So với bề dày lịch sử của âm nhạc giao hưởng thế giới, âm nhạc giao hưởng Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, chưa có nhiều công trình phân tích, giới thiệu về giao hưởng Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả về lĩnh vực này, năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách “Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung.
Cuốn sách “Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến” thể hiện quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc của tác giả và khắc họa rõ nét sự đổi mới sáng tạo trong sáng tác nhạc giao hưởng của các nhạc sĩ đương đại Việt Nam.
Cuốn sách gồm có 3 chương
Chương 1: Âm nhạc giao hưởng đương đại
Trong chương này, tác giả đã trình bày một số khái niệm về âm nhạc đương đại, một số đặc trưng của ngôn ngữ âm nhạc đương đại trong các tác phẩm giao hưởng thế giới (về kí hiệu, cấu trúc, xây dựng chỉ đề, hòa âm, phối khí…) sử dụng góc nhìn mới về âm thanh, âm nhạc (dựa trên ba trụ cột chính là âm thanh, thời gian và âm sắc) để nhìn nhận tính chất đương đại trong một tác phẩm giao hưởng cụ thể. Qua đó thấy được nhạc giao hưởng đương đại tác động sâu sắc đến thể giới bằng cách thúc đẩy trao đổi văn hóa, đổi mới công nghệ, hợp tác liên ngành, nhận thức xã hội, giáo dục và ngoại giao văn hóa.
Chương 2: Biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc đương đại trong giao hưởng Việt Nam giai đoạn từ khi đổi mới
Từ 1986 đến nay, các tác phẩm giao hưởng được sáng tác đã có nhiều thay đổi về lượng và chất. Các nhạc sĩ Việt Nam đã mạnh dạn áp dụng những kí hiệu âm nhạc mới, đưa vào tác phẩm những nội dung, cảm xúc âm nhạc theo sự chuyển biến của xã hội với hình tượng âm nhạc phong phú qua nhiều cách thức phương tiện biểu hiện. Sự lan rộng của kĩ thuật diễn tấu mới không chỉ đem đến âm sắc mới, màu âm mới cho tác phẩm mà còn thúc đẩy sự tìm tòi và cải tiến nhạc khí. Bên cạnh đó là những nét mới trong hình thức và cấu trúc tác phẩm như cấu trúc có dạng mở montage.
Hòa âm với lối tư duy mới đã mở ra một số giải pháp đặc sắc và phù hợp với bối cảnh văn hóa âm nhạc Việt Nam. Đó là sự kết hợp linh hoạt giữa tính phức điệu tự do của âm nhạc phương Tây với phong cách hòa tấu kiểu “lòng bản” của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Có thể kể tên một số nhạc sĩ trong giai đoạn này như: Ca Lê Thuần, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Hồng Quân…
Chương 3: Tiếp biến trong giao hưởng đương đại Việt Nam
Âm nhạc giao hưởng Việt Nam cũng đã trải qua ba lần tiếp biến lớn. Giai đoạn đầu từ đầu thế kỉ XX đến năm 1955, giai đoạn thứ hai từ 1956 đến 1975, giai đoạn thứ ba là từ 1975 đến nay. Ba giai đoạn tiếp biến đã vẽ nên một dung mạo toàn thể của giao hưởng Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 1986 đến nay bắt đầu xuất hiện nhiều tác phẩm mang yếu tố mới lạ.
Các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng Việt Nam có thể được nghiên cứu ở mức độ kế thừa – tiếp thu – biến đổi – sáng tạo, mà cụ thể là ở ba cấp độ từ cơ bản đến nâng cao bao gồm: âm nhạc trong âm nhạc, âm nhạc từ âm nhạc và âm nhạc về âm nhạc. Ba cấp độ tiếp biến âm nhạc này được phân loại theo mức độ sáng tạo nghệ thuật có trong một tác phẩm âm nhạc dựa trên cảm nhận của khán giả.
Cuốn sách "Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến" không chỉ là một công trình phân tích âm nhạc mà còn là lời khẳng định cho bản sắc giao hưởng Việt Nam trong dòng chảy âm nhạc thế giới. Tác phẩm vừa mang tính lý luận hàn lâm, vừa giàu giá trị thực tiễn, trở thành tài liệu quý giá cho giới nghiên cứu, nhạc sĩ và người biểu diễn chuyên nghiệp.
Cuốn sách khẳng định vai trò của âm nhạc giao hưởng Việt Nam trong bức tranh toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng để thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo, đưa âm nhạc Việt Nam bay xa hơn trên bản đồ âm nhạc quốc tế.
Giáo dục STEM - Hành trình sáng tạo |
Cẩm nang hướng dẫn công tác quản lí trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục |
Hướng dẫn thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non |