Nhiều hộ kinh doanh còn e ngại thủ tục
![]() |
Hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại nông thôn vẫn ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp do vướng thủ tục và thiếu thông tin hỗ trợ. Ảnh: Hồng Phúc |
Cả nước hiện có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, tạo ra việc làm cho khoảng 8–9 triệu lao động. Họ tham gia ở nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, chế biến nông sản đến thương mại nhỏ lẻ, cung ứng dịch vụ tiêu dùng thiết yếu ở khắp các vùng quê, thành thị. Tuy nhiên, phần lớn vẫn hoạt động dưới hình thức hộ cá thể, chưa có tư cách pháp nhân rõ ràng, dễ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, mở rộng thị trường hay thực hiện thủ tục hành chính.
Theo Bộ Tài chính, chỉ cần 20% trong số các hộ hiện nay chuyển thành doanh nghiệp là có thể bổ sung khoảng 1 triệu doanh nghiệp mới, đủ để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030. Tuy vậy, không ít hộ kinh doanh, đặc biệt là các hộ nông dân, vẫn e ngại bước lên doanh nghiệp vì lo ngại thủ tục phức tạp, phải nộp nhiều loại thuế, thuê kế toán, kê khai rườm rà…
Chính vì vậy, việc thiết kế các chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ hộ lên doanh nghiệp đang được xem là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế cơ sở, nhất là khu vực nông thôn. Từ thực tiễn này, Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp : các doanh nghiệp được thành lập mới từ hộ kinh doanh (bao gồm cả cá nhân kinh doanh) sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Nếu trong 3 năm đầu doanh nghiệp chưa có thu nhập chịu thuế, thì thời gian miễn sẽ được tính từ năm thứ 4.
Không chỉ dừng lại ở ưu đãi thuế, theo ông Nguyễn Văn Thắng – Bộ trưởng Bộ Tài chính – từ năm 2026, chính sách bỏ thuế khoán sẽ được triển khai nhằm tăng cường minh bạch và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi. Đồng thời, những hộ đã lên doanh nghiệp sẽ được cung cấp nền tảng số, phần mềm kế toán miễn phí, miễn thuế môn bài, và có thể được hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi. Sau thời gian miễn thuế, các doanh nghiệp có doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm sẽ được áp dụng thuế suất 15%, còn doanh nghiệp có doanh thu từ 3 đến 50 tỷ đồng được áp dụng mức 17%, thấp hơn đáng kể so với mức phổ thông là 20%.
Gỡ rào cản, hỗ trợ nông dân lên doanh nghiệp
![]() |
Hộ kinh doanh được hỗ trợ phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý và đào tạo quản lý để thuận lợi chuyển đổi thành doanh nghiệp. |
Đồng tình với hướng đi này, TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội – cho rằng, việc chuyển đổi sẽ thành công nếu có hệ sinh thái hỗ trợ bài bản, đồng bộ từ pháp lý đến vận hành. Ông đề xuất xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến 3 năm, đồng thời hỗ trợ hóa đơn điện tử, tín dụng ưu đãi và chi phí khởi sự như tư vấn, đăng ký kinh doanh.
TS Nguyễn Quốc Việt (Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội) lưu ý, tâm lý e dè chuyển đổi thường đến từ nỗi lo thiếu kiến thức kế toán, sợ sai khi kê khai thuế. Vì thế, cần có các phần mềm kế toán đơn giản, miễn phí trong giai đoạn đầu, kết hợp hướng dẫn minh bạch và dễ hiểu về nghĩa vụ thuế để giúp hộ kinh doanh tự tin hơn khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp . “Không chỉ miễn thuế, điều quan trọng là phải giảm tối đa thủ tục rườm rà, hỗ trợ toàn diện về chuyển đổi số. Việc kê khai và nộp thuế cần được chuyển sang hình thức điện tử đơn giản, thay vì phải thuê dịch vụ ngoài hay đi lại nhiều lần”, ông Việt nhấn mạnh.
Ở góc độ chính sách vĩ mô, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI – cũng đề xuất cải cách toàn diện hệ thống kế toán và tài chính cho doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp mới chuyển đổi. Cần cung cấp miễn phí gói phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử cơ bản trong ít nhất 1–2 năm đầu, giúp doanh nghiệp không bị "choáng ngợp" khi bắt đầu.
Thống kê mới nhất từ Cục Thuế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 146.000 cơ sở kinh doanh mới được đăng ký, trong đó có hơn 45.000 hộ đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Tổng thu ngân sách từ khu vực hộ kinh doanh ước đạt 17.100 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý và kịp thời.
Chia sẻ thực tế từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội – nhấn mạnh: “Muốn chính sách thực sự đi vào đời sống, phải có gói hỗ trợ mạnh, từ miễn thuế 3 năm, tư vấn pháp lý miễn phí, đến cung cấp app kế toán giúp kê khai đơn giản và đào tạo kỹ năng quản lý, kế toán và chuyển đổi số cho hộ kinh doanh. Theo ông Thân, nếu có lộ trình rõ ràng và sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý, quá trình “lên đời” từ hộ cá thể lên doanh nghiệp sẽ diễn ra nhanh hơn, giúp hộ nông dân chuyển mình vững chắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế tư nhân và ngân sách quốc gia."