Người nuôi ốc hương Phú Yên "khóc ròng" vì giá giảm sâu Tạo thuận lợi cho hộ chăn nuôi tái đàn phục vụ thị trường Tết Nuôi con độc lạ, tưởng dở hơi ai ngờ thu tiền tỷ |
Nhiều hộ dân đã chuyển hướng sang nuôi con độc lạ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Thu tiền tỷ nhờ chuyển sang nuôi con đặc sản
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà gặp khó khăn do giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ chậm. Nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển hướng sang nuôi con đặc sản. Những mô hình chăn nuôi mới này cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2007, anh Nguyễn Văn Toại (thôn Phù Bật, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Sau thời gian giá cả trên thị trường biến động do dịch bệnh, thu nhập bấp bênh, anh Toại trăn trở về việc chuyển sang mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Năm 2018, sau khi tìm hiểu mô hình chăn nuôi trên phương tiện thông tin và một số trang trại tại địa bàn lân cận, anh Toại quyết định chuyển sang nuôi con đặc sản trên diện tích 700m2 với 20 con chồn hương, cầy vòi... Khi có kinh nghiệm và thị trường tốt, anh Toại mở rộng quy mô lên hơn 700 con. Trong đó, chồn hương và cầy vòi mốc là 180 con, dúi má đào Thái Lan 200 con, dúi mốc đại Trung Quốc 150 con, don 200 con.
Anh Toại cho biết, với mức độ sinh sản 3-5 lứa/năm thì mỗi con mẹ sẽ đem lại giá trị thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng. Việc nuôi con đặc sản không quá phức tạp bởi chỉ cần sử dụng thức ăn phổ biến như ngô, chuối, đu đủ, bí đỏ, cháo, tre, mía... Trong khi đó, thịt của chúng được xếp vào loại đặc sản vì ngon, giàu đạm, là nguồn dinh dưỡng tốt cho con người nên bán được giá cao, dao động từ 1.800.000 đồng đến 2.500.000 đồng/kg, tùy loại. Hằng tháng, mô hình nuôi con đặc sản của gia đình anh Toại còn xuất bán 200-300 con giống. Khách hàng mua giống sẽ được anh Toại ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Chồn hương là con đặc sản được nhiều nông dân chọn nuôi để phát triển kinh tế. |
Tương tự, tại xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lãng cũng đầu tư gần 1 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi cua, chạch đồng trên diện tích 2,2 mẫu cấy lúa kém hiệu quả. Để triển khai mô hình, Hợp tác xã cải tạo bùn chân ruộng, gia cố và ngăn bờ ruộng với bên ngoài bằng tấm tôn sắt cao 1m; sau đó, bơm nước, thả bèo tây, tạo môi trường sống cho cua, chạch. Để tạo thêm nguồn thức ăn cho cua, chạch, Hợp tác xã xây dựng 500m2 chuồng trại nuôi giun quế.
Chị Nguyễn Hiền Thảo, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lãng cho hay, cua đồng đang trở thành đặc sản đồng quê. Là loài sinh sản tập trung từ tháng 4 đến tháng 8, cua phát triển mạnh nhất vào những tháng hè, chỉ 2-3 tháng nuôi là có thể bán cua thịt. Giá bán cua luôn ổn định, đầu ra rất thuận lợi...
Từ mô hình nuôi các con đặc sản của nông dân và các hợp tác xã trên địa bàn Phú Xuyên cho thấy đây đang là hướng đầu tư mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, việc nuôi, trồng các loại cây, con đặc sản đang mở ra hướng phát triển mới cho nông dân, bởi phân khúc mặt hàng này luôn có giá ổn định, không lo khâu tiêu thụ. Thời gian tới, trên cơ sở cách làm hiệu quả từ thực tiễn, huyện sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hỗ trợ việc nhân rộng mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản ra nhiều địa phương trên địa bàn huyện.
Những lưu ý khi nuôi con đặc sản độc lạ
Hiện nay ở nhiều vùng trên cả nước, chăn nuôi con đặc sản đang trở thành trào lưu, giúp người chăn nuôi tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, người nuôi con đặc sản đang gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và đối mặt với sự lai tạp, gian lận… Làm thế nào để mỗi người chăn nuôi, từng địa phương phát huy được ưu thế đó?
Các chuyên gia về chăn nuôi cho rằng, con đặc sản có năng suất không cao, nhưng giá trị đem lại cho người nuôi là rất lớn. Bởi vậy, đây là một hướng đi rất tốt để cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài nhập vào nước ta. Các con đặc sản ở nước ta khá đa dạng, phong phú – Đó là một thế mạnh cần được tận dụng khai thác, phát huy.
Gà Đông Tảo là giống đặc sản đã được nuôi ở nhiều địa phương trong cả nước. |
Trong quá trình chăn nuôi, người dân cũng cần lưu ý tuân thủ các quy định về chăn nuôi, đặc biệt là vấn đề đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu. Tên thương mại (nhãn hiệu), chỉ dẫn địa lý là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 123 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, chủ sở hữu đối với tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có quyền: định đoạt, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mà mình đã đăng ký và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Do đó, nếu con đặc sản đã được đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thì chủ sở hữu sẽ được pháp luật bảo hộ. Người vi phạm sẽ bị xử lý theo “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 của Chính phủ.
Nuôi con độc lạ là một giải pháp giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn khi những vật nuôi truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh. Để các mô hình chăn nuôi mới này cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn và xây dựng thương hiệu sản phẩm./.
Nuôi con độc lạ, tưởng dở hơi ai ngờ thu tiền tỷ |
Người tạo ra kỳ tích từ tơ dứa xuất khẩu |
Lá cây xuất khẩu triệu đô được chăm sóc thế nào? |