Nghề nuôi yến đang gặp khó khăn khi sản lượng giảm và giá thành tổ yến lao dốc. |
Tổ yến tồn kho khi giá giảm gần một nửa
Thị trường yến sào hiện gặp khó khăn do sức tiêu thụ giảm, giá bán thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều cơ sở chuyên thu mua tổ yến thô ở Kiên Giang đã tồn hàng số lượng lớn.
Với gần 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng ước đạt 17,5 tấn/năm, Kiên Giang là tỉnh có số lượng nhà nuôi chim yến lớn nhất cả nước. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 2.456 hộ nuôi chim yến với gần 3.000 nhà tập trung ở TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, huyện Hòn Đất, Kiên Lương…
Thời điểm này của những năm trước, yến sào hút hàng, tăng giá. Vì vậy, nhiều cơ sở thu mua tổ yến thô chưa vội bán ra mà ôm hàng chờ tăng giá, dẫn đến tồn kho. Tháng 4-2022, giá yến thô lên đến 23 triệu đồng/kg, nay chỉ dao động từ 12-15 triệu đồng/kg tùy kích cỡ và độ sạch, đẹp. Giá yến thô thấp nhất từ trước đến nay.
Anh Trần Quốc Phương - Chi hội phó Chi hội Yến sào Kiên Giang, chủ cơ sở yến sào Du Long, đường Phạm Hùng (TP. Rạch Giá) vừa bán lô yến thô hơn 30kg với giá 13 triệu đồng/kg, lỗ khoảng 3 triệu đồng/kg.
Anh Bùi Phú Hiệp - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên yến sào Nguyên Bản kiểm tra tổ yến. |
Anh Phương cho biết: “Tôi đang tồn khoảng 200-300kg yến thô. Do thời điểm thu mua tổ yến từ các nhà nuôi chim yến khác với giá cao. Sau đó, giá tổ yến cứ giảm dần đến nay. Những năm trước, cứ cuối vụ thu hoạch, giá yến tăng dần, nhưng năm nay hoàn toàn khác. Bán lỗ là giải pháp tạm thời, ngắn hạn để tôi giảm lượng hàng tồn. Trước mắt, tôi hạn chế thu mua mới, chờ giá bán tăng và đầu ra ổn định hơn, chứ không mua nhiều như trước đây”.
Chị Đoàn Thị Kim Anh - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Hiền Kim Anh, đường số 5, khu đô thị Tây Bắc (TP. Rạch Giá) vừa bán 40kg yến thô, lỗ 500.000 đồng/kg chia sẻ: “Hiện tôi còn khoảng 20kg yến tinh chế để bán cho các mối sỉ. Đợt này, tôi không lường trước được giá tổ yến giảm. Hiện tôi vẫn tiếp tục thu yến thô từ các nhà yến khác nhưng điều chỉnh giá mua thấp và chỉ chọn thu mua tổ yến đẹp, ít lông”.
Anh Bùi Phú Hiệp - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên yến sào Nguyên Bản, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Rạch Giá) hiện có 4 nhà nuôi chim yến tại huyện Hòn Đất. Vừa bán vài chục ký yến thô, hiện anh Hiệp còn tồn khoảng 50kg tổ yến. Anh Hiệp tìm nhiều giải pháp thúc đẩy bán hàng, giảm hàng tồn. Ngoài việc bán hàng trên website riêng, anh Hiệp còn đẩy mạnh bán hàng trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, TikTok shop, Facebook, Zalo…
Nhân viên Công ty TNHH MTV yến sào Nguyên Bản sơ chế tổ yến. |
Anh Hiệp cho biết: “Ngày 8-7, tôi đã dự hội nghị phát triển ngành yến sào toàn cầu năm 2023 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn, chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia… Tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng từ yến sào mà tôi chưa khai thác. Hướng tới, tôi sẽ nghiên cứu các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến từ tổ yến nhằm đa dạng sản phẩm từ yến sào”.
Anh Trần Quốc Phương cho rằng các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hơn về vệ sinh nhà nuôi chim yến; tăng cường kiểm tra và có chế tài mạnh hơn khi phát hiện những trường hợp kinh doanh các sản phẩm tổ yến trôi nổi, pha trộn tạp chất vào yến tinh chế nhằm hạ giá thành sản phẩm, giảm giá trị của tổ yến Kiên Giang.
Năng suất nuôi yến suy giảm 50% người nuôi thất thu
Hơn một năm trở lại đây, hầu hết các nhà nuôi chim yến ở tỉnh Tiền Giang giảm năng suất khai thác tổ yến. Tại địa bàn Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo và Thành phố Mỹ Tho có nhiều nhà yến giảm năng suất từ 30-50% so với hai năm trước.
Riêng các nhà mới đầu tư nuôi thì đàn yến dẫn dụ vào và sinh sản rất ít. Trong khi đó, đầu ra tổ yến sau dịch Covid-19 rất thuận lợi, giá tổ yến thô trên dưới 20 triệu đồng/kg, tổ yến sạch gần 40 triệu đồng/kg nhưng do sản lượng tổ yến khai thác sụt giảm nên người nuôi động vật này bị thất thu so với trước đây.
Xây nhà kiên cố dẫn dụ chim yến phát triển mạnh tại tỉnh Tiền Giang. |
Ông Nguyễn Văn Như, người dân phường 4, thành phố Mỹ Tho có đến 08 nhà dẫn dụ chim yến chia sẻ: "Năm nay, lượng chim yến giảm rất nhiều. Năm rồi giảm khoảng 20-25% so với các năm trước, đến năm nay có thể giảm tiếp 20% nữa. Theo tôi nghĩ có thể nguyên nhân là do thay đổi thời tiết, thứ hai là do không có côn trùng để chim yến bay ăn hàng ngày; thứ ba nữa là do nạn săn bắt bừa bãi, vùng yến khi bị săn bắt nó báo động với nhau có thể nó di cư sang nơi khác. Năm nay, tổ yến rất nhỏ thứ hai là giảm sản lượng đàn yến rất nhiều”.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang đã phát triển hơn 1.700 nhà nuôi chim yến, đứng hàng thứ 3 trong cả nước. Hầu hết các nhà nuôi chim yến được xây dựng kiên cố, với kinh phí đầu từ trên dưới 1 tỷ đồng/nhà.
Các địa phương trong tỉnh đều có mô hình nuôi chim yến thương phẩm, nhiều nhất là huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Chợ Gạo và Thành phố Mỹ Tho. Chính quyền địa phương có quy định vùng nuôi chim yến, người dân không được tiếp tục nuôi chim yến trong nội thị, khu vực thị trấn đông dân cư để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tổ yến sào tại nhiều nhà yến sụt giảm năng suất so với trước đây. |
Nghề nuôi yến có nhiều triển vọng đem lại thu nhập cao cho người dân khi tổ yến là sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên nghề nuôi yến tại Việt Nam đang còn nhiều bất cập từ khâu nuôi yến cho tới thị trường. Thời gian vừa qua các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều giải pháp về quy hoạch vùng nuôi hợp lý, sản xuất, chế biến, thị trường và những vấn đề liên quan khác nhằm phát triển an toàn, bền vững và khai thác hiệu quả sản phẩm tổ yến./.