![]() |
Hiện nay, số lượng đàn chim trĩ của gia đình bà Sương đã tăng lên 250 con. |
Nuôi chim trĩ đỏ như nuôi gà
Bà Nguyễn Thị Thu Sương (ở xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) nuôi chim trĩ đỏ từ ba năm nay và có nguồn thu nhập cao từ loài chim đặc sản này.
Bà biết đến nghề nuôi chim trĩ đỏ cũng chỉ là "bất đắc dĩ". Bởi theo bà kể, vào năm 2019, khi đó con trai bà mua về 50 con chim trĩ giống, với giá 200.000 đồng/con. Nhưng con trai bà không có thời gian chăm sóc, nên mọi việc cho chim ăn, vệ sinh chuồng trại đều do bà làm.
Bà Sương cho biết: “Chuồng trại nuôi chim trĩ đỏ cần khoảng 30m2, cao khoảng 4m, mái được lợp tôn, mùng chụp phủ kín chuồng bằng lưới cước.
Bên trong chuồng chim gác cây tre kiểu bán tự nhiên để tạo chỗ cho chim đứng. Dưới nền cát xây từng hộc bằng gạch ống để tạo chỗ cho chim trĩ trú ngụ”.
Theo bà Sương, nuôi chim trĩ không khó, bởi đây là động vật hoang dã, có sức đề kháng tốt hơn với dịch bệnh so với các loại gia cầm truyền thống.
Vì vậy sau 3 năm, số lượng đàn chim trĩ của gia đình bà đã tăng lên 250 con. Việc nuôi chim trĩ ngoài tạo nguồn thu ổn định cho kinh tế gia đình, còn góp phần bảo tồn và phát triển nguồn giống chim quý hiếm này.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thu Sương thu hoạch trứng chim trĩ đỏ. |
Chia sẻ về kinh nghiệm, bà Sương cho biết: Chim trĩ cũng như gà nên chỉ cần cho ăn thức ăn viên được bán tại các đại lý thức ăn chăn nuôi.
Trong chuồng sử dụng loại máng ăn, uống cho gà để đảm bảo vệ sinh. Lượng thức ăn, nước nên cho vừa đủ, khi chim ăn hết mang ra ngoài vệ sinh thay nước mới, tránh để nước lưu lại sang ngày thứ 2. Khi chim lớn khoảng hơn 2 tháng tuổi, cho chim ăn các loại thức ăn chăn nuôi loại lớn, bổ sung thêm các loại ngũ cốc, rau xanh, trái cây…
Chim trĩ mau lớn ít dịch bệnh dễ nhân rộng
“Chim trĩ đỏ mạnh khỏe như gà, sinh trưởng tốt và không gặp bệnh bất thường (ngoại trừ dịch bệnh hay ảnh hưởng khách quan của thiên nhiên). Trứng chim trĩ đỏ giàu chất đạm hơn so với trứng gà và thịt cũng ngọt, xương giòn hơn gà. Chim trĩ đỏ đẻ rộ vào mùa gió Nam (từ tháng 1 - 9), sang mùa gió chướng (từ tháng 9 - 12) thì chim vẫn đẻ nhưng rất ít trứng mà chủ yếu dưỡng sức cho mùa đẻ rộ năm sau. So với công việc làm thuê, nuôi chim trĩ đỏ không cực bằng. Khách hàng đến tận nhà thu nhận trứng, với giá 8 ngàn đồng/trứng và thuê xe vận chuyển đến tận nơi cho khách hàng với giá hơn 10 ngàn đồng/trứng”, bà Thu Sương chia sẻ kinh nghiệm nuôi.
Do là loài chim hoang dã, nhưng đã được thuần hóa nên chim trĩ lớn rất nhanh, sau hơn nửa năm nuôi, con mái có trọng lượng khoảng 2kg và có thể sinh sản, thường từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Mỗi năm, chim đẻ 2 đợt, đợt đầu khoảng 70 trứng, sau đó nghỉ thay lông và đẻ tiếp khoảng 30 trứng trong tháng 10.
Bà Sương bán với giá 8.000-15.000 đồng/trứng, chim con nở được 5 ngày bán 20.000 đồng/con, 15 ngày tuổi 40.000 đồng/con và chim trưởng thành khoảng 130.000 đồng/con. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi tháng gia đình bà Sương có thu nhập khoảng 15 triệu đồng từ việc nuôi chim trĩ.
![]() |
Nuôi chim trĩ đỏ không đòi hỏi kỹ thuật cao và ít dịch bệnh nên có thể nhân rộng. |
Theo bà Thu Sương, hiện trứng chim trĩ đỏ thu hoạch lai rai khoảng 100 trứng/ngày. Khi chim trưởng thành thì được đeo kính bằng chất liệu nhựa đỏ trên đầu nhằm tránh trường hợp đấu đá lẫn nhau. Ngoài ra, người nuôi cần bỏ thêm trứng bằng nhựa, nhằm kích thích khả năng đẻ trứng cho chim khi vào giai đoạn chuẩn bị sinh sản. Cung cấp thức ăn cho chim 2 cữ/ngày. Giai đoạn sinh sản, với 250 con thì quân bình nửa bao thức ăn (25kg/ngày). Khi chim vừa nở, người nuôi phải úm hay xông bằng đèn điện khoảng 20 ngày với điều kiện nhiệt độ tương ứng, sẽ tạo được sự cứng cáp cũng như khỏe mạnh cho vật nuôi.
Ông Nguyễn Tấn Huỳnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thanh Tây cho biết: Mô hình nuôi chim trĩ đỏ của hộ bà Nguyễn Thị Thu Sương là một trong những mô hình mới, hiệu quả ở địa phương. Hội viên, nông dân thường xuyên đến tham quan, học hỏi và rút kinh nghiệm thực tiễn để về xây dựng kế hoạch trong việc phát triển kinh tế. Hướng tới, xã triển khai nhân rộng mô hình; khuyến khích cũng như kết nối nguồn lực hỗ trợ nuôi chim trĩ đỏ nhằm phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao. Hội sẽ nghiên cứu triển khai đến hội viên, đồng thời kết nối nguồn lực hỗ trợ để nhân rộng mô hình, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con địa phương./.