Chị Phạm Văn Kiều Diễm bên mô hình nuôi loài thú hoang dã chồn hương của gia đình. |
Nuôi thú hoang dã quý hiếm bằng ốc bươu vàng
Chị Phạm Văn Kiều Diễm ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) là một trong những hộ nuôi chồn hương đạt hiệu quả nhờ biết tận dụng nguồn thức ăn dễ kiếm, giá rẻ tại địa phương như cá rô phi, ốc bươu vàng.
Chị Diễm cho biết, Đầu năm 2018, trong một lần tình cờ được đến tham quan mô hình nuôi chồn hương từ một người quen, nhận thấy đây là con vật dễ nuôi và có đầu ra ổn định nên chị đã quyết định thử sức theo đuổi công việc mới mẻ này.
Bí quyết để chị Diễm thu lợi nhuận cao từ nuôi loài thú hoang dã chồn hương là tận dụng nguồn thức ăn dễ kiếm, giá rẻ. |
Chị Diễm cho biết: “Do chồn hương là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB nên tôi phải xin phép Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định để thực hiện mô hình. Sau khi được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, tôi đầu tư 65 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, khởi nghiệp ban đầu với 5 cặp chồn hương giống từ miền tây về thả nuôi. Tuy nhiên, trong 1 năm đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu tập quán sống của loài chồn dẫn đến chồn hương không sinh sản, chậm lớn, vào mùa mưa hoặc cho ăn thức ăn lạ hay bị tiêu chảy…”.
Sau khi tự mày mò tích lũy kiến thức từ sách vở, internet… rồi rà soát lại quy trình nuôi của mình để thay đổi cách nuôi cho phù hợp. Thức ăn của chồn được chị Diễm chú trọng để đảm bảo dinh dưỡng. Để chồn hương sinh trưởng tốt, chị chủ yếu cho ăn chuối chín tươi và cá rô phi sống, cua, ốc bươu vàng, đối với chồn con cho ăn mỗi ngày 2 lần (sáng, tối), còn chồn lớn cho ăn 1 lần vào chiều tối.
Trong quá trình nuôi còn cho chồn sử dụng thêm men tiêu hóa để không bị viêm, bị bệnh về đường tiêu hóa. Khi đã nắm được kỹ thuật, lại có kinh nghiệm, chị Diễm mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi.
Theo tính toán của chị, mỗi năm một chồn mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 5 con. Chồn hương giống nuôi khoảng 3 tháng có giá bán từ 9 triệu đồng/cặp; chồn thịt giá 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, chị Diễm thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Bí quyết để chồn hương đẻ sòn sòn
Yếu tố đầu tiên cần chú ý trong kỹ thuật nuôi chồn hương là chuồng trại. Chuồng nuôi chồn nên làm theo hướng đông nam, mái lợp ngói hoặc lá, đảm bảo thoáng mát, cao ráo, có hệ thộng cửa sổ đóng – mở thuận tiện cho đông ấm, hè mát phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Tùy theo số lượng chồn mà có thể thiết kế các kiểu chuồng nuôi khác nhau, nếu nuôi nhiều thì xây chuồng thành các tầng (khoảng từ 2 đến 3 tầng), mỗi tầng cao từ 0,7 đến 0,8m bằng bê tông, gỗ hay tre thật chắc chắn để đặt các lồng nuôi nhốt chồn. Chú ý nền chuồng cần làm dốc thoải để dễ dàng thoát nước tiểu. Trên cùng một tầng, giữa các lồng nên ngăn kín để chồn không nhìn thấy nhau, có thể gây nên tình trạng bị stress.
Để chồn hương sinh trưởng tốt, chị Diễm cho ăn chuối chín tươi và cá rô phi sống, cua, ốc bươu vàng. |
Lồng nuôi nhốt chồn hương thường được làm kiên cố bao quanh bằng lưới sắt B40 hoặc có thể đan bằng gỗ, tre nhưng phải có then cài thật chắc chắn để chồn không chui ra ngoài được.
Vệ sinh chuồng trại: Đây cũng là vấn đề rất cần quan tâm, bạn phải giữ cho môi trường nuôi chồn không bị ô nhiễm, luôn khô ráo sạch sẽ vì vậy mỗi ngày đều phải quét dọn khu chuồng trại, cho phân và nước tiểu thoát ra ngoài thông qua hệ thống rãnh để tránh ô nhiễm môi trường.
Để có những con chồn nuôi chất lượng người nuôi nên chọn nuôi những con nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt mà, mắt mũi tinh anh, không bị thương… còn nếu chọn con làm giống thì tốt nhất lấy những con nuôi từ nhỏ lên vì chúng đã có thời gian thích nghi với môi trường nuôi nhốt.
Chồn sinh sản phải từ 8 tháng tuổi trở lên. Chồn cái đến giai đoạn động đực thường phát ra tiếng kêu lạ, bỏ ăn phá chuồng còn con đực tiết ra xạ hương thơm để quyến rũ con cái. Khi đó bạn thả con đực vào để chúng giao phối, nên thực hiện ngay khi chồn động đực để có chất lượng và hiệu quả cao nhất. Khi chồn giao phối xong, bạn lại tách con cái và đực ra để nuôi riêng. Nếu sau 1 tháng không thấy chồn cái có thai thì cần tiếp tục quan sát và cho giao phối lại.
Chị Diễm chăm sóc chồn hương giống. Ảnh: D.Đ |
Chồn mang thai trong vòng 60 ngày, sau khi sinh chồn con sẽ mở mắt sau khoảng 15 ngày. Thời gian đầu chồn con sẽ bú sữa mẹ, đến khi được 35 ngày tuổi chồn sẽ tập ăn thức ăn của mẹ, khi được 60 ngày tuổi thì cho tách bầy. Khi ở ngoài tự nhiên, mỗi năm chồn hương đẻ 1 lứa, khi được thuần hóa thì có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3 đến 6 con. Thời gian sinh sản thường từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch.
Nói về việc nuôi chồn sinh sản, chị Diễm chia sẻ thêm: “Chồn hương sau 10 đến 15 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Nhưng để chồn đẻ tốt nhất là khoảng 12 tháng tuổi. Trong thời gian này, chồn sinh sản được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi để hạn chế chồn mẹ sau khi sinh thiếu hụt chất sẽ ăn con non. Chồn mẹ mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con. Sau 60 ngày tuổi, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn đến khi cứng cáp thì xuất bán”.
Với gần 4 năm gắn bó với mô hình nuôi chồn hương, chị Diễm nhận thấy đây là con vật rất dễ nuôi, chỉ cần người nuôi biết cách làm chuồng, chăm sóc và phối giống thì sẽ đạt được thành công. Hiện nay, chị Diễm cung ứng con giống cho các trại nuôi của huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Quy Nhơn. Ngoài ra chị còn xuất đi các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên,…. với giá 7 triệu đồng/cặp chồn hương giống, 1,5 – 2 triệu đồng/kg chồn thịt. Sắp tới, chị Diễm sẽ mở rộng thêm cơ sở chăn nuôi chồn hương của gia đình./.