Phú Yên: Ổn định đời sống nhờ nuôi chồn hương Nuôi con độc lạ, xu hướng chăn nuôi mới sau dịch bệnh Nuôi loài thú hoang dã bằng thức ăn rẻ bèo, chỉ bán con giống đã lãi 200 triệu đồng |
Nuôi chồn hương mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng 30 phút để cho ăn và vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Thanh Lâm |
Nuôi chồn hương cực nhàn
Năm 2020, nhờ sự giới thiệu của người thân, anh Lê Quốc Tuấn (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, Tiền Giang), đặt mua 4 con chồn hương giống (gồm 03 cái, 01 đực) với giá 16.000.000 đồng, và nhờ người hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, thức ăn… Chồn là loài động vật có tập tính “ăn đêm ngủ ngày” vì thế chuồng nuôi được anh Tuấn thiết kế ở nơi không cần nhiều ánh sáng, diện tích mỗi chuồng khoảng 1m2/con.
Lúc mới bắt đầu nuôi, anh Tuấn thả nuôi trong những chiếc lồng lưới kẽm nhưng thấy chồn chậm phát triển, anh chuyển qua nuôi trong chuồng xi măng.
Việc nuôi chồn hương không tốn nhiều diện tích, ít tốn công chăm sóc, vừa nuôi, vừa làm việc khác kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, cứ 06 giờ sáng, anh Tuấn bắt đầu vệ sinh chuồng trại, cho chồn ăn mất khoảng 30 phút.
Sau gần 1 năm nuôi, các chồn cái đã cho sinh sản được 2 lứa với 14 chồn con, anh Tuấn xuất bán được 45 triệu đồng. Thấy lợi nhuận khá cao nên các lứa sau anh Tuấn quyết định giữ lại để nhân giống và mở rộng quy mô chuồng trại. Hiện tổng đàn chồn hương giống của anh có được là 22 con, trong đó có khoảng 04 – 06 con đang chuẩn bị sinh sản.
Sau 2 năm nuôi chồn hương, anh Lê Quốc Tuấn (bên phải) đã có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Thanh Lâm |
Bí quyết để chồn hương sinh sản đều đặn
Năm 2022, theo giá thị trường, chồn hương thương thịt có giá từ 1,9 – 2,1 triệu đồng/kg; chồn con (chồn giống từ 02 – 03 tháng tuổi) giá 08 triệu đồng 01 cặp. Với số con giống hiện có, ước tính sau khi trừ chi phí, gia đình anh Tuấn thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi năm, dự kiến tăng lên 200 triệu đồng trong năm 2023. Hiện tại anh Tuấn đang tiếp tục phát triển đàn chồn hương để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Tuấn chia sẻ, để nuôi chồn hương chất lượng, nên chọn những con giống nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt mà, mắt tinh… Nếu nuôi chồn hương sinh sản, phải chọn con giống được nuôi từ nhỏ, vì chúng đã được thuần với môi trường nuôi nhốt.
Theo anh Tuấn, nuôi chồn hương sinh sản chuồng trại phải vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. "Làm chuồng nuôi chồn hương sinh sản bằng xi-măng tốt hơn chuồng lưới vì có bóng tối và ít làm chồn mẹ, con rụng lông", anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, anh Tuấn cho rằng, trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ mắc bệnh tiêu chảy, nên phòng bệnh bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào trong thức ăn. Thêm vào đó, chồn hương cũng dễ mắc bệnh cầu trùng hoặc bị bệnh thương hàn.
Nuôi chồn hương sinh sản chuồng trại phải vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. |
Chồn sinh sản phải từ 8 tháng tuổi trở lên. Khi chồn giao phối xong, phải tách con cái và đực ra để nuôi riêng. Chồn mang thai trong vòng 90 ngày. Thời gian đầu chồn con bú sữa mẹ, đến khi được 35 ngày tuổi chồn sẽ tập ăn thức ăn. Chồn con 60 ngày tuổi sẽ cho tách bầy.
Ngoài tự nhiên, mỗi năm chồn hương đẻ 1 lứa. Tuy nhiên, khi nuôi trong môi trường thuần hóa, chồn có thể đẻ 2 lứa/năm. Mỗi lứa 3 - 6 con.
Thức ăn của chồn hương cũng dễ tìm. Chuối là thức ăn yêu thích, ngoài ra, người nuôi có thế tăng cường thêm cá, thịt đã được chế biến và một số loại trái cây vụn.
Nuôi chồn hương chủ yếu nắm được tập tính để có biện pháp kỹ thuật phù hợp. Từ việc thiết kế chuồng trại đơn giản tới việc tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên khiến cho chi phí nuôi chồn hương ở mức thấp. Ngoài ra, việc nuôi chồn hương cũng không đòi hỏi phải dành nhiều thời gian chủ yếu là cho ăn và vệ sinh chuồng trại. Bởi vậy, nhiều người dù nuôi chồn hương nhưng vẫn có thời gian làm thêm những công việc khác. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chồng hương giống và thương phẩm còn rất lớn nên đầu ra ổn định với giá thành cao giúp người nuôi tăng lợi nhuận./.