Chồn hương vốn là loài động vật hoang dã |
Chồn hương vốn là loại động vật hoang dã nhưng đã được người dân tại nhiều nơi phát triển nuôi nhờ cho hiệu quả kinh tế cao.
Thịt chồn hương chế biến được nhiều món ăn đặc sản ngon, với thịt ngọt và mềm nên được thực khách ưa chuộng. Ðây là loại vật nuôi không chỉ để làm thực phẩm, dược phẩm mà còn phục vụ cho một số hoạt động sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra giá trị gia tăng cao, đặc biệt là sản xuất cà phê chồn.
Nuôi chồn hương ít tốn chi phí, sản phẩm đầu ra lại bán giá cao nên người nuôi có thể đạt được mức lợi nhuận rất cao, đặc biệt nuôi chồn cho sinh sản và bán con giống. Thời gian qua, giá chồn hương giống ở mức từ 5-11 triệu đồng/con, tùy theo lớn nhỏ, con cái hay con đực.
Còn chồn thương phẩm cũng có giá rất cao, với giá thịt hơi vào nhiều thời điểm ở mức từ 1,5-2,2 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn. Ðiều đáng chú ý, nuôi chồn hương không đòi hỏi phải có diện tích đất lớn. Người nuôi có thể mua các tấm lưới kẽm có bán sẵn trên thị trường để làm chuồng hoặc đặt thợ làm.
Thức ăn để phục vụ chăn nuôi cũng dễ tìm và có chi phí tương đối thấp nhờ có thể tận dụng các loại trái cây và cá giá rẻ để làm thức ăn cho chồn hương.
Nuôi chồn hương tại hộ anh Phạm Văn Tuấn ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ |
Anh Phạm Văn Tuấn ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bắt đầu thử nghiệm nuôi chồn hương từ năm 2016. Lúc đầu anh chỉ nuôi 2 con cái và 1 con đực. Sau khoảng 3 năm nuôi, thấy chồn hương cho hiệu quả kinh tế cao, anh Tuấn quyết định đầu tư khoảng 600 triệu đồng để mua 50 con cái hậu bị về nuôi nhằm phục vụ nuôi sinh sản.
Ðến nay, anh đã có 3 nhà trại phục vụ nuôi chồn hương, với tổng diện tích hơn 270m2, tổng đàn chồn hương trên 200 con, trong đó có 70 con bố mẹ đang cho sinh sản. Năm 2022 vừa qua, anh đã xuất bán hơn 219 con chồn giống và chồn thương phẩm, mang lại doanh thu gần 2 tỉ đồng.
Còn trong 2 tháng đầu năm 2023, anh tiếp tục xuất bán được 35 con chồn giống và chồn thương phẩm.
Chồn hương được gia đình anh Tuấn cung cấp cho nhiều khách hàng tại vùng ÐBSCL, các tỉnh, thành miền Ðông Nam Bộ và cả một số tỉnh, thành ở miền Bắc. Nhiều khách hàng và người dân từ các nơi cũng đã đến tận trại nuôi chồn hương của anh ở số 41/2 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy để tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm nuôi và mua con giống.
Chồn hương có tuổi đời hơn 10 năm tuổi. Chồn hương nuôi cỡ 9-11 tháng tuổi và đạt được trọng lượng theo yêu cầu (khoảng 5kg) là có thể bắt đầu phối giống cho sinh sản.
Chồn mang bầu trong thời gian 2 tháng và thời gian nuôi con cũng khoảng từ 2 tháng. Do vậy, mỗi năm chồn hương có thể đẻ được hơn 2 lứa và mỗi lứa đẻ từ 2-4 con, thậm chí có trường hợp 5-6 con.
Chồn hương sau khi sinh được từ 2 tháng trở lên có thể xuất bán chồn giống (chồn con). Chồn nuôi từ 6-7 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng từ 2,8-3,2kg/con.
Anh Tuấn cho biết: “Chồn hương là loài vật tương đối dễ nuôi nhưng để cho sinh sản, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn hương để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con con. Chồn hương thích sống riêng lẻ nên cần làm chuồng riêng cho từng con và chỉ nhốt chung chồn đực và chốn cái để phối giống trong thời gian ngắn khi bồn hương cái có các biểu hiện lên giống. Ðặc biệt, chồn con sau khi sinh chưa mở mắt và cần bú sữa, do vậy cần phải quan tâm chăm sóc đặc biệt cho chúng, đảm bảo giữ ấm và bổ sung, cung cấp đầy đủ sữa cho con con…”.
Mỗi năm, gia đình anh Tân có thu nhập gần 200 triệu đồng từ việc bán chồn hương giống. Ảnh: Ngọc Minh |
Cũng nhờ nuôi chồn hương sinh sản mà anh Trương Hồng Tân ở tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) thu về gần 200 triệu đồng từ việc bán con giống.
Anh Tân cho biết, trước kia, anh làm đủ thứ nghề, từ thợ hồ, thợ sơn đến nhổ mì, chặt mía thuê… nhưng “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, cuối năm 2010, anh quyết định mua 10 con chồn hương về nuôi. “Do tôi chưa nắm vững kỹ thuật cũng chưa hiểu tập quán sống của loài chồn nên nuôi được vài tuần thì chúng chết sạch”-anh Tân nói.
Không bỏ cuộc, anh Tân khăn gói đi tham quan, học hỏi cách chăn nuôi chồn hương ở một số trang trại tại tỉnh Bình Phước. Sau khi nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật nuôi chồn, anh dốc hết vốn liếng mua 20 con chồn cái và 5 con chồn đực về nuôi. Tuy nhiên, chỉ sau mấy tháng, đàn chồn bị bệnh tiêu chảy, chết dần, chỉ còn 4 con.
Dù vợ khuyên bán hết chồn hương, kiếm việc khác làm, song anh Tân nhất quyết giữ lại mấy con để tiếp tục gầy đàn. Ban ngày, anh phụ vợ bán nước mía, tối về lên mạng, rồi mua sách báo về nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy cho loài chồn.
Anh Tân tâm sự: “Sau nhiều năm nuôi, tôi không những nắm bắt được đặc tính, cách ăn uống, sinh sản của loài chồn trong môi trường nuôi nhốt mà còn chế ra được loại thuốc đặc trị bệnh viêm ruột, gây tiêu chảy ở loài chồn”.
Theo anh Tân, phương thuốc này kết hợp một số thảo dược, vitamin tổng hợp và men tiêu hóa. Trước khi cho chồn ăn, anh hòa thuốc vào trong nước cho chúng uống để ổn định đường ruột. Thức ăn cho chồn gồm chuối và cá, mỗi ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều.
Bên cạnh đảm bảo cho đàn chồn ăn no, đầy đủ chất, anh Tân đặc biệt coi trọng vệ sinh môi trường; chuồng trại và máng nước được thau rửa 2 lần/ngày. Hàng tuần, anh phun thuốc khử trùng, sát khuẩn chuồng nuôi để hạn chế dịch bệnh. Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, anh tiêm vắc xin cho đàn chồn. Nhờ đó mà đàn chồn ít bị bệnh, tăng sức đề kháng, sinh trưởng phát triển tốt. “Từ 4 con chồn, đến nay, trang trại của tôi đã có gần 300 con chồn sinh sản và chồn con”-anh Tân phấn khởi cho biết.
Hiện nay, anh Tân bán 5 triệu đồng/cặp chồn hương giống. Ngoài cung ứng cho các trại nuôi trong tỉnh, anh còn xuất đi các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định... “Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ việc bán chồn giống. Sắp tới, tôi sẽ mở cơ sở chăn nuôi chồn hương tại tỉnh Kon Tum”-anh Tân cho hay.
Phú Yên: Ổn định đời sống nhờ nuôi chồn hương |
Nuôi chồn hương cực nhàn, mỗi ngày bỏ ra 30 phút, thu trăm triệu mỗi năm |
Nuôi con độc lạ tỏa ra mùi hương, cứ ăn là lớn đẻ sòn sòn, mỗi năm thu 200 triệu |