Đề xuất Mỹ miễn trừ thuế đối với một số nhóm hàng nông sản Thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc nhìn từ những con số Thêm nhiều nông sản Việt Nam sắp xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc |
Khẳng định thương hiệu nông sản An Giang
![]() |
Ngành nông nghiệp An Giang còn thực hiện hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh. |
Với diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc "tốp đầu" vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang sở hữu tiềm năng lớn trong liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản. Ngành nông nghiệp An Giang đang nỗ lực đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, năm 2024, tổng diện tích xuống giống cây lúa khoảng 618.600ha, sản lượng gần 4,072 triệu tấn. Bên cạnh, tổng diện tích hoa màu, cây ăn trái lần lượt là 48.800ha và 20.500ha; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 700.000 tấn, trong đó, cá tra khoảng 583.000 tấn.
Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ cấp 564 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 19.766ha, phục vụ nhu cầu xuất khẩu đi các thị trường: Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Nga, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài ra, cấp 1 mã số cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp An Giang còn thực hiện hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh. Chỉ riêng lúa gạo, diện tích liên kết năm 2024 đã đạt khoảng 74.623ha, chiếm 12,1% tổng diện tích gieo trồng. Đặc biệt, An Giang còn có 2 sản phẩm gạo đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 5 sao cấp quốc gia; 1 sản phẩm gạo, 2 sản phẩm rượu gạo và 1 sản phẩm thanh gạo lứt ngũ cốc đạt OCOP 3 sao.
Dù đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản của tỉnh, nhưng ngành nông nghiệp An Giang vẫn đối mặt với khó khăn, như: Cơ chế, chính sách thu hút, mời gọi doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn; năng lực của các hợp tác xã còn hạn chế, khó khăn cho việc hình thành các chuỗi liên kết; hệ thống logistics trong nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư vào lĩnh vực này.
Doanh nghiệp đề xuất các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức nông dân trong việc tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhằm tạo được vùng nguyên liệu lớn. Việc giữ “chữ tín” trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, công tác xây dựng mã số vùng trồng chưa được hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân quan tâm đúng mức, gây khó khăn cho quá trình xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp An Giang đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương. Phát triển các khu công nghiệp dành riêng cho chế biến nông sản, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nông dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh nhằm thu hút doanh nghiệp đến An Giang.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản, UBND tỉnh An Giang yêu cầu ngành nông nghiệp đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Thường xuyên phối hợp với các địa phương hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp để xây dựng các vùng nguyên liệu lớn theo nhu cầu doanh nghiệp. Tích cực xây dựng mã số vùng trồng để thực hiện truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong quá trình tham gia liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu.
Nông sản An Giang chinh phục thị trường thế giới
![]() |
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong hoạt động xuất khẩu nông sản, Sở Công Thương đề ra một số giải pháp để phát triển thị trường, hạn chế phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. |
Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những khó khăn, thách thức đan xen. Suy thoái kinh tế, lạm phát, sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn… khiến việc tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã mang lại hiệu quả tích cực.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh An Giang đạt hơn 1,22 tỷ USD, tăng 3,63% so năm trước. Về ngành hàng lúa gạo, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu đến 60 thị trường khác nhau trên thế giới. Trong đó, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của tỉnh, chiếm trên 59% tổng kim ngạch, tăng 64% so cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Singapore, tăng 28% và chiếm 6% thị phần xuất khẩu gạo của tỉnh.
Các mặt hàng thủy sản đạt doanh số xuất khẩu 69.000 tấn, tương đương 332 triệu USD, sang 71 nước, 2 khu vực ASEAN và Châu Âu. Trong đó, thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 60% thị phần, Châu Mỹ khoảng 20%, Châu Âu chiếm 18%... Với mặt hàng rau quả, tỉnh xuất khẩu trên 147.000 tấn, tương đương 74 triệu USD, tăng 19% về kim ngạch so năm trước. Thị trường chủ yếu của rau quả An Giang là Malaysia, Đài Loan, Ba Lan, Bỉ, Vương quốc Anh...
Sở Công Thương An Giang dự báo xuất khẩu gạo sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn trong năm 2025 do Ấn Độ quay trở lại thị trường và dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, gạo An Giang vẫn có khả năng tiêu thụ mạnh ở phân khúc gạo chất lượng cao, khả năng đạt 320 triệu USD. Các doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Vi, Công ty TNHH Gạo Vĩnh Phát Willmar… cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng trên 10% về giá trị xuất khẩu trong năm 2025.
Với mặt hàng thủy sản, dự báo kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2025 có thể đạt 350 triệu USD, tăng 9% so năm trước. Nguyên nhân do các doanh nghiệp lớn: Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh... tăng cường xuất khẩu và đặt mục tiêu tăng trưởng 10% - 15% so năm 2024. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng cá tra của các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Mỹ, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Nga và Châu Âu cũng tăng cao, nên có thể thực hiện được mục tiêu này. Với mặt hàng rau quả, dự kiến đạt 78 triệu USD, tăng 6% giá trị so năm 2024.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong hoạt động xuất khẩu nông sản, Sở Công Thương đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường, hạn chế phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Theo đó, sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Trung ương, địa phương tổ chức, đồng thời kết nối thị trường tiềm năng tại các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...
Cùng với đó, thông tin kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nắm thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt hiệu quả. Đối với sản phẩm OCOP, Sở Công Thương đề nghị cần xác lập đơn vị đạt nhãn hiệu chứng nhận An Giang, để giới thiệu đến các Tham tán thương mại và tham gia hội chợ trong, ngoài tỉnh. Đơn vị cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tiếp cận và tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, như: Amazon, Alibaba, eBay, Shopee, Lazada… để tiếp cận khách hàng quốc tế.
Bên cạnh, đơn vị tiếp tục phối hợp Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) theo dõi số liệu xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thuộc danh sách các mặt hàng Việt Nam đang điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đẩy mạnh thông tin liên quan các hiệp định thương mại tự do, phòng vệ thương mại cũng như các chế độ chính sách liên quan xuất, nhập khẩu đến doanh nghiệp. Tăng cường trao đổi với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xác lập thị trường tiềm năng, xây dựng chương trình quảng bá nông sản An Giang tại các thị trường...