Trường Foods: Thương hiệu thịt chua đến từ miền đất Tổ ̀̀ 5 đặc sản nhất định phải thử khi du lịch vùng Đất Tổ 8 món ăn đặc sản vùng miền Việt Nam đã thử là mê |
Thịt chua Phú Thọ là món ăn quen thuộc của người dân đất tổ, là món ăn do chính bàn tay của những người dân Mường ở vùng đất Thanh Sơn (Phú Thọ) tạo ra. Hiện nay do quá trình đô thị hóa, cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin, thịt chua Phú Thọ được giới thiệu đến các vùng miền của đất nước. Trong bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu thêm về món ăn vô cùng độc lạ của người dân đất tổ, cũng như cách thức làm theo chuẩn công thức của người dân đất tổ.
Thịt chua Phú Thọ |
Nguồn gốc của thịt chua Phú Thọ
Nói đến thịt chua Phú Thọ, không ai biết đặc sản này được tạo ra ở đâu và từ bao giờ. Thịt chua Phú Thọ nổi tiếng và thơm ngon nhất phải kể tới thịt chua do người dân ở huyện Thanh Sơn làm. Về đến Thanh Sơn chúng ta sẽ được nghe câu ca quen thuộc của người dân nơi đây: “Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua”.
Đến Thanh Sơn không khó để thấy những cửa hiệu bày bán thịt chua ở hai bên đường và cả trong hệ thống các siêu thị, nhà hàng. Thịt chua vốn là món ăn truyền thống của người Mường vùng Thanh Sơn. Theo những người cao tuổi ở xứ Mường nơi đây, khi xưa, mảnh đất này có nhiều lợn rừng, lợn đen ngon. Với mong muốn bảo quản thịt để ăn lâu dài, người dân đã nghĩ ra cách ướp thịt với muối cùng với một chút thính ngô tự giã.
Thịt lúc đó được cắt thành những miếng to để trong chum, vại, ống nứa. Món thịt chua đã bắt nguồn từ đó. Về sau, trong quá trình chế biến, người dân đã tẩm ướp thêm nhiều gia vị khác và dần hình thành món thịt chua - đặc sản như ngày nay.
Cách làm món thịt chua Phú Thọ
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu làm thịt chua Phú Thọ
Thịt lợn là 800 gram thịt lợn (phải là thịt mông, ba chỉ hoặc nạc vai).
200 gram thính gạo – ngô – đậu xanh.
Lá ăn kèm : Chuẩn bị lá ổi, hoặc lá sung, lá đinh lăng.
Gia vị chuẩn bị gồm: Muối, tiêu, bột ngọt, hạt nêm, tỏi ớt băm nhuyễn.
Nguyên liệu làm thịt chua Phú Thọ |
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Thịt lợn sau khi mua về, đem đi rửa sạch với muối, rồi xả sạch với nước, đem để ráo. Sau khi rửa sạch thịt, mang thịt đi luộc trước khi chế biến hoặc thêm ít rượu trắng vào nước chần thịt lợn. Rượu có khả năng khử sạch mùi hôi vô cùng hiệu quả.
Sau đó, đem thịt đi nướng tái bề mặt thịt trên than hồng. Bên trong cần giữ cho thịt sống để cho khâu ủ chua thịt sẽ tự chín và tạo ra hương vị đặc trưng của món thịt chua. Phần da lợn nướng kỹ hơn, có thể khò qua lửa chín khoảng 70%, để loại bỏ những chất bẩn, lớp lông trên bề mặt, vừa giúp da săn, giòn hơn và khi ăn không bị dai.
Thịt thui xong đem đi thái mỏng thành từng miếng nhỏ vừa ăn, thường là thái chỉ sẽ giúp món ăn vừa đẹp mắt lại dễ thấm đều gia vị hơn. Trong quá trình thái, bạn nhớ thái đều tay, đều các miếng thịt.
Các lá ăn kèm như: Lá ổi, lá sung và lá đinh lăng đem rửa sạch rồi để ráo khô nước.
Bước 3: Trộn thịt
Trộn thịt với gia vị theo tỷ lệ là 1,5 thìa hạt nêm và ⅔ thìa bột tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng bột ngọt, tỏi ớt băm nhuyễn rồi trộn đều lên, ướp trong khoảng từ 40 đến 60 phút để thịt được ngấm đều gia vị. Trong khâu này cần trộn đều tay, bóp thật nhiều để cho gia vị ngấm đều vào từng thớ thịt. Khi ăn miếng thịt sẽ đậm vị và ngon hơn.
Sau khi thấy thịt đã ngấm đều gia vị thì cho thêm thính vào và trộn đều đến khi thính phủ đều khắp bề mặt thịt. Khi vào thính, đừng cho nhiều mà cũng đừng cho ít thính quá. Nếu không thành phẩm sẽ bị hỏng hoặc sẽ không được ngon. Bạn cho thính vào khi nào thấy thính bám đều trên bề mặt miếng thịt, không thấy thịt bị ướt là đạt chuẩn.
Bước 4: Ủ thịt chua
Chuẩn bị một hũ đựng bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa sạch để ủ thịt.
Xếp một lớp lá khoảng 8 chiếc lá ổi, lá sung, lá đinh lăng xuống phía dưới hũ nhựa rồi cho phần thịt đã ướp vào. Trong quá trình nén thịt vào hũ, bạn cần nén chặt thịt, không được để không khí còn ở trong hũ. Vì thịt chua chín nhờ quá trình lên men, ở trong môi trường yếm khí, nếu để khe hở, lọt khí vào bên trong thì sẽ gây hỏng thịt.
Trên cùng cần phủ thêm một lớp khoảng 8 chiếc lá các loại vào rồi dùng thanh tre ngắn vừa miệng lọ để nén thịt lại. Úp ngược hũ vào một khay đã cho ít nước để tiến hành ủ chua thịt. Thay nước đều đặn 1 lần hàng ngày.
Nếu trời nắng thì sau khoảng 3 đến 4 ngày là thịt đã có thể ăn được, còn nếu trời lạnh hơn thì cần ủ lâu hơn khoảng 5 đến 7 ngày thịt mới chín. Không nên ủ quá khoảng thời gian này vì thịt bị chín quá và có thể có vị rất chua.
Cần chú ý thay nước cẩn thận để nước không ngấm vào thịt sẽ làm hư thịt. Sau thời gian ủ như trên, chúng ta đã có được món thịt chua.
Thịt chua Phú Thọ sau khi làm xong |
Cách bảo quản thịt chua Phú Thọ
Muốn sử dụng món thịt chua Phú Thọ được lâu, nên bảo quản thịt trong ngăn mát tủ lạnh để hãm sự lên men làm thịt quá chua.
Thịt chua sau khi mở hũ chỉ nên tiêu thụ trong 2 – 3 ngày. Do đó, nên chia phần thịt ủ trong nhiều hũ nhỏ vừa dùng cho một bữa thì tốt nhất.
Hạn sử dụng của món ăn này chỉ từ 15 – 30 ngày. Quá 30 ngày thì thịt sẽ không còn ngon và không an toàn vệ sinh thực phẩm nữa.
Thịt chua Phú Thọ hoàn thiện để mang ra thị trường |
Cách thưởng thức món thịt chua Phú Thọ
Thịt chua Phú Thọ có thể ăn kèm với các lá như: Lá sung, lá ổi, lá đinh lăng, lá lộc vừng. Khi ăn kèm với các loại lá trên thì vị của thịt chua sẽ ngon hơn và chuẩn cách thưởng thức món ăn của người dân đất tổ.
Ăn thịt chua kèm lá sung: Đây là loại lá được nhiều người ưa dùng khi dùng với thịt chua. Lá có vị chát chát, bùi bùi. Chỉ cần cuốn thịt chua với lá sung chấm cùng tương ớt là bạn đã có thể cảm nhận được sự đặc sắc của món ăn trứ danh đất tổ này.
Ăn thịt chua với lá đinh lăng: Lá có vị hăng, hơi ngăm ngăm đắng nhưng khi ăn xong bạn lại thấy vị ngọt lưu lại nơi cuống họng. Không chỉ tốt cho sức khỏe mà lá đinh lăng khi kết hợp với thịt chua lại tạo nên hương vị vô cùng vô cùng hoàn hảo.
Thưởng thức thịt chua Phú Thọ với bia lạnh |
Ăn thịt chua với lá lộc vừng lá lộc vừng: Lộc vừng bánh tẻ có vị chan chát, hòa cùng với vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay của món thịt chua trở thành món ăn hấp dẫn và đặc sắc.
Ăn kèm lá ổi: Lá ổi ngoài có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, nó còn là một loại ‘rau sống’ dùng để ăn kèm với thịt chua rất ngon. Mới đầu ăn bạn sẽ thấy có vị hơi chan chát. Nhưng càng nhai càng bùi, càng ngọt rất quyến rũ, ăn hoài mà không ngán.
Thịt chua Phú Thọ hiện được giới thiệu đến các vùng miền khác nhau trên cả nước. Vì vậy hiện nay ở đâu chúng ta cũng có thể thưởng thức hương vị đặc trưng của món ăn thơm ngon của người dân miền đất tổ.
Đặc sản thịt chua Phú Thọ lưu giữ văn hóa người Mường |
Loại lá tưởng không ăn được, ngờ đâu làm thành món đặc sản ai ăn cũng mê tít |
Trường Foods: Thương hiệu thịt chua đến từ miền đất Tổ |