Trang trại của ông Trịnh Đình Chính được nuôi những con đặc sản có giá trị kinh tế cao. |
Biến ruộng trùng thành trang trại, đúc kết thành công từ thất bại
Mô hình các con nuôi đặc sản như: ba ba, ốc, ếch, lươn... của ông Trịnh Đình Chính ở thôn Mai Trung, xã Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) khiến nhiều nể phục. Làm nông nghiệp vốn bấp bênh nhưng giải pháp nuôi con đặc sản của ông Chính đã đem lại nguồn thu bền vững.
Chia sẻ về những ngày đầu xây dựng mô hình phát triển kinh tế đầy khó khăn, ông Chính cho biết: Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, gắn bó với nghề nông từ nhỏ, lại là lao động chính của gia đình, ông luôn trăn trở suy nghĩ làm gì để có thể thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Nhận thấy đất đai của Gia Vân phù hợp với các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, ông bàn với gia đình đấu thầu đất của xã để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Dưới ao ông Chính nuôi ba ba, ốc nhồi, lươn... |
Năm 2009, trên diện tích 1,2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), ông Chính thuê máy đào ao thả cá, nuôi ba ba và xây chuồng nuôi lợn thương phẩm. Mấy năm đầu chuyển đổi, ông gặp không ít khó khăn, nhất là thiếu vốn, kinh nghiệm ít ỏi, thời tiết nhiều khi không chiều lòng người. Nhưng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ngành, đoàn thể trong xã, ông đã không bỏ cuộc và tích cực tham gia các lớp tập huấn để học tập, tìm kiếm thêm thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho các con nuôi.
Sau những thất bại đầu tiên, ông rút ra kinh nghiệm và bắt đầu chăn nuôi hiệu quả. Năm 2018, khi xã Gia Vân hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới, ông tiếp tục đấu thêm đất, mở rộng quy mô gia trại lên 5,3 mẫu.
Bước ngoặt đến từ nuôi con đặc sản
Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, chăn nuôi lợn bấp bênh, cộng với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ con nuôi đặc sản gia tăng, ông Chính mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi các con nuôi đặc sản phục vụ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.
Nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất, cùng sự năng động sáng tạo, cần cù chịu khó, ông đã thành công với các con nuôi mới. Hiện gia đình ông duy trì 6 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) mặt nước nuôi ba ba, 1,7 mẫu nuôi ốc nhồi, chục lồng nuôi ếch, 2.000 gà ta thương phẩm, 2.000 con cá chuối hoa. Hầu hết sản phẩm sau khi thu hoạch đều được các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thu mua để phục vụ khách du lịch đến tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
Ông Chính chia sẻ: Chăn nuôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước tiên môi trường nuôi phải thoáng đãng, sạch sẽ, có vốn xoay vòng, người nuôi thường xuyên nắm bắt nhu cầu của thị trường để lựa chọn con nuôi phù hợp, tránh tình trạng được mùa, mất giá. Để vật nuôi khỏe, khâu chọn con giống đặc biệt quan trọng. Ông cho biết, chọn con giống phải có nguồn gốc rõ ràng; thức ăn bảo đảm tiêu chuẩn dinh dưỡng, luôn chú trọng phòng chống dịch bệnh.
Ông cũng nuôi hàng nghìn con gà đặc sản. |
Từ mô hình con nuôi đặc sản, mỗi năm gia đình ông Chính có thu nhập 400 - 500 triệu đồng. Thời gian tới, ông dự định mở rộng quy mô đồng thời đưa thêm lươn đồng vào nuôi thử nghiệm để có thể cung cấp đa dạng sản phẩm ra thị trường, mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Đinh Đức Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Vân, cho biết: Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, đi trước đón đầu xu hướng, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Trịnh Đình Chính là tấm gương điển hình như thế. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Chính còn luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương, thường xuyên giúp đỡ nông dân nghèo phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, như chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho vay con giống,.../.