tình cảm quê hương, gia đình. Những miếng bánh chè lam thành phẩm dẻo thơm mùi thóc nếp, ấm áp vị gừng cay, đậm đà mật mía và thơm bùi lạc rang. Tất cả được pha trộn, chế biến một cách thủ công truyền thống, không hề có chất bảo quản. Sự giản dị, mộc mạc, thuần túy tự nhiên của các nguyên liệu làm bánh cùng các công đoạn chế biến thủ công đã làm nên đặc trưng riêng biệt của thứ quà đặc sản của người dân Thạch Xá.
Khi thưởng thức chè lam Thạch Xá, cùng với nước trà nóng sẽ giúp ta nhớ hương vị quê hương nồng nàn, đậm đà ẩn sâu trong hương lúa nếp.
Chè lam Thạch Xá - Thạch Thất. |
Miến làng So - Quốc Oai
Nghề làm miến của làng So - Quốc Oai, có từ rất xa xưa. Nguyên liệu làm miến từ bột dong riềng nguyên chất và không dùng chất bảo quản nên sợi miến mềm, dai mà không hề bở. Đây cũng là một trong những đặc sản xưa kia của người dân xứ Đoài còn lưu giữ đến ngày nay.
Miến làng So - Quốc Oai. |
Bánh gai làng Giá - Hoài Đức
Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài bạn sẽ chẳng thể nào quên.
Từ khâu chọn nguyên liệu và cách làm bánh gai của làng Giá vô cùng cầu kỳ, đặc biệt gạo nếp để làm bánh gái của làng Giá phải gạo nếp cái hoa vàng. Chính vì vậy mà bánh gai do người dân làng Giá làm ra, có vị đặc trưng riêng so với các loại bánh gai khác.
Bánh gai làng Giá. |
Cháo se Hạ Mỗ - Đan Phượng
Đây là loại cháo vô cùng độc và lạ của người dân xứ Đoài xưa, còn lưu giữ đến ngày nay. Cháo se có từ thời nhà tiền Lý, đây là món cháo mà khi xưa hoàng tử Lý Bát Lang dưới triều đại hậu Lý Nam Đế thường dùng để khao quân mỗi khi thắng trận. Cháo se Hạ Mỗ được làm từ các nguyên liệu chính là gạo tẻ, gạo nếp và xương lợn. Chính cái tên cùng cách ăn độc đáo là dùng đũa để ăn, đã khiến món ăn này như một đặc sản vô cùng độc và lạ của người dân xứ Đoài xưa còn lưu giữ cho đến nay.
Cháo se Hạ Mỗ - Đan Phượng. |
Nem Phùng - Đan Phượng
Nguyên liệu làm nem Phùng gồm thịt và bì lợn, gạo nếp và tẻ, đậu tương, lá sung. Thịt được chọn làm nem phải là thịt mềm, có cả nạc và mỡ. Gạo được chọn làm thính cũng phải là loại tẻ ngon và một ít nếp cái hoa vàng. Thịt lợn được xắt thành từng thỏi rồi đem hấp cách thuỷ, lọc bì, mỡ và nạc riêng, sau đó thái chỉ. Thịt đun chín tái, sau đó dùng thính để chín ngấu. Thính được làm theo tỷ lệ bảy phần gạo tẻ, một phần gạo nếp và hai phần đậu tương, khi rang phải đều tay và đều lửa thì mới khô và có màu nâu sáng hấp dẫn. Gạo rang xong được đem vào cối xay nghiền cho mịn tơi, đến khi toả hương thơm lừng là đạt yêu cầu cho một mẻ thính. Cuối cùng là khâu đoạn trộn thính với bì lợn và thịt lơn đã lọc riêng với nhau rồi gói lại với lá sung trong lá chuối. Đây là một trong những món ăn yêu thích của người dân Hà Nội, đặc biệt là với người dân Đan Phượng.
Nem Phùng - Đan Phượng. |
Việc gìn giữ và lưu truyền lại các món quê đậm chất xứ Đoài là một việc làm vô cùng quan trọng - Đó là một phần không thể thiếu của văn hoá người Thăng Long - Hà Nội. Đây được coi là những đặc sản mang đậm hương vị quê hương của người dân xứ Đoài xưa còn lưu giữ đến ngày này.