Sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. |
Vai trò quan trọng của sách giáo khoa
Sách giáo khoa (SGK) đóng vai trò quan trọng trong hầu hết mọi hệ thống trường học trên thế giới, là nguồn tài nguyên hữu ích cho cả giáo viên với tư cách là người giảng dạy và với học sinh trong việc tiếp thu kiến thức.
Kiến thức trong SGK là một hệ thống kiến thức khoa học, chính xác, theo các cấp độ logic chặt chẽ khác nhau. Ngoài phần kiến thức, SGK còn có phần nội dung về rèn luyện các kỹ năng. Nội dung kiến thức cũng như nội dung về rèn luyện các kỹ năng được gia công về mặt sư phạm cho phù hợp với trình độ học sinh và thời gian học tập. Logic của nội dung kiến thức và phần nội dung về rèn luyện các kỹ năng là những yếu tố chủ yếu trong việc định hướng lựa chọn phương pháp giảng dạy môn học.
Là chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương nhìn nhận: Mỗi một đứa trẻ sẽ có năng lực, môi trường sống và biểu hiện sống hoàn toàn khác nhau. Chúng ta càng có nhiều bộ SGK thì học sinh càng có nhiều cách tiếp cận kiến thức phù hợp, càng có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, nhiều bộ SGK cho một chương trình là điều tuyệt vời cần thực hiện vì lợi ích của chính các em học sinh.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của SGK, tuy nhiên trong xã hội hiện nay, cuộc sống, môi trường thay đổi quá nhanh khiến cho giáo dục hiện đại đã chuyển từ việc dạy học theo lối truyền thống (dựa trên SGK, một hệ thống tri thức và quy trình cố định) sang xu hướng dạy học dựa trên các tiêu chuẩn (dựa trên mục tiêu mong muốn).
Chúng ta cần một nền giáo dục nhấn mạnh đến việc hình thành năng lực tư duy độc lập, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng mềm và các tri thức hiện đại. Muốn vậy, nền giáo dục đó phải có một mức độ linh hoạt nhất định, phải nhấn mạnh hơn vào vai trò của người dạy như là người thiết kế quá trình học tập của người học và chủ động lựa chọn phương pháp, nội dung cụ thể, vận dụng linh hoạt kiến thức trong và ngoài SGK.
Vậy nên, SGK vẫn là nền tảng, cốt lõi kiến thức để giảng dạy trong một nền giáo dục, nhưng bản thân SGK cần không ngừng hoàn thiện, nâng cao để phù hợp với thời đại.
Theo đại diện Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam, xuất phát từ vai trò và tính “đặc thù” của SGK mà việc biên soạn làm SGK cũng rất “đặc thù”. Điều này được thể hiện ở trên các phương diện sau.
Thứ nhất, SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Thứ hai, SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định và ban hành sử dụng trong toàn quốc
Thứ ba, SGK là loại sách thường có số lượng in ấn và phát hành lớn;
Thứ tư, việc tổ chức biên soạn SGK thường gắn với các chủ trương lớn về giáo dục của Đảng và Nhà nước;
Thứ năm, SGK luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội bởi đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác giáo dục – một trong các lĩnh vực liên quan đến hầu hết mọi gia đình trong cộng đồng xã hội.
Thứ sáu, SGK là dạng ấn phẩm đặc biệt, đòi hỏi tính chính xác cao nên công đoạn làm sách phải hết sức bài bản, chặt chẽ và cần tính chuyên nghiệp.
Sự thay đổi trong làm SGK và những cái “khó” của nhà xuất bản
SGK là một loại sản phẩm hàng hóa luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Mọi sự thay đổi dù là nhỏ nhất trong sách đều được giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội dõi theo. Xác được định điều đó, NXBGD Việt Nam cho biết đã xây dựng một quy trình biên soạn đầy đủ, chặt chẽ, hướng tới mục tiêu có những bộ SGK đảm bảo chất lượng về nội dung và về hình thức; tuân thủ đúng theo chương trình và phát huy tiềm năng, sự chủ động, sáng tạo của học sinh.
Sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đến tay người tiêu dùng. |
Cũng theo đại diện NXBGD Việt Nam, để có một cuốn SGK đến khâu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt cần trải qua rất nhiều công đoạn với yêu cầu khắt khe. Theo đó, trước tiên phải xây dựng đội ngũ tác giả, biên tập, thiết kế; Nghiên cứu Chương trình của Bộ; Xây dựng đề cương (Đề cương tổng thể các lớp, đề cương từng lớp).
Tiếp đó là biên soạn, thiết kế các bài mẫu cho các dạng bài học điển hình; Thực nghiệm các bài mẫu; Hoàn thiện các bài mẫu; Biên soạn đại trà; Thiết kế, chế bản, minh hoạ, vẽ bìa; Thẩm định nội bộ. Sau đó trình thẩm định quốc gia; xin ý kiến rộng rãi.
Khi đã xin ý kiến rộng rãi và được chấp thuận thì tiến hành khâu cuối cùng: trình Bộ trưởng ký quyết định ban hành sử dụng.
“Những công đoạn làm SGK nêu ra tưởng chừng rất ngắn, mất thời gian ít. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì rất phức tạp và mất nhiều thời gian, chứ không hề đơn giản. Bởi SGK là một sản phẩm hàng hóa hết sức “đặc biệt””, đại diện NXBGD Việt Nam cho hay.
Quá trình biên soạn, xuất bản SGK nếu như trước đây việc xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, dạy thí điểm, tập huấn giáo viên đều do Bộ GD&ĐT. Nhà xuất bản chỉ thực hiện từ khâu biên tập, xuất bản, in và phát hành. Thế nhưng với SGK Chương trình 2018, các NXB/đơn vị tổ chức biên soạn phải thực hiện toàn bộ các khâu từ xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, biên tập; tổ chức thực nghiệm; giới thiệu, tập huấn giáo viên; xuất bản, in và phát hành. Và các đơn vị xuất bản phải chịu gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến cả quá trình này. Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho các NXB.
Bên cạnh đó, trước đây do chỉ có 01 bộ SGK nên không phải thực hiện công đoạn giới thiệu sách. Nhưng khi thực hiện xã hội hóa SGK thì các NXB phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bằng nhiều phương thức khác nhau.
Ngoài ra, việc cung ứng sách cũng phức tạp hơn do các địa phương không lựa chọn SGK theo bộ mà lựa chọn theo môn học. Các trường học có thể lựa chọn sách từ nhiều bộ khác nhau. Do đó các đơn vị xuất bản cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình cung ứng SGK theo nhu cầu riêng của từng trường.